Việt Nam Thời Báo

VNTB – ​Lấy tên người đặt cho chó, ngựa đua có vi phạm pháp luật?

 

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Hành vi đó đi ngược với văn hóa ứng xử của người Việt, đi ngược lại sự phát triển văn hóa.

 

Chuyện lấy tên người đặt cho thú vật là đã có tiền lệ. Đó là câu chuyện của mã trường một thời ở Sài Gòn trước 1975.

Một người bạn nhà báo của tôi có thời gian tìm hiểu về chuyện đỏ đen ở trường đua Phú Thọ của Sài Gòn trước 1975 kể rằng hơn chục năm trước, ông tình cờ gặp lại Huỳnh Văn Tỏn, một kỵ mã tên tuổi hồi nào. Trong một bài báo mà ông bạn của tôi viết về kỵ mã này, có những đoạn kể vầy (trích):

“Ông ngoại tui sinh năm 1902, nuôi ngựa đua cừ lắm. Ông chơi từ ngày mở cửa trường đua năm 1932. Sau này đến lượt cha tui theo nghiệp rồi đến tui. Con trai tui mỗi cuối tuần cũng thích thú theo tui đến trường đua!”.

“Mỗi cuối tuần hoặc vào các dịp đại hội truyền thống, nài được chủ ngựa cưng như trứng mỏng. Hồi ấy, thắng một độ ngựa gần 60.000 đồng, sống rỉ rả cả năm. Năm 1971, tui mua chiếc Honda 67 chỉ có 29.000 đồng, cả xóm trầm trồ.

Những năm trước khi trường đua đóng cửa, mỗi đợt phát hành 10.000 vé thì các chủ ngựa có 3.000. Sau này người ta ‘giếm’ đi hết. Chủ ngựa bây giờ mỗi lần thắng độ chỉ nhận khoảng sáu, bảy triệu đồng. Cho nên tiền cho nài chỉ 10%, người dẫn ngựa 10%, phất cờ xuất phát và xe chở nữa tổng cộng khoảng 25%, xem như chẳng còn lại bao nhiêu…”.

Cái tên ngựa chiến Hiệp Quỳnh nghe rất mỹ miều của kỵ mã Tỏn chẳng phải cao sang gì, thế mà ông phải nát óc mới nghĩ ra. Nát óc vì làm sao tránh cho hết tên của bạn bè. Thời đó, tên ngựa chiến đôi khi được đặt theo tên nghệ sĩ tài danh mà chẳng thấy ai phản đối. Tuy nhiên tên theo các nhân vật trong truyện Tàu được ưa chuộng hơn như Xích Tu Long, Mai Linh, Lục Tiểu Phụng…

Kỵ mã Tỏn nói rằng ngựa sinh ra phải ra bác sĩ làm khai sinh hẳn hoi. Cái bản khám sức khỏe và khai sinh y hệt như người, có tên cha, tên mẹ, chiều cao, cân nặng, dòng giống. Nhiều khi chủ ngựa đi lấy giống nơi khác cũng phải nhớ tên để ghi vào gia phả, không khác gì cuộc sống của con người có họ hàng, dâu rể.

Hầu hết chủ ngựa khi đặt tên ngựa sẽ dựa vào sở thích, hay gửi gắm vào đó một thông điệp, khát vọng. Có những chủ ngựa thích đặt theo tên người nổi tiếng.

Một lưu ý khác, tên ngựa đua khi ra trường đua cũng không được trùng nhau. Nếu trùng, sẽ phải làm lại giấy khai sinh khá phiền phức. Cũng bởi vậy nên bên trời Tây người ta thấy xướng danh những Aguerooo, Ibrahimovic, Ronaldo, Switcharooney… và nhiều ngựa đua khác được chủ nhân đặt tên theo các bóng đá nổi tiếng.

Lưu ý, trong giới đua ngựa luôn tôn trọng một quy tắc là ngựa không thể được gọi là tên đầy đủ của con người. Người ta thường có thể tìm thấy một con vật tên là Lesha, Mishka, Silver… Tất nhiên, ở nhà của chủ ngựa thì có thể gọi thú cưng của mình bất cứ tên gì, nhưng khi đăng ký chính thức, một cái tên đầy đủ của con người sẽ bị từ chối.

Không chỉ vậy, theo quy định trong chuyện đua ngựa thể thao thì quyền tự do đặt tên cho ngựa với tên của một người cụ thể nào đó nổi tiếng, hay không nổi tiếng là chỉ được phép khi có sự đồng ý bằng văn bản của chính người ấy.

Ngoài ra, quy tắc còn yêu cầu ngựa đua không có tên của đường đua hoặc chủng tộc; không được phép mang tên nhãn hàng thương mại; không có tên nào mang tính gợi ý hay có ý nghĩa phỉ báng; hoặc tên có thể gây khó chịu cho các nhóm tôn giáo, chính trị, dân tộc.

Với các nhìn nhận ở trên cho thấy tại buổi giao lưu ở khu du lịch Đại Nam hôm 19-3 có mặt bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng, công ty này đã tổ chức đua chó, đua ngựa, trong đó lấy tên người đang mâu thuẫn với bà Hằng đặt cho chó, ngựa là hành vi dấu hiệu vi phạm pháp luật lẫn quy tắc chung trong đua ngựa thể thao.

*****

Chiều 19-3, khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương) tổ chức buổi “giao lưu gặp gỡ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng” được livestream trên mạng xã hội.

Buổi giao lưu này có sự tham gia của bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), ông Huỳnh Uy Dũng (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam) và một số người khác.

Đáng chú ý, trong chương trình có tiết mục đua chó, đua ngựa. Tuy nhiên, các chó đua, ngựa đua được công ty này đặt theo tên của những người đang có mâu thuẫn với bà Nguyễn Phương Hằng như nhà báo Đức Hiển, nhà báo Hàn Ni, ca sĩ Vy Oanh…


Tin bài liên quan:

VNTB – Ai cho thẩm phán quyền liêm chính?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tư pháp độc lập và lời đề nghị của Thành ủy TP.HCM

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Đừng ‘chính trị hóa’ một hành vi hình sự

Phan Thanh Hung

2 comments

Nguyễn Tuấn Anh 21.03.2022 7:14 at 07:14

Whoa, có thể nói tác giả bài này xuất thân từ làng báo xã hội chủ nghĩa . Quá tuyệt vời, đặt tên cho chó ngựa đua cũng có thể vi phạm pháp luật . Tinh thần thượng tôn pháp luật của tác giả là trên cả tuyệt vời, chỉ có thể có được từ các nhà báo xã hội chủ nghĩa

Reply
Chí Quang 21.03.2022 11:31 at 11:31

Lấy tên “đối thủ” đặt cho súc vật có vi phạm pháp luật việt nam không? Xét về luật dân sự hiện hành một cách thuần túy thì các luật sư chuyên nghiệp trả lời là “có”, nhưng nếu người vi phạm có chức có quyền hoặc được bảo kê bởi thế lực chính trị hùng mạnh, thì sẽ chẳng pháp luật nào đụng đến lông chân họ được.
Còn nếu người vi phạm là dân đen thì khác…chẳng hạn nhân vật THÁNH RẮC HÀNH, bán bún bò ở ĐÀ NẴNG, anh chỉ mới bắt chước động tác của THÁNH RẮC MUỐI chứ chưa làm gì sai pháp luật, thế mà đã bị công an triệu tập mấy lần.
Đó là bản chất và thực trạng của hệ thống pháp luật việt nam hiện nay, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của đảng!

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo