Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lãnh đạo cần thực học hay bằng cấp 

Đặng Đình Mạnh

 

(VNTB) – Đến vài câu văn ngắn mà họ còn không thể nói, viết trọn vẹn, thì chắc chắn, các bằng cấp của các quan chức Cộng sản không có được nhờ thực học

 

Người Việt trong nước ngày nay thường nghĩ rằng, để đạt đến vị trí cao trong thang bậc chính trị trong nước, cỡ quan chức đầu tỉnh như Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bí thư Tỉnh ủy thì tuổi phải tầm suýt soát 50. Và nếu ở vị trí nguyên thủ quốc gia thì không thể ở độ tuổi dưới 60 được.

Điển hình gần đây nhất là ông Tô Lâm ngồi vào ghế Tổng Bí thư vào tuổi 67, ông Nguyễn Phú Trọng cũng vậy, năm 2011, ông ngồi vào ghế Tổng Bí thư đã ở vào tuổi 67. Tiền nhiệm của ông Trọng, tính từ thời điểm sau năm 1975 cho đến nay, gồm các ông Lê Duẩn làm Tổng Bí thư lúc 69 tuổi, Trường Chinh lúc 79 tuổi, Nguyễn Văn Linh lúc 71 tuổi, Đỗ Mười lúc 74 tuổi, Lê Khả Phiêu lúc 66 tuổi và Nông Đức Mạnh lúc 61 tuổi, trẻ nhất.

Miền Nam, thời Việt Nam Cộng Hòa rất khác. Có rất nhiều quan chức cao cấp tuổi đời còn rất trẻ, kể cả các chức vụ Tổng thống, Thủ tướng hoặc các Tổng trưởng, Thứ trưởng… cũng chỉ mới ngoài 30 hoặc 40 tuổi.

Ông Nguyễn Văn Thiệu trở thành Quốc trưởng khi 42 tuổi. Ông Nguyễn Cao Kỳ trở thành Thủ tướng khi chỉ mới 35 tuổi. Ông Nguyễn Văn Bông, năm 34 tuổi đã được bổ nhiệm làm Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, nơi đào tạo ra rất nhiều quan chức chính phủ, năm 39 tuổi ông thành lập đảng phái chính trị đối lập, năm 41 tuổi ông được kỳ vọng trở thành Thủ tướng nhưng bị Cộng sản khủng bố bằng hành vi ám sát chết ngay giữa Đô thành Sài Gòn [*]].

Cách nay ba tuần lễ, tôi may mắn được gặp hai vị nguyên là Tổng trưởng Bộ Dân vận và Chiêu hồi và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch của chính thể Sài Gòn cũ mà khi tại vị, hai vị cũng chỉ mới ngoài 30 tuổi.

Tuy được bổ nhiệm chức vụ cao cấp khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng hầu hết họ đều là những người thực học, đầy đủ khả năng đảm đương các trách vụ được chính quyền giao phó. Nhất là khi họ được làm việc trong một nền hành chính lương hảo, minh bạch vốn kế thừa từ người Pháp và sau đó được bổ sung bằng sự thực dụng hữu hiệu từ người Mỹ.

Có lẽ đó là lý do mà người dân miền Nam sống dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam chưa bao giờ phải nghe những câu phát ngôn ngớ ngẩn từ các quan chức thời kỳ đó như bây giờ.

Trong khi đó, nếu bàn về học vấn thể hiện qua bằng cấp, thì có vẻ như các quan chức cao cấp của chế độ Cộng Sản không hề kém cạnh. Họ đều có bằng cấp, học vị cao như giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ hoặc ít nhất cũng tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân, kỹ sư… Thậm chí, nhiều quan chức sở hữu đôi ba tấm bằng chứ không chỉ một.

Có bằng cấp cao, có tuổi đời cao, đồng nghĩa với kinh nghiệm sống phong phú, lẽ ra họ đã là những nhà lãnh đạo đưa đất nước đến sự phồn vinh, hùng cường, người dân được no ấm, hạnh phúc và được hưởng đầy đủ các quyền tự do căn bản. Thế nhưng, thực tế lại là chuyến xe ngược chiều.

Quả thật, sự nghịch lý khi họ hành xử hoặc phát ngôn thì lại hầu như một kẻ thất học, ngớ ngẩn khiến công chúng không thể không ngao ngán.

Chưa kể rằng, nhiều quan chức cao cấp sở hữu tấm bằng tiến sĩ luật đầy danh giá. Thế nhưng, hành xử của họ trong công việc lại hết sức tùy tiện, các quyết định của họ hầu như không “dính” gì đến luật, nếu chưa muốn nói rằng hoàn toàn vô pháp. Không khó chứng minh những quan chức như vậy trong chế độ, như: Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch nước kiêm quyền Tổng bí thư Tô Lâm, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, nguyên Thiếu tướng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung…

Gần đây nhất, chính những dòng chữ ghi trong sổ tang tang lễ của ông Nguyễn Phú Trọng vừa mất vào tháng 07/2024, cũng lại trở thành chứng cứ cho sự vô học của các quan chức cao cấp từng hét ra lửa. Công chúng bắt gặp ông thạc sĩ triết học Võ Văn Thưởng, người từng được xem là Chủ tịch nước trẻ nhất trong số các Chủ tịch nước Cộng sản, khi ghi sổ tang, ông thạc sĩ triết học ấy phải cầu viện đến tờ giấy nháp đã được viết từ trước đó. Hoặc những dòng chữ thiếu trước, hụt sau của đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính. Hay những dòng chữ luôn luôn bỏ dấu ngã cho dù đúng là dấu hỏi của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chưa kể đến bài diễn văn “Cờ, lờ, mờ” đầy chất hài hước của ông Nguyễn Xuân Phúc, khi ấy là đương kim Thủ tướng…

Cho thấy, đến vài câu văn ngắn mà họ còn không thể nói, viết trọn vẹn, thì chắc chắn, các bằng cấp mà các quan chức Cộng sản sở hữu không đến từ sự thực học, mà chỉ là vật trang sức làm đẹp cho lý lịch của họ mà thôi. Sự vô học mới là điều mà họ thật sự sở hữu và chỉ có như vậy mới có thể giải thích cho những hành xử, phát ngôn tùy tiện và ngớ ngẩn của họ trong nghị trường, trước công chúng, thậm chí, trước quốc khách đến từ ngoại quốc.

Trở lại với câu hỏi: Lãnh đạo cần thực học hay bằng cấp?

Mặc dù bằng cấp là chứng nhận cho một quá trình học tập, nhưng với thực trạng ở xứ ta hiện nay, có bằng cấp danh giá nhưng lại kém cỏi về mọi phương diện thì có lẽ câu trả lời nên là: Lãnh đạo cần thực học hơn là bằng cấp.

Và đó là cái khốn khổ của xứ sở này. Xứ sở tuy không thịnh vượng, nhưng không thiếu người có thực học. Khốn thay khi quyền lực không nằm trong tay họ mà lại nằm trong tay bọn vô học và chính chúng mới là người có thẩm quyền quyết định vận mệnh xứ sở này.

DC, ngày 31/07/2024

[*] Một trong hai thanh niên ám sát ông Nguyễn Văn Bông là Đỗ Hữu Cảnh, sau này là luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh


 


Tin bài liên quan:

VNTB – Cần cái ghế có “độ rung:

Phan Thanh Hung

VNTB – Lá thư gởi bạn – Vẫn nhân việc bà Ngô Thị Mận

Do Van Tien

VOA – Ai đã mở chiếc hộp Pandora trong Đảng?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.