(VNTB) – Ngày 12 đảng đã chốt phương án sáp nhập tỉnh, nhưng ngày 13 vẫn đăng báo là lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập tỉnh
Sáng 13/4, người dân nhiều phường ở Thủ Đức bất ngờ nhận được phiếu lấy ý kiến về việc sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số Thành Hồ với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu để lập TP HCM mới.
Về nội dung, lá phiếu này có hai mục là “đồng ý” hay “không đồng ý”, ai có ký kiến khác thì có một dòng ngắn ở phía dưới để ghi vô và ký tên. Về đối tượng, theo Sở Nội vụ TP HCM, sẽ lấy ý kiến cử tri theo từng khu phố, ấp hoặc tổ chức liên khu phố, ấp tùy theo điều kiện địa phương. Về thời gian thực hiện thì việc lấy ý kiến này diễn ra trong 2 ngày: 12 và 13/4.
Có thể việc lấy ý kiến này được thực hiện rất chớp nhoáng theo kiểu “đánh nhanh rút gọn”. Không được báo trước, cũng không biết số lượng người được lấy ý kiến là bao nhiêu. Cũng không có nhiều sự lựa chọn cho người dân là muốn nhập tỉnh nào với tỉnh nào, lấy tên tỉnh là gì…, mà chỉ là “có” hay “không” thôi.
Điều đáng nói là việc lấy ý kiến này được thực hiện sau khi có công bố sáp nhập của Bộ Chính trị. Ngày 10/4, Tô Lâm đã thông báo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh còn 34 tỉnh, thành, không tổ chức cấp huyện và giảm khoảng 50% số xã. Ngày 12/4 Trung ương Đảng CSVN đã chốt phương án mà Tô Lâm đưa ra.
Tức là CSVN đưa người dân vào thế đã rồi. Tại sao ngày 12 đã chốt phương án, mà ngày 13 mới lấy phiếu và đưa tin là sẽ lấy phiếu vào ngày 12 và 13?
Có một sự lươn lẹo ở đây. CSVN phải cho báo chí viết là lấy phiếu ngày 12 và 13 để tỏ ra là có hỏi ý dân trước khi Trung ương Đảng chốt phương án, tỏ ra là có dân chủ. Họ vẫn in phiếu, đưa ra dân, đăng lên báo để tuyên truyền về cái gọi là “ý đảng lòng dân”, “dân chủ văn minh”…
Điều này chứng minh rằng CSVN không tự tin rằng chủ trương này thuận lòng dân. Sau một loạt chiến dịch tuyên truyền, nhồi sọ rằng sáp nhập là chủ trương lớn, đúng đắn, thì họ vẫn phải “chốt” trước rồi mới hỏi ý dân sau. Dân có phản đối thì mọi chuyện cũng đã rồi. Mà thật ra, bỏ phiếu kiểu ép buộc này thì dân nào dám ghi trái ý đảng.
Tại sao lại chỉ thấy lấy ý kiến người dân ở TPHCM, còn các tỉnh thành khác thì sao? TPHCM vốn là Sài Gòn cũ, Tô Lâm muốn cho người dân thấy rằng người ở thành phố này còn đồng thuận thì các tỉnh thành khác không cần phải hỏi.
Nhưng đâu phải tất cả các cử tri ở TPHCM đều được lấy ý kiến! Trong vòng 1 ngày thì sao mà kịp? Giả sử như việc lấy ý kiến này là minh bạch thì ở đây chỉ tính ngày 13. Chứ ngày 12 là hoàn toàn không có chuyện đưa phiếu cho người dân, nếu có thì là những lá phiếu giả do CSVN chuẩn bị sẵn. Dĩ nhiên, họ cũng có thể chuẩn bị toàn bộ là phiếu giả, như những đợt bầu cử trước đây. Nhưng cần phải mị dân, làm ra vẻ minh bạch nên họ mới bày trò chụp hình đăng báo, tuyên truyền lừa dân về tính dân chủ của đảng…
Cũng theo thông báo của nhà chức trách thì “sau khi lấy ý kiến, UBND cấp xã tổng hợp và lập báo cáo kết quả cử tri trên địa bàn, cấp ủy cùng cấp thống nhất (đối với xã, phường không tổ chức HĐND), trình thông qua HĐND cấp xã ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập (xã, phường tổ chức HĐND) và gửi đến UBND cấp huyện (thông qua Phòng Nội vụ). Thời gian thực hiện trong ngày 14/4“. (1)
Vậy là ngày 13 lấy ý kiến xong thì ngày 14 tổng hợp, nộp lên HĐND để ban hành nghị quyết rồi chuyển lên UBND cấp huyện. Phải nói đây là cuộc lấy ý kiến “thần tốc” chứ không phải bình thường. Thôi thì mọi chuyện đã chốt hết rồi, lạc quan mà nói thì “thần tốc” như vậy cũng đỡ tốn tiền thuế của dân!
____________________
Tham khảo: