Hồng Dân
(VNTB) – Phương nằm ngang thì không thể so với ‘rơi thẳng đứng’, thế nhưng ‘thực nghiệm’ cho thấy chiều rộng của vai đứa trẻ khó thể ‘lọt’ vào phần rỗng của trụ bê tông cọc/ móng.
Trên nền tảng TikTok, xuất hiện một tài khoản đăng tải clip cho 3 em nhỏ chui thử vào trụ bê tông đang chờ thi công tại một công trường. Các bé được hỏi rõ độ tuổi, cân nặng và tiến hành chui vào cọc với phần thưởng là 2 gói bim bim.
Ngôn ngữ trong clip cho thấy có thể đây là cảnh được thực hiện ở một nơi nào đó thuộc miền Bắc Việt Nam. Cuối clip, TikToker giải thích muốn làm clip này để giải đáp thắc mắc của bản thân, và khuyến cáo mọi người không làm theo dưới mọi hình thức.
Những ống trụ bê tông này mô phỏng như ống trụ trong vụ tai nạn thương tâm xảy ra với nạn nhân Thái Lý Hạo Nam (sinh năm 2012) ở Đồng Tháp.
Chê trách ở đây là clip có thể đưa đến cáo buộc của hành vi dụ dỗ, xúi dụ các em nhỏ chui vào ống trụ bê tông. Nó có thể gây thương tích, hoặc dẫn đến những tai nạn nặng nề khó lường. Ví dụ như các em nhỏ có thể bị mắc kẹt vào ống trụ, hoặc ống trụ lăn xuống thì sẽ xảy ra thương tích.
Tuy nhiên có một lưu ý là trong một công trình với vật tư đang thi công, theo các quy định hiện hành về an toàn lao động, cũng như bảo đảm vật tư không bị đánh cắp, trên thực tế thường là được canh giữ khá cẩn thận.
“Tham khảo thêm cái này để thử lý giải cậu bé 10 tuổi, nặng 20 kg có thể lọt ống trụ bê tông đường kính 25cm, suốt chiều dài 35m được không? Cái vụ này mỗi ngày càng bung xung nhiều chi tiết ly kỳ, khó hiểu.
Bởi chiều rộng vai của một đứa trẻ trai 5 tuổi, lý thuyết y khoa cho biết bình thường là 27 cm, trẻ 10 tuổi suy dinh dưỡng cỡ nào cũng không nhỏ hơn trẻ 5 tuổi bình thường. Vậy sao lọt xuống ống đường kính 25cm? Ít nhất phải tạm dựng cái tình huống hiện trường như thế này chứ” – đó là ý kiến của bác sĩ Cao Văn Tuân.
Những thắc mắc khác: nếu bị 2 chân lọt thì bị cản cánh tay, nếu 1 chân thì toàn thân phải nằm phía trên.
Kiến trúc sư Nguyễn Thị Huế đang làm việc tại Công ty cổ phần Kiến trúc Việt, góp ý kiến: “Thứ nhất, cọc đóng xuống thì đỉnh cọc là đáy đài móng vì vậy thường sâu so với mặt đất ít nhất 1,5m, thường 3-5m. Sau khi ép cọc xong rút cọc dẫn lên thì đất xung quanh cọc sẽ dồn vào và lỗ đóng cọc sẽ thu hẹp lại. Đường kính ngoài của cọc 35cm, đường kính trong 25cm.
Điều thắc mắc nếu chưa đào hố móng thì lỗ cọc quá nhỏ để có thể sơ ý tụt chân xuống, nếu có tụt xuống cũng khó để chui vào trong cọc, nghĩa là nằm khoảng 3-5m trên đỉnh cọc. Nếu hố móng đã được đào sâu xuống thì dưới đáy hố móng sẽ có nguyên 1 cụm cọc chứ không phải 1 cọc vì vậy trượt trên mái taluy xuống đầu cụm cọc sẽ khó mà chui vào 1 cọc hơn.
Thứ hai, khó sụt 2 chân vào cọc thẳng đứng theo kiểu nhấc mà thả được. Thứ ba, cọc bê tông 35m là tổ hợp 3 đoan cọc 2 đoạn 12 và 1 đoạn 11, 2 đầu của đoạn cọc có bản mã bằng thép (mặt bích rỗng), khi hàn nối cọc sẽ dùng thép tấm hàn xung quanh ghép 2 bản mã của 2 đoạn cọc lại vì vậy bên trong cọc vẫn rỗng”.
Hiện tại thì báo chí không còn cập nhật thường xuyên về tình hình cứu hộ – cứu nạn này nữa. Dường như các cơ quan địa phương lẫn báo chí đều nghĩ rằng nạn nhân đã được tuyên bố tử vong, thì họ không phải trách nhiệm nỗ lực cao nhất trong việc cứu hộ trong tư cách là người bị nạn còn sống cần được cứu hộ.
Bởi, như các bài báo đề cập vụ việc trên trang Việt Nam Thời Báo, cho thấy tình trạng chết của nạn nhân chỉ mang tính cách tạm thời chứ chưa phải là tình trạng chết sinh học xác định qua thi thể của nạn nhân. Thậm chí, xác định của cơ quan chức năng rằng nạn nhân đã tử vong thông qua tuyên bố của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng chưa phải là tình trạng chết pháp lý.