TS: Linh mục Phan Văn Lợi (Huế) hiện là đồng chủ tịch Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam (cùng với Bác sĩ Nguyễn Đan Quế), đồng thời ông cũng là hội viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Bản Thư phúc đáp của Linh mục Phan Văn Lợi cho Công an phường Phước Vĩnh đăng tải dưới đây có thể được xem là rất giá trị cho những người đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Đây là một trong số rất hiếm hoi bài viết trên mạng nêu và phân tích thông tin về một văn bản (hình thức thông tư) của Bộ Công an quy định về những trường hợp cơ quan công an các cấp “mời” hoặc “triệu tập” đối với công dân việt Nam.
Trong thực tế, rất nhiều trường hợp công dân và giới đấu tranh dân chủ đã bị ngành công an lạm dụng hoặc lợi dụng khi tống đạt “giấy mời” hoặc “giấy triệu tập”. Từ thông tư của Bộ Công an do Linh mục Phan Văn Lợi phân tích và phản biện, công dân và giới đấu tranh dân chủ sẽ có căn cứ để nhận biết rõ hơn về quyền được từ chối chính đáng đối với những yêu cầu nào không cần thiết, có dấu hiệu lạm dụng hoặc vượt quyền, lợi dụng của cơ quan công an địa phương.
Linh mục Phan Văn Lợi |
(VNTB) Theo nguồn tin của trang Dân Làm Báo, hôm 28/7/2014, dưới sự chỉ đạo của công an thành phố Huế, công an phường Phước Vĩnh đã gửi ”giấy mời” yêu cầu linh mục Phan Văn Lợi phải đến trụ sở CA để “làm việc về nhận và chuyển tiền”.
Sau khi nhận được giấy mời, linh mục Phan Văn Lợi đã thẳng thắn từ chối yêu cầu của công an, đồng thời viết vào nội dung như sau:
“Theo nguyên tắc luật pháp, công an chỉ được quyền gọi dân đến đồn khi có một vụ án hình sự đã được khởi tố, mà công dân đó có liên quan, có chứng kiến hay có bị hại. Bằng không, công an phải đến nhà dân xin gặp.
Việc nhận tiền là quyền của công dân. Tôi nhận một cách hợp pháp từ các dịch vụ. Tôi không thấy có lý do gì để làm việc với công an về vấn đề này.
Tôi không đến đồn và không gặp công an.”
Lâu nay, linh mục Lợi thường xuyên nhận và chuyển tiền nhằm giúp đỡ một số nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam. Hành động gửi ‘giấy mời’ cho thấy lực lượng công an đã bắt đầu điều tra nhằm gây khó dễ đối với các hoạt động hợp pháp của ngài.
Linh mục Phan Văn Lợi sinh năm 1951 tại Huế, được cố hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bí mật truyền chức linh mục vào năm 1981 tại Sơn Tây.
Vài tháng sau, tháng 10/1981, linh mục Lợi bị chế độ cộng sản kết án 7 năm tù giam với cáo buộc tuyên truyền chống phá (4 năm) và ‘tội’ thụ phong linh mục mà không thông qua đảng cộng sản (3 năm).
Sau khi ra tù, linh mục Phan Văn Lợi cùng hai linh mục Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Hữu Giải tiếp tục kiên trì đấu tranh đòi nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo cho nhân dân Việt Nam.
Hiện nay, linh mục Lợi đang là chủ bút của bán nguyệt san Tự do Ngôn luận, đây là một tạp chí được thành lập từ năm 2006, xuất bản cả trên giấy lẫn trên mạng.
————-
THƯ PHÚC ĐÁP CÔNG AN PHƯỜNG PHƯỚC VĨNH
Phước Vĩnh, ngày 29 tháng 07 năm 2014
Kính gửi: Công an phường Phước Vĩnh, TP. Huế
Tôi là: Linh mục Phan Văn Lợi, sinh năm: 1951
CMND số: 190083880 cấp ngày: 19-06-1978 tại: Công an Bình Trị Thiên
Địa chỉ cư trú: 16 Kiệt 46 Trần Phú, P. Phước Vĩnh, TP. Huế
Lúc 17g30 ngày 28/07/2014 tôi nhận được Giấy mời số 15 của Công an phường Phước Vĩnh, TP. Huế đề ngày 28/07/2014 (sic!), mời tôi có mặt tại “Công an phường Phước Vĩnh”, lúc 8g00 ngày 29/07/2014, với lý do “làm việc về nhận và chuyển tiền liên quan ô. Phan Văn Lợi”. Lúc 18g ngày 29/07/2014 tôi lại nhận được giấy mời thứ hai cùng nội dung.
Tôi có ý kiến:
- “Lý do” ghi trong Giấy mời của Công an phường Phước Vĩnh có dấu hiệu lạm dụng quyền lực, vi phạm pháp luật. Nhận hay cho ai tiền là quyền của công dân. Quy định pháp luật nào chi phối việc này, sao không thấy trích dẫn trong Giấy mời?
- Nhân đây, tôi muốn nhắc nhở quý vị về 2 khái niệm “Giấy triệu tập” và “Giấy mời” của CA. Trước hết, tôi chỉ nêu lên một vài nội dung chính của Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12 tháng 01 năm 2006 của Bộ Công An Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
- a) Khoản 1.1 Mục 1 hướng dẫn: “Điều tra viên được phân công thụ lý chính điều tra vụ án được ký giấy triệu tậpbị can tại ngoại để hỏi cung, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo kế hoạch đã được Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án duyệt. Việc triệu tập bị can, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thực hiện theo quy định tại các điều 129, 133, 135, 136, 137 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.” Như vậy, nếu không phải là những người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự thì không thể bị CA “triệu tập”.
- b) Ngoài ra, ngay cả là người tham gia tố tụng thì CA cũng phảicân nhắctừng trường hợp cụ thể để “triệu tập’’ hay “mời” hay là đến tại nơi ở, nơi làm việc để lấy lời khai đối với các đối tượng dưới đây theo hướng dẫn tại khoản 1.3 Mục 1:
“- Những người có chức sắc trong các tôn giáo như: Giám mục, Linh mục trong đạo Thiên chúa; Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức trong Phật giáo; Mục sư, Giáo sư trong đạo Cao đài và người đứng đầu các tôn giáo khác;
– Người có danh tiếng trong xã hội hoặc trong các dân tộc ít người;
– Người là nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ có uy tín lớn trong nước và trên thế giới;
– Đối với người nước ngoài, việc triệu tập phải tuân theo các quy định của pháp luật có liên quan đến quan hệ ngoại giao và người nước ngoài; …”
- c) Thông tư này còn hướng dẫn: “Khi gặp và tiến hành lấy lời khai của những người tham gia tố tụng hình sự theo giấy triệu tập hoặc giấy mời, Điều tra viên phải có thái độ đúng mực, lịch sự, ứng xử có văn hóa trong hoạt động điều tra. Nghiêm cấm mọi hành vi hống hách, quan liêu, cửa quyền, lăng mạ, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người được triệu tập đến Cơ quan điều tra để tiến hành lấy lời khai;…”
- d) Cuối cùng, Bộ CA còn hướng dẫn cụ thể tại khoản 1.4 Mục 1:
Nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày, v.v… làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi triệu tập hoặc mời thì Điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời. Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở Công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai hoặc báo cáo đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra.”
Vì thế, tôi yêu cầu quý vị lần sau nếu muốn mời tôi, phải:
– Gửi Giấy mời cho tôi trước 2 ngày để tôi thu xếp công việc nếu cần thiết.
– Giấy mời phải ghi lý do rõ ràng, phải trích dẫn những quy định pháp luật liên quan, phải gửi kèm những giấy tờ hay chứng cứ chứng minh tôi có liên quan đến sự việc nào đó hay đến ai đó. Nếu nội dung thư mời, căn cứ pháp luật và giấy tờ kèm theo không liên quan đến tôi thì đương nhiên tôi sẽ không đi.
– Thanh toán chi phí đi làm việc với công an và tiền công lao động do nghỉ việc ngày hôm đó.
Phước Vĩnh ngày 29-07-2014
Kính chào,
Linh mục PHAN VĂN LỢI