VNTB – ‘Quân ăn cướp’

VNTB –  ‘Quân ăn cướp’

Hồng Dân

 

(VNTB) – Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga đã lập một danh sách các công ty quyết định rời khỏi Nga và có thể bị tịch thu tài sản.

 

Nga lên kế hoạch tịch thu tài sản của những công ty phương Tây rút khỏi nước này nhằm  đối phó với  lệnh cấm vận của các  nước và ngăn chặn làn sóng di dời của các doanh nghiệp quốc tế vì Ukraine.

Dĩ nhiên phương thức cho chuyện tịch thu đó vẫn đang là bàn bạc có ‘đánh tiếng’ trước của nhà cầm quyền liên bang Nga.

Quốc hữu hóa các nhà máy thuộc sở hữu nước ngoài ngừng hoạt động

Báo chí Việt Nam đưa tin, trong cuộc họp trực tuyến với các thành viên nội các hôm 10-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Điện Kremlin có thể tìm ra những cách khả thi về mặt pháp lý để kiểm soát những công ty nước ngoài và “chuyển cho những ai thật sự muốn làm việc”.

Còn Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thì cho biết trong khi đa số doanh nghiệp tạm thời ngừng hoạt động, chính phủ đang theo dõi sát tình hình và thực thi các bước phù hợp.

“Nếu chủ sở hữu nước ngoài đóng cửa công ty bất hợp lý, thì trong những trường hợp như vậy, chính phủ sẽ đề xuất quản lý từ bên ngoài vào. Tùy thuộc vào quyết định của chủ sở hữu, điều đó sẽ quyết định số phận tương lai của doanh nghiệp. Nhiệm vụ trọng tâm sẽ là duy trì hoạt động của các tổ chức cũng như việc làm. Hầu hết doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động trong khi vẫn duy trì việc làm và tiền lương. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình này”, ông Mishustin nói.

Tin tức cũng cho biết tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga đã lập một danh sách các công ty quyết định rời khỏi nước này và có thể bị tịch thu tài sản.

Hàng chục công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thuộc hầu hết các lĩnh vực đã tạm dừng các dự án liên doanh, đóng cửa nhà máy, cửa hàng và văn phòng trong 2 tuần qua để phản đối cái mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine”, và áp dụng các lệnh trừng phạt.

Tin tức cho hay là nhiều tập đoàn và các nhãn hàng cao cấp phương Tây đã phản ứng bằng cách rút khỏi thị trường Nga hoặc tạm ngừng hoạt động, trong đó có Starbucks và McDonald’s.

Tập đoàn dầu khí Shell công bố kế hoạch rút khỏi hoạt động khai thác và sản xuất dầu, khí đốt của Nga. Còn tập đoàn BP cho hay sẽ rút cổ phần khỏi các dự án lớn ở Nga, trong khi Unilever thông báo ngừng xuất – nhập khẩu hàng hóa từ Nga.

120 tỷ USD cho Nga nợ coi như bị ‘xù’

Ngân hàng Goldman Sachs ngày 10-3 thông báo sẽ đóng cửa hoạt động tại Nga và các ngân hàng khác được dự đoán sẽ hành động tương tự. Goldman Sachs (GS) cho biết đã cho Nga vay 650 triệu USD vào tháng 12-2021.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các ngân hàng quốc tế cho  Nga vay trên 121 tỷ USD. ( Nga đã bị  đình thành viên của  BIS ngày 10-3). Các ngân hàng châu Âu cho Nga  vay trên 84 tỷ USD, trong đó các ngân hàng Pháp, Italy và Áo có số nợ cao nhất, và Nga nợ các ngân hàng Mỹ 14,7 tỷ USD.

Các ngân hàng khác có thể sẽ sớm rời khỏi Nga như Goldman Sachs.

Ngân hàng Pháp Societe Generale (SCGLF) tuần trước cho biết đang “nghiêm túc tuân thủ tất cả luật, quy định hiện hành, và đang tích cực thực hiện các biện pháp cần thiết để thực hiện các lệnh trừng phạt quốc tế ngay khi chúng  được công bố”.

Societe Generale cho biết có gần 21 tỷ USD liên quan đến Nga tính tới cuối năm ngoái.

Ngân hàng BNP Paribas của Pháp cho biết hôm 9-3 rằng tài sản của  BNP ở Nga và Ukraine tổng cộng là 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD).

Ngân hàng UniCredit của Italy hoạt động tại Nga từ năm 1989, cho biết hồi tuần trước rằng  chi nhánh tại Nga có nguồn vốn và thanh khoản tốt, và  các tài khoản nhượng quyền chỉ chiếm 3% doanh thu. Tổng  tài sản của UniCredit ở  Nga là  vào khoảng 7,4 tỷ euro (8,1 tỷ USD).

Credit Suisse của Thuỵ Sĩ hôm 10-3 thông báo họ cho  Nga vay  1 tỷ franc Thụy Sĩ (1,1 tỷ USD). Ngân hàng Deutsche Bank thì cho biết trong một tuyên bố hôm 9-3 rằng đã  “hạn chế” giao dịch với Nga, với tổng mức cho vay là 1,4 tỷ euro (1,5 tỷ USD). Deutsche Bank khẳng định đã giảm đáng kể giao thương với Nga kể từ năm 2014.

Khi luật Dima Yakovlev được tu chỉnh

Căn cứ pháp lý cho chuyện “ăn cướp” ở trên, đó là vào ngày 4-3-2022, trong phiên họp toàn thể, các đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua đạo luật mở rộng các biện pháp trừng phạt của “luật Dima Yakovlev” đối với tất cả những người nước ngoài vi phạm quyền của người Nga.

Các biện pháp trừng phạt gồm lệnh cấm nhập cảnh vào Liên bang Nga, tịch thu tài sản tài chính ở Nga, cấm giao dịch tài sản và đầu tư, cũng như đình chỉ hoạt động của các công ty do người nước ngoài bị trừng phạt kiểm soát.

Tên không chính thức của luật này là để vinh danh cậu bé 21 tháng tuổi Dima, vào năm 2008 đã bị  cha nuôi người  Mỹ để cho ngồi  một mình trong xe đóng kín cửa ngoài nắng. Cậu bé bị  tử vong, tòa án Mỹ tuyên trắng án cho cha mẹ nuôi.

Ngoài việc không cho phép nhận con nuôi ở Nga, luật còn cung cấp khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với những người Mỹ có hành vi phạm tội chống lại người Nga, tuyên án bất công hoặc xâm phạm quyền của công dân Nga .


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    An cuop co bao ke tu nha cam quyen thi qua tuyet voi roi?