(VNTB) – Chúng tôi cũng kêu gọi đồng bào, đặc biệt những người trước đây đã từng tỵ nạn và được sang Hoa Kỳ nhờ chương trình ROVR, cùng đến với nhau để ủng hộ chương trình mới Welcome Corps.
Sau ngày 30/4/1975, hơn triệu người Việt vượt biên.
Khoảng cuối thập niên 80 – đầu thập niên 90, nhiều trại tỵ nạn Đông Nam Á đóng cửa, thuyền nhân phải qua thanh lọc và nhiều người bị cưỡng bức hồi hương. Nhờ sự vận động của nhiều giới chức dân biểu Hoa Kỳ, trong đó có tổ chức BPSOS, tức Ủy ban cứu người vượt biển, Chính phủ Hoa Kỳ đã chuẩn thuận và cho thực hiện chương trình ROVR (Resettlement Opportunities for Vietnamese Returnees). Đây một chương trình đặc biệt cho người Việt, Campuchia và Lào hồi hương từ các trại tạm dung được phỏng vấn và có cơ hội đi định cư tại Mỹ.
Trong video này, ông Nguyễn Văn Minh, cô Rachel Quý, và ông Bùi Văn Quan kể về thời gian vượt biên và ở trại tỵ nạn, cũng như nói về chương trình ROVR.
Chúng tôi cũng kêu gọi đồng bào, đặc biệt những người trước đây đã từng tỵ nạn và được sang Hoa Kỳ nhờ chương trình ROVR, cùng đến với nhau để ủng hộ chương trình mới Welcome Corps – là chương trình bảo lãnh tư nhân cho những người Việt tỵ nạn vẫn còn kẹt lại tại Thái Lan được đi định cư. Xin cảm ơn tất cả quý vị.
Video được thực hiện bởi Hải Di Nguyễn. https://www.youtube.com/watch?v=GFmIJcb9Mck
Bàn chuyển tiếng Việt.
Ông Nguyễn Văn Minh: “Tôi xin tự giới thiệu tôi tên là Nguyễn Văn Minh. Tôi sống ở trại tỵ nạn Galang rất là nhiều năm, hơn bảy năm trời, từ năm 1989 đến năm 1996. Và tôi được định cư ở Hoa Kỳ theo chương trình ROVR.”
Cô Rachel Quý: “Mình là Rachel Quý. Một tí xíu về bản thân: Rachel là người Mỹ gốc Việt, đang sinh sống và làm việc ở Mỹ. Rachel là một trong những người thuyền nhân, và cũng đã từng sống và lớn lên ở trại tỵ nạn, trại Mã Lai.”
Ông Bùi Văn Quan: “Tôi là Quyền Chánh Trị Sự Bùi Văn Quan, hiện phục vụ nơi Thánh Thất và điện thờ Phật Mẫu Mountain View, Dallas, Texas. Và cũng nằm trong Bang Liên hiệp Môn đệ Cao Đài. Bản thân tôi ở trại tỵ nạn non gần bảy năm.”
Cô Rachel Quý: “Rachel rời Việt Nam năm 1989, lúc đó là ba với mẹ đi với hai cô con gái, dẫn hai đứa con gái đi. Rachel lúc đó sáu tuổi và một người em gái lúc đó ba tuổi. Và Rachel nhớ mẹ kể là mới lúc đầu thì ba chỉ dẫn Rachel đi thôi, nhưng mà lúc đó mình đi sáu lần và bị hụt. Mẹ kể là đến lúc cuối cùng bà quyết định bán hết tất cả và dẫn gia đình đi đợt cuối cùng. Một là chết trên biển luôn, còn hai là mình sẽ đi đến được bến bờ tự do. Và cũng may mắn, tạ ơn Chúa, là năm 89, là chuyến đi cuối cùng, gia đình đã thoát được cộng sản, hay ra khỏi đất nước Việt Nam.”
Ông Nguyễn Văn Minh: “Chúng tôi có một chương trình dự tính đi vượt biên rất nhiều năm nhưng thất bại. Khi tôi đến được trại tỵ nạn Galang, thuộc Indonesia, nó sau ngày đóng cửa. Indonesia đóng cửa vào ngày 17/4/1989, thì tôi đến ngày 30/4, và tôi phải trải qua thanh lọc.”
Ông Bùi Văn Quan: “Hoàn cảnh sinh hoạt trong trại tỵ nạn rất khó khăn. Chúng tôi chỉ quanh quẩn trong một đảo nhỏ, không được tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài.”
Ông Nguyễn Văn Minh: “Cái chương trình thanh lọc có nhiều bất công và đưa đến những chuyện chết chóc tức tưởi này kia cái nọ. Tôi còn nhớ một nhà văn cũng như một giáo sư, là ông Nguyễn Tiến. Ông ta đã bị nhiều sự khó khăn trong đời sống ở Việt Nam, tôi nói chuyện với ông ta rất nhiều. Rồi cuối cùng ông ta cũng phải bị cưỡng bức về và ông ta chết ở Việt Nam. Tôi còn biết có một người đó là cha của anh ta đã bị tử hình, bị Việt cộng giết và quăng vào nhà xác Đô Thành, sau ngày 30/4, mà anh ta cũng không được quy chế tỵ nạn.”
Cô Rachel Quý: “Đối với người lớn thì sẽ lo lắng hơn. Giống như ba mẹ của Rachel có kể là, cái khổ nhất là khổ tâm. Tại vì mình không biết tương lai mình đi về đâu. Tương lai tôi có được đi nước ngoài hay không? Hay là tôi phải trở về lại Việt Nam? Và con cái của tôi lớn ở đây cũng đã 5, 6, 7 năm rồi thì con cái của tôi phải ở bên trại bao lâu nữa? Nói chung đối với người lớn, nói chung với mẹ và ba Rachel thì họ có sự lo lắng, có sự bận tâm.”
Ông Nguyễn Văn Minh: “Chúng tôi sống ở trại tị nạn quá lâu thành ra nó nảy sinh ra nhiều bối cảnh rất phức tạp. Trong đó có những người buồn, tức tưởi trong cuộc sống. Rồi vấn đề là không được xếp vào tỵ nạn chính trị, nhiều người đã thắt cổ, tự thiêu. Rất nhiều. Và xảy ra một biến động lớn là biểu tình chống cưỡng bức hồi hương. Và các cuộc biểu tình nổi rộ lên ở các trại tỵ nạn. Riêng về Galang thì chúng tôi biểu tình tới hơn 6 tháng trời, 179 ngày.”
Ông Bùi Văn Quan: “Thuyền nhân quá tuyệt vọng nên đã có mấy chục người tự đâm bụng tự sát, và tự thiêu.”
Ông Nguyễn Văn Minh: “Tôi có chuyển những tin tức đó ra bên ngoài và có thể những tin tức tôi đã gửi đã tới tay ông Nguyễn Đình Thắng.”
Dân biểu Christopher Smith: “TS Thắng đến gặp tôi khoảng 20 năm trước, và nhờ tôi giúp ông ấy giải cứu hàng chục ngàn người tỵ nạn đã bị đánh rớt thanh lọc không đúng, và họ có thể bị đưa vào các vùng kinh tế mới hoặc cái trại tù khổ sai.”
Ông Bùi Văn Quan: “Sau đó chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý mở ra chương trình ROVR này.”
Ông Nguyễn Văn Minh: “Để phỏng vấn những người trở về từ các trại tỵ nạn được phỏng vấn, nếu mà được thì sẽ được đi định cư.”
Cô Rachel Quý: “Giống như họ kêu gọi là mình ghi danh để mình về đi, rồi sau này họ có những chính sách họ cho mình đi. Nhưng mà có nhiều người không tin, hay là có nhiều người nói, no, tôi phải ở đến cùng.”
Ông Nguyễn Văn Minh: “Nếu muốn ghi danh chương trình ROVR này thì phải ghi danh hồi hương. Đó là một khúc mắc mà chúng tôi không tin tưởng. Chúng tôi nghĩ rằng đó chỉ là một hình thức, một cách để đưa thuyền nhân về mà thôi. Tất cả đều mơ hồ hết. Giống như là trong lúc tuyệt vọng có cái phao thì ghi danh đại vậy thôi, tôi cũng là một trong những trường hợp như vậy.”
Ông Bùi Văn Quan: “Sự thật là tôi không có tin tưởng lắm. Lý do là mình ở trong trại tỵ nạn 6-7 năm như vậy mà còn không được đi định cư mà bây giờ quay trở về Việt Nam, xuất phát từ Việt Nam thì có lẽ là tôi không có tin tưởng lắm.”
Ông Nguyễn Văn Minh: “Khi chúng tôi bị trả về Việt Nam khoảng hai năm, tôi cũng không tin. Tại vì tôi nằm ở Việt Nam hai năm trời như vậy, thật ra là tối tôi không ngủ được. Tại vì thấy không còn cơ vọng để định cư, để vượt thoát khỏi chế độ Cộng sản. Hết cách rồi. Lúc mà tôi được bước chân ra phi trường Tân Sơn Nhất để mà tôi đi Mỹ, tôi cũng không tin, tôi không tin là tôi sẽ được đi. Khi máy bay lăn bánh, tôi mới thực sự an tâm tôi thoát được chế độ Cộng sản.”
Cô Rachel Quý: “Thật ra là, lần đầu tiên khi Rachel nghe nói là BPSOS là những người đã bỏ công để vận động quốc hội Mỹ để cho những người Việt tỵ nạn đi về Việt Nam có cơ hội đi qua Mỹ, lúc đó mình rất cảm động. Tại vì trước đó mình chỉ nghĩ là, oh yeah, chính phủ Mỹ họ có những chương trình này, vậy mình đi thôi. Nhưng mà mình không hiểu được là để có những chương trình đó thì phải có những người đã bỏ công, bỏ sức ra để vận động.”
Dân biểu Christopher Smith: “Nhờ sự hỗ trợ của TS Thắng, chúng tôi đã giúp được khoảng 20.000 người đến Hoa Kỳ.”
Ông Nguyễn Văn Minh: “Và nhân tiện đây, tôi cũng xin mạn phép thay mặt tất cả những người tỵ nạn chúng tôi đã được định cư ở Mỹ trong chương trình ROVR này, cám ơn TS Nguyễn Đình Thắng và các cộng sự viên của ông TS cùng những hội đoàn đã vận động để có chương trình này.”
Ông Nguyễn Đình Thắng: “Tôi là Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch của BPSOS, tức Ủy ban cứu người vượt biển. Chúng tôi kêu gọi đồng bào chúng ta, những ai đã từng là người tỵ nạn, đã đến Hoa Kỳ định cư từ các trại tỵ nạn, và đặc biệt là thành phần của những thuyền nhân đã bị hồi hương và sau đó được định cư vào Hoa Kỳ qua chương trình ROVR, tức là chương trình bằng tiếng Việt là cơ hội tái định cư cho những người Việt hồi hương. Đây là chương trình đặc biệt của Hoa Kỳ, sau khi những người thuyền nhân bị đuổi về Việt Nam một cách miễn cưỡng, không tự nguyện, từ các trại tạm dung hoặc là trại cấm ở vùng Đông Nam Á, ở Hồng Kông thì đã được đến Hoa Kỳ trong chương trình đặc biệt như vậy. Có khoảng gần 20.000 đồng bào của chúng ta đã qua chương trình này. Tôi mong rằng khi chúng ta đã được hưởng không khí tự do ở Hoa Kỳ sau nhiều năm, thì xin quý vị hãy đến với nhau để thành lập một nhóm bảo lãnh để bảo lãnh định cư những đồng bào tỵ nạn chúng ta đã có quy chế rồi, quy chế tị nạn rồi mà còn kẹt lại ở Thái Lan cho tới ngày hôm nay, qua cái chương trình mới được công bố bởi chính phủ Hoa Kỳ, đó là chương trình định cư người tỵ nạn theo diện bảo lãnh tư nhân. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn tất cả quý vị.”