VNTB- Lạm thu sứ quán: Đừng đóng tiền ngu !

VNTB- Lạm thu sứ quán: Đừng đóng tiền ngu !
Phương Thảo
 
(VNTB) – Ngày 27/7/2015, thành viên trang Facebook “Tôi và Sứ quán” sẽ có buổi làm việc với Bộ Ngoại Giao tại Hà Nội sau một thời gian lôi cuốn sự chú ý của cộng đồng mạng xã hội và truyền thông trong ngoài nước.
 
Mười năm trước, sinh viên Việt nam ở Mỹ cũng đã có một cuộc vận động chống lạm thu ở Sứ quán. Vụ việc lôi cuốn được sự chú ý của BCC, báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và cả đài truyền hình nhà nước. Nhưng sự việc rồi lại đâu vào đấy, lạm thu vẫn hoành hành với tốc độ lớn hơn và trên diện rộng hơn. Không một ai không từng là nạn nhân của việc lạm thu sứ quán.
Những bất bình lạm thu của sứ quán đã trôi qua một cách êm ả khi có một vài trường hợp nổi cộm đã được xử lý thỏa đáng nhằm xoa dịu tình hình. Một số cá nhân khi đi làm giấy tờ lãnh sự chỉ đóng mức lệ phí bằng hay nhỉnh hơn phí quy định một chút. Có vậy thôi nhưng người Việt ở hải ngoại đã tỏ vẻ vui mừng rất nhiều vì cảm thấy tiếng nói của họ đã được những người có trách nhiệm gián tiếp hoặc trực tiếp lắng nghe. Nhiều lời khen ngợi sự tiếp thu ý kiến đóng góp và xử lý hồ sơ nhanh nhẹn cũng như không còn nhiều dấu hiệu lạm thu nữa được xem như một thắng lợi bước đầu của những người dũng cảm dám lên tiếng chống lại cái xấu. Nhưng niềm vui chưa kịp lắng thì những ai có việc cần sứ quán lại phải nếm phải những điều đắng chát đã được khoác lên một chiếc áo “hợp pháp ” và các dịch vụ lãnh sự lại quay trở về xuất phát điểm.
Cái lưỡi không xương
Cách đây vài năm, Hội người Việt tại Den Haag có cử ông Hội trưởng đến góp ý cho Đại sứ quán Việt nam theo cách ”đóng cửa bảo nhau” về vấn đề  niêm yết lệ phí rõ ràng cùng với việc lạm thu. Vị Đại sứ Việt nam tại Hà lan đương nhiệm lúc ấy là Huỳnh Minh Chính tỏ vẻ ngạc nhiên mà rằng: ”ối giời, cái bọn này làm ăn chán quá, bây giờ có bảng giá mới giá cao hơn mà bảng giá cũ nó vẫn không chịu xóa đi”. Màn kịch này của vị Đại sứ đã phần nào xoa dịu được vị Hội trưởng đã ngoài 80 tuổi còn vấn đề cần phải niêm yết lệ phí rõ ràng thì bị vẫn được “làm ngơ” cho đến hôm nay. Nhưng nói như thế thì ông Chính đã gián tiếp thừa nhận vấn đề lạm thu của nhân viên mà có khi ông Chính cũng được phần chia chác. Giờ đây những người kế nhiệm và nhân viên của Đại sứ quán Việt nam tại Hà Lan vẫn lặp lại luận điệu của ông Chính như cũ.
 
Theo quy định thì xin miễn thị thực lần 2 có lệ phí là 9 euro và thời gian chờ xử lý hồ sơ miễn thị thực là 7 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, nhưng đại sứ quán Việt nam tại Hà lan vẫn thu 50 cho một hồ sơ và hẹn trả hồ sơ sau một tháng. Thêm vào đó, hóa đơn vẫn là hóa đơn tự chế chứ không phải là hóa đơn theo quy định của bộ tài chính. Khi bị chất vấn tại sao lại có sự chênh lệch trong biểu phí và giá thực thu thì nhân viên sứ quán cho hay biểu phí trên mạng của Đại sứ quán và của Bộ Ngoại Giao là biểu phí cũ, biểu phí mới và các chi phí cộng thêm đã có nhưng chưa công khai mà chỉ lưu hành nội bộ. Cách trả lời lấp liếm như thế đã được sử dụng để lừa đảo đồng hương một cách thản nhiên như không.
 
Phí xin thôi quốc tịch theo quy định của Bộ ngoại giao là 200 euro thì sứ quán có bản hướng dẫn chi tiết với giá phí tổng cộng là 350 euro. So với hướng dẫn trên trang web của Bộ Ngoại Giao và cả của Đại sứ quán Hà lan thì có những mục được đưa thêm vào. Nếu chỉ xem lướt qua thì có vẻ rất hợp lý, nhưng nếu đọc kỹ lại và so sánh thì có những điều bất hợp lý đã được đưa vào để kê giá phí lên cao hơn đến 150 euro. Người nộp hồ sơ được yêu cầu nộp giấy yêu cầu thôi quốc tịch của chính phủ Hà lan bản dịch có đóng dấu hợp pháp hóa cuả Bộ Ngoại Giao Hà Lan, các loại giấy tờ còn lại gồm có sơ yếu lý lịch, đơn xin từ bỏ quốc tịch, bản sao hộ chiếu (Việt nam), giấy khai sinh Việt nam, và thẻ cư trú tại Hà lan.
 
Tất cả các giấy tờ trên hoặc đã được khai bằng tiếng Việt theo mẫu của Bộ Ngoại giao, hoặc đã do đương đơn tự mang đi dịch và đóng dấu, nhưng trong bản hướng dẫn của cơ quan lãnh sự lại có thêm mục: “100 euro dịch tài liệu của chính quyền Hà lan yêu cầu thôi quốc tịch Việt nam”. Như vậy điều vô lý nằm ở chỗ tại sao lại phải đóng lệ phí dịch tài liệu một lần nữa? Nếu đương đơn đã dịch đơn xin thôi quốc tịch sang tiếng tiếng Việt và có đóng dấu thì bản dịch của đại sứ quán là bản dịch gì và phải dịch sang ngôn ngữ nào? Nếu tài liệu yêu cầu xin thôi quốc tịch Việt nam nói chung thì tại sao mỗi một người dân lại phải gánh phí dịch của văn bản đã được dịch một lần và dùng chung cho tất cả mọi người?
 
Tổng số 350 euro phải nộp cho còn chia ra cho các phí khác là “50 Euro thẩm tra hồ sơ,” cộng thêm “ 50 Euro để cấp giấy Xác nhận đang làm thủ tục thôi quốc tịch Việt nam bằng tiếng Anh để nộp cho chính quyền Hà lan.”, và “150 euro lệ phí nhận Giấy thôi quốc tịch Việt nam.” Ở đây cũng làm cho người nộp đơn phải bối rối vì các loại phí được liệt kê nghe có vẻ quá hợp lý và không ai biết khoản nào là khoản đã được vẽ ra thêm hay đội giá lên cao.
 
Để tránh thất bại
 
Một thành viên của cuộc vận động mười năm trước – anh Đinh Công Bằng – đã phân tích về sự thất bại thảm hại của nhóm vận động của sinh viên Việt nam ở Mỹ 10 năm trước là do xuất phát từ “động thái bất bình của một số trí thức trẻ có nhận thức vì thế không cuốn hút được sự chú ý của công dân trong mối quan hệ thường ngày của họ với nhà nước.” Ngoài ra do không lan rộng trên mạng xã hội và liên tục được cập nhật như ngày nay nên cuộc vận động đã rơi vào quên lãng. Đồng thời những người tham gia vận động chưa nhận thức được tầm cỡ và hệ thống tổ chức tham nhũng mà họ đang đương đầu. Anh Bằng cũng dự đoán cuộc vận động lần này của Tôi và Sứ quán lại cũng sẽ có số phận hẩm hiu như cuộc vận động tương tự cách đây 10 năm. Vậy liệu có cơ may nào sẽ giúp cho “Sứ quán và Tôi” tránh được tình trạng trên?
Lạm thu được phối hợp nhịp nhàng từ trên xuống dưới và đó cũng là lề thói làm việc của cả bộ máy công quyền ở Việt nam khi làm gì cũng phải có “thủ tục đầu tiên”, “bôi trơn” hay “bồi dưỡng”. Số lạm thu ấy dĩ nhiên không chảy vào nguồn thu ngân sách mà vào túi riêng của những người làm đại diện cho nhà nước Việt nam ở nước ngoài. Việc lạm thu không còn trắng trợn nhưng đã được ngụy biện bằng các chi phí đủ loại. Vậy thì cần phải làm gì để có thể ngăn chặn hệ thống tham nhũng trắng trợn này?
Người lên tiếng trong trường hợp bị lạm thu phí miễn thị thực nói trên đã may mắn được nhân viên sứ quán trả lại hộ chiếu sớm hơn giấy hẹn 5 ngày đồng thời trả lại khoản tiền 40 euro đã “thu quá quy định.” Điều này chứng tỏ các  các cơ quan lãnh sự có ‘cài cắm’ người theo dõi sát sao trang Facebook “Tôi và Sứ quán”, thì không có lẽ nào các trường hợp lạm thu khác lại không được phát hiện. Nhưng “con có khóc thì mẹ mới biết con đói mà cho bú” nên những ai không lên tiếng thì coi như đã phải “đóng tiền ngu” cho sứ quán. Tuy nhiên đây chỉ là việc giải quyết phần ngọn chứ không phải giải quyết thấu đáo từ gốc của vấn đề lạm thu nhức nhối. Để giải quyết tận gốc cần phải có sự phối hợp từ cơ quan chủ quản của các cơ quan lãnh sự tức Bộ Ngoại Giao và cả bản thân người Việt ở khắp nơi trên thế giới.
 
Lên tiếng
 
Đối với Bộ ngoại giao và các sứ quán, chúng tôi yêu cầu niêm yết các biểu giá bằng hai thứ tiếng Việt và tiếng Anh hoặc tiếng nước sở tại công khai ở Đại sứ quán và trang Web. Để ngăn ngừa tham nhũng, đề nghị bộ Ngoại Giao cho các Đại sứ quán lắp đặt máy thanh toán qua hệ thống ngân hàng ở tại các cơ quan lãnh sự, đồng thời áp dụng hình thức thanh toán trực tuyến thay vì chỉ thu phí bằng tiền mặt. Các máy thanh toán này đều được các doanh nghiệp nhỏ hay các quầy bán hàng chợ trời sử dụng nên không sợ bộ Ngoại giao phải chi tiền quá nhiều. Ngoài ra phải trang bị ngoại ngữ và kỹ năng ứng xử với người đến làm các thủ tục lãnh sự. Các nhân viên trả lời điện thoại cần phải xưng danh khi giao tiếp để tránh việc đùn đẩy hay né tránh trách nhiệm. Ngoài ra quy trình xử lý hồ sơ và chi phí chi tiết cần được niêm yết một cách rõ ràng để tránh trường hợp kê khai các bước không cần thiết trong quy trình nhằm móc túi những người dân. Bên cạnh đó bắt buộc phải sử dụng hóa đơn của bộ tài chính chứ không sử dụng hóa đơn không đúng mẫu quy định…

 

Về phía người Việt hải ngoại, cần phải trang bị kiến thức để tự bảo vệ quyền lợi của người dân tức là nắm rõ thủ tục và biểu phí, nắm rõ quy định của các thông tư chính phủ ban hành để tránh bị lạm thu. Bản thân người đi làm thủ tục lãnh sự cần phải tự chuẩn bị các giấy tờ cần thiết. Mọi thủ tục và biểu phí đều có liệt kê trên các trang web của các cơ quan lãnh sự nên quý đồng hương phải tập thói quen tự tra cứu chứ không phải chỉ bốc điện thoại gọi lên cho đỡ tốn thời gian của mình mà không nghĩ đến việc nhân viên lãnh sự phải bỏ dở việc để trả lời cho cùng các câu hỏi vốn đã có sẵn hết rồi hết lượt này đến lượt khác. Nếu có dấu hiệu bị lạm thu phải biết tự bảo vệ quyền lợi bằng cách lên tiếng ở các kênh khác nhau để lôi kéo sự chú ý của công luận, nếu cần thiết thì có thể yêu cầu người vi phạm, tái phạm phải bị xử lý theo pháp luật để không bao giờ thỏa hiệp và dung túng cho cái xấu. Hãy dẹp bỏ ý nghĩ vì lương thấp nên nhân viên sứ quán phải cải thiện hay vì họ cần lên giá các thủ tục lãnh sự để tăng lương cho nhân viên.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)