VNTB – Liệu tân chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ ‘lập pháp’ với “Luật về Đảng”?

VNTB – Liệu tân chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ ‘lập pháp’ với “Luật về Đảng”?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Điểm chung của cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với tân chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính.

 

Khi đương chức chủ tịch Quốc hội, khi nói về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng cho ý kiến về sự cần thiết rành mạnh như toán học: “Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”.

Còn với cựu Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ từng sòng phẳng trong yêu cầu tính toán khi ông phát biểu tại buổi hội thảo về “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường” ngày 20/9/2011:

“Theo tôi, doanh nghiệp kêu lỗ thì cũng cần làm rõ khái niệm lỗ ở đây là gì. Ví dụ với Petrolimex. Giá bán lẻ xăng dầu được xây dựng trên cơ sở giá định hướng, giá cơ sở. Giá cơ sở được tính toán bao gồm giá CIF, cộng với thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, nhân với tỷ giá, sau đó cộng với chi phí lưu thông xăng dầu. Sau đó, doanh nghiệp được cộng thêm lãi định mức 300 đồng một lít, cộng thêm quỹ bình ổn giá với mức cao nhất 500 đồng và một số khoản phụ phí khác.

Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được nhà nước”.

Thế nhưng dường như khẩu khí của cả hai chính khách kể trên không mang đến sự thay đổi nào.

Giờ, ông Vương Đình Huệ sắp sửa ngồi vào ghế chủ tịch Quốc hội khóa XV. Câu hỏi đặt ra: ông cần sẳn sàng dùng quyền lực lập pháp của Quốc hội để yêu cầu phải có “Luật về Đảng”?

Tư cách sắp sửa là cử tri để bỏ phiếu bầu ông Vương Đình Huệ làm đại biểu Quốc hội khóa XV vào ngày Chủ nhật 23/05 tới đây, người viết đưa ra các lý do sau đây cho yêu cầu tân chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về xây dựng dự luật về Đảng.

Một, nếu chỉ đơn thuần dựa vào giám sát nội bộ, tự cho phép mình đứng ngoài sự giám sát thực sự của nhân dân và luật pháp, thì Đảng càng có nguy cơ suy thoái nhiều hơn.

Thực tế trong hoạt động mấy năm qua của ban lãnh đạo đảng, của các cơ quan nhà nước và trong thực hành mối quan hệ giữa các chủ thể đó đã phát sinh không ít tình huống phải xử lý theo “lệ”, thiếu căn cứ luật pháp xác đáng. Đơn cử như trường hợp đảng viên, ủy viên Bộ Chính trị Vũ Huy Hoàng.

Ngày 2/11/2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp và quyết định cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 – 2016 của ông Vũ Huy Hoàng. Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam cách chức một người mà không còn tại chức nữa.

Dưới thời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ Công Thương có 5 đại dự án quy mô 30.000 tỷ đồng, mà bộ là cơ quan chủ quản, nay đều trong tình trạng thua lỗ nặng nề, nguy cơ phá sản.

Ngày 23/01/ 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 – 2016, cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương (nhiệm kỳ 2011-2016) đối với ông Vũ Huy Hoàng. Sau khi bị kỷ luật, ông chỉ còn tư cách nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn và nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây

Thế nhưng về mặt văn bản pháp quy tương ứng lại cho thấy việc cách chức hồi tố như kể trên là ‘nằm ngoài luật’. Điều đó càng chứng tỏ sự cần thiết của luật về Đảng.

Hai, đề nghị có luật về Đảng là không mới mà đã được nhiều tổ chức và công dân, kể cả cơ quan đảng, cán bộ lãnh đạo và đảng viên nêu ra từ nhiều năm trước, nhưng chưa có tiến triển nào. Nguyên nhân có phần vì những khó khăn không nhỏ khi phải xây dựng một luật chưa từng có tiền lệ, và hình mẫu như luật này.

Nói cho cùng, nếu quả tình không thể xây dựng được luật về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng, thì liệu có lý do gì chính đáng để bảo lưu một điều khoản về vấn đề này trong Hiến pháp như đã ghi tại Điều 4.3, “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)