Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Làm luật” ở Việt Nam

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Tân Bộ trưởng Bộ Y tế nói với báo chí rằng với quyền lực của một bộ trưởng, bà “sẽ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật dược, Luật đấu thầu, Luật giá”…

 

Nếu bà Đào Hồng Lan thật sự “bao sân lập pháp” đến vậy thì xem như Quốc hội Việt Nam dường như đành phải… ‘thất nghiệp’ (?!).

Nhìn từ Hoa Kỳ

Quy trình làm luật ở các nước gồm các bước sau: phân tích từ góc độ chính sách đối với dự luật; phê duyệt về mặt chính sách đối với dự luật; soạn thảo dự luật; thẩm định hoặc thẩm tra dự luật; phê duyệt dự luật; tham vấn nhân dân (nếu cần thiết), xem xét và thông qua. Dù là dự luật của Chính phủ hay của cá nhân hoặc nhóm đại biểu Quốc hội đều phải trải qua quá trình này.

Ở xứ người như Hoa Kỳ chẳng hạn, Hiến pháp của quốc gia này quy định rằng: Tất cả các dự án luật đã được Hạ viện và Thượng viện thông qua, trước khi trở thành luật đều phải trình lên Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Tổng thống có 10 ngày để xem xét và quyết định phê chuẩn dự án luật. Trường hợp đồng ý, Tổng thống sẽ ký vào dự luật và ghi rõ “phê chuẩn” và ngày ký. Một dự luật cũng vẫn có thể trở thành luật mà không cần Tổng thống ký, nếu Tổng thống không trả lại dự luật với những ý kiến phản đối của mình trong vòng 10 ngày (không tính các ngày chủ nhật) sau khi dự luật đã được chuyển tới Tổng thống.

Nếu Quốc hội kết thúc kỳ họp của mình mà Tổng thống không thể trả lại dự án luật cho Nghị viện, dự luật đó bị loại bỏ theo cách mà người ta vẫn gọi là “phủ quyết đương nhiên” mà không cần có ý kiến phản đối của Tổng thống vì do kết thúc kỳ họp nên Nghị viện không còn cơ hội nhận trở lại ý kiến phủ quyết của Tổng thống.

Điều này khác với việc nghỉ giữa nhiệm kỳ hoặc nghỉ vào đầu kỳ họp khi mà Nghị viện thông qua các cơ quan của mình, vẫn có khả năng nhận trở lại thông báo về ý kiến phủ quyết của Tổng thống.

Thủ tục ở Thượng viện cũng như ở Hạ viện là cần có 2/3 số phiếu ủng hộ để thông qua dự luật bác bỏ những ý kiến phản đối của Tổng thống. Nếu có 2/3 số phiếu ở mỗi viện ủng hộ thông qua dự luật, thì dự luật đó trở thành luật của quốc gia mà không phụ thuộc vào ý kiến phản đối của Tổng thống.

Trên thực tế, không dễ đạt được tỷ lệ 2/3 này. Do đó, Quốc hội Mỹ thường tìm cách gắn dự luật có nguy cơ bị phủ quyết với dự luật mà Tổng thống cho là cần thiết phải thông qua.

Xứ Việt ‘thống nhất’ hơn

Ở Việt Nam thì chuyện làm luật đơn giản hơn, khi bắt đầu bằng chương trình xây dựng pháp luật, Chính phủ không thông qua chính sách lập pháp trước mà thông qua toàn văn dự luật khi nó đã được soạn thảo xong. Nghĩa là không bắt mạch trước khi bốc thuốc, cứ theo kinh nghiệm, hoặc nghĩ ra bệnh, hoặc thấy biểu hiện bề ngoài mà bốc thuốc.

Luật và pháp lệnh của Việt Nam do nhiều cơ quan khác nhau soạn thảo theo nhiều cách thể hiện và quan niệm về chuẩn mực kỹ thuật khác nhau. Đơn cử, Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo một số lĩnh vực chung như hình sự, dân sự, tư pháp, quyền và nghĩa vụ công dân.

Các bộ, ngành khác soạn thảo văn bản thuộc thẩm quyền quản lý chức năng của mình. Một số ít trường hợp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra quyết định thành lập ban soạn thảo riêng hoặc liên ngành.

Hệ quả dễ thấy là một khi nhiều “đầu bếp”, cộng với thiếu chuẩn thống nhất về chính sách lập pháp trước – nếu có thì cũng chỉ dừng ở mức “ý chí chủ quan” của nhóm quan chức cấp cao ở Bộ Chính trị, dẫn đến tuỳ tiện như cách mà tân bộ trưởng y tế Đào Hồng Lan đã “lập ngôn” với báo chí hôm nhậm chức như đã nêu ở phần đầu bài viết này.

Nói một cách khác, nếu sử dụng kỹ thuật soạn thảo tuỳ tiện, không theo chuẩn mực thì không đạt được hiệu quả điều chỉnh hành vi, hoặc quy phạm pháp luật được thể hiện khác với ý đồ của người đưa ra sáng kiến lập pháp/ nhà lập pháp.

Bởi vậy, nếu trong khâu lập luận về phân tích chính sách, nhà lập pháp và người đưa ra sáng kiến lập pháp phải thể hiện ý đồ lập pháp rõ ràng, thì trong khâu soạn thảo (kỹ thuật lập pháp) nhà soạn thảo (các công chức, chuyên gia, tư vấn) phải trung thành với ý đồ lập pháp chứ không phải dễ dàng dao động bởi “ý chí” từ phát ngôn nào đó của người đứng đầu Đảng…


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam ảnh hưởng thế nào khi FED tăng lãi suất?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có ở đất Nam bộ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trung Quốc đứng đàng sau đề xuất camera hành trình cho xe máy?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.