VNTB – “Làm nhân sự”: “bí mật”

VNTB – “Làm nhân sự”: “bí mật”

Thới Bình

 

(VNTB) – Công tác “làm nhân sự” là công việc đặc thù của tổ chức Đảng, không phụ thuộc vào lá phiếu của cử tri thông qua những dân biểu

 

Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp bất thường lần 2 khóa XV, Quốc hội có hơn nửa ngày họp riêng, sau đó lần lượt xem xét và quyết định một số nội dung quan trọng.

Sáng 5-1-2023, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2. Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 4 ngày, họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Hai ngày trước, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã trả lời báo chí về công tác nhân sự được xem xét tại kỳ họp bất thường, trong đó có việc Quốc hội xem xét phê chuẩn miễn nhiệm các phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam; đồng thời, phê chuẩn bổ nhiệm hai nhân sự thay thế.

“Dự kiến có 3 nội dung về công tác nhân sự, gồm việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm và phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm nhân sự mới thay thế những người vừa miễn nhiệm”, bà Thanh nói.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết nội dung nhân sự được tiến hành ngay ngày khai mạc kỳ họp này, từ cuối giờ sáng ngày 5-1 và kết thúc chiều cùng ngày. Khoảng thời gian này trùng với lịch họp riêng của Quốc hội, theo chương trình đã được thông qua tại phiên trù bị (cuối giờ sáng và chiều 5-1).

Nội dung gọi là quy trình miễn nhiệm hai Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam và phê chuẩn bổ nhiệm người thay thế là phần việc của “nửa ngày họp riêng”, và chỉ được tường thuật sau đó theo liều lượng thích hợp về các nội dung cần phổ biến.

Nôm na, theo ngôn ngữ Tuyên giáo Đảng, thì công tác “làm nhân sự” là công việc đặc thù của tổ chức Đảng, không phụ thuộc vào lá phiếu của cử tri thông qua những ông, bà dân biểu đang hiện diện chốn nghị trường.

Trước khi diễn ra buổi họp trù bị hôm 4-1-2023 của Quốc hội, một số biên tập viên báo chí ở Sài Gòn nhận được khuyến cáo từ giới an ninh “bảo vệ chính trị nội bộ”, là cần ‘gác cổng’ chặt các nội dung bình luận của độc giả trên báo điện tử, tránh việc đưa tin trước về các nhân sự được đồn đoán sẽ ngồi vào các ghế phó thủ tướng đang trống như Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, và có thể là cả Lê Văn Thành vì bệnh tật kéo dài.

Tuy nhiên thực tế thì mọi đồn đoán đã đúng: hai ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang được phê chuẩn làm Phó Thủ tướng. Còn vì sao lại chọn có hai ông này cho ghế phó thủ tướng, thì cả Đảng và Quốc hội đều không công khai cho dân chúng biết.

Như vậy, không hề quá lời chút nào khi lâu nay người ta vẫn cho rằng trong thể chế chính trị ở Việt Nam, thì lá phiếu của cử tri chỉ là mang tính hình thức của dân chủ. Việc biến động nhân sự cấp chính phủ sẽ diễn ra khi một quan đương chức nào đó, như ở hiện tại là “không tham gia Trung ương khóa XIII” nữa, thì chắc chắn quan chức đó sẽ buộc phải rời chức vụ.

Theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội thì Quốc hội nước ta có 3 chức năng chính là: thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Tuy nhiên, tại Điều 70 của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội lại buộc phải chấp hành chuyện “làm nhân sự” như vụ hai tân phó thủ tướng do Đảng yêu cầu; theo đó tại Hiến định 70.7 ghi: “phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”.

Hiến pháp lẫn Luật Tổ chức Chính phủ đều bỏ ngỏ ở chuyện là ai có quyền đề xuất người vào ghế phó thủ tướng.

Điều 28.3 của Luật Tổ chức Chính phủ về “Nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ”, ghi rằng Thủ tướng có nhiệm vụ “Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ”.

Lưu ý, không có bất kỳ điều khoản nào trong Luật Tổ chức Chính phủ trao cho Thủ tướng quyền hạn lựa chọn những ai sẽ là phó thủ tướng, và cũng chưa tìm thấy văn bản pháp quy nào trao cho Bộ Chính trị cái quyền quyết định nhân sự Chính phủ.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)