Châu Nam Việt
(VNTB) – Độc quyền bán sách mà cũng lỗ, lỗ mà không nghỉ, chẳng lẽ họ làm “công quả”?
Trong một phát biểu gần đây, Tổng giám đốc Nhà xuất bản giáo dục (NXBGD) Nguyễn Tiến Thanh đã khẳng định rằng dư luận hiểu sai về việc nhà xuất bản này lãi lớn từ việc in sách giáo khoa. Theo ông Thanh, thực tế thì NXBGD hầu như không có lãi. Sách giáo khoa năm nào cũng tái bản, tăng giá và sách cũ thì không thể tái sử dụng cho năm học mới vậy mà ông giám đốc nói không có lãi!
NXBGD là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được phép in ấn và phát hành sách giáo khoa. Chính vì vị thế độc quyền này, NXBGD đã kiểm soát toàn bộ thị trường sách giáo khoa trong nhiều năm qua. Theo lẽ thông thường, một doanh nghiệp độc quyền kinh doanh sẽ có lợi nhuận khổng lồ do không phải cạnh tranh giá cả và có thể định giá cao. Tuy nhiên, NXBGD lại nói rằng họ không có lãi thì rõ ràng là có vấn đề. Một là báo cáo láo, hai là không biết cách kinh doanh, quản lý tài chính.
Nếu lướt một vòng trên các mặt báo, không khó để thấy thông tin kết quả kinh doanh khá khẩm của NXBGD mà ông Thanh mới về làm Tổng giám đốc gần đây chủ yếu đến từ sách giáo khoa. Theo báo chí nhà nước, trong năm 2022 thì NXBGD Việt Nam có sản lượng phát hành sách giáo khoa là 206,6 triệu bản. Nhờ đó, doanh thu đạt 2.442,7 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của nhà xuất bản này đạt 331 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp NXBGD đạt mức kỷ lục.(1) Nếu lỗ như lời ông Thanh nói thì có lẽ chúng ta nợ họ lời xin lỗi, bởi NXBGD đang làm sách giáo khoa “công quả” cho con em chúng ta.
Và nếu thực sự lỗ, thì tại sao NXBGD lại cắn chặt mà không nhả ra và cho phép các công ty tư nhân tham gia vào việc in ấn và phát hành sách giáo khoa. Bởi việc cạnh tranh tự do sẽ giúp giảm giá sách, cải thiện chất lượng và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tốt hơn. Việc đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên hết không phải là cái lý tưởng mà chế độ xã hội hay rao giảng hay sao? Hay những lời đó chỉ dùng để mị dân mà thôi?
Chỉ cần tính nhanh rằng mỗi năm cả nước có hàng triệu học sinh, chỉ cần một nửa số đó mua sách thôi là đủ có lời rồi. Chi phí in ấn theo số lượng lớn sẽ giúp giảm rất nhiều chi phí. Kể cả có là giấy tốt, mực tốt đi chăng nữa thì nó cũng được nhập sỉ với giá ưu đãi cho số lượng lên tới hơn hai trăm triệu cuốn sách.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề lớn mà người tiêu dùng thường xuyên phàn nàn là sách giáo khoa năm trước không thể sử dụng cho năm sau. Điều này dẫn đến việc học sinh phải mua sách mới mỗi năm học, gây ra gánh nặng tài chính không nhỏ cho các gia đình. Theo một số thống kê, chi phí mua sách giáo khoa mỗi năm của một học sinh trung học cơ sở có thể lên tới 500.000 – 1.000.000 đồng, tùy thuộc vào khối lớp và số lượng sách. Điều này đặt ra câu hỏi: nếu sách giáo khoa không thay đổi quá nhiều về nội dung, tại sao lại phải tái bản hàng năm?
Xã hội đâu phát triển tới mức mỗi năm mỗi phải thay sách giáo khoa. Việc tái bản sách hàng năm còn tạo ra sự lãng phí lớn về tài nguyên và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Hàng triệu quyển sách giáo khoa bị loại bỏ mỗi năm, dẫn đến sự tiêu tốn giấy và nguồn lực in ấn không cần thiết. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng mô hình sách giáo khoa điện tử hoặc tái sử dụng sách cũ để giảm thiểu chi phí và bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh hiện tại, việc NXBGD độc quyền kinh doanh sách giáo khoa và báo cáo không có lãi là một điều khó chấp nhận. Nếu thực sự lỗ, thì nhà nước nên để các công ty tư nhân tham gia và thử sức? Khi có nhiều nhà xuất bản cùng tham gia, giá sách sẽ giảm đáng kể và chất lượng sách được nâng cao để cạnh tranh với nhau.
Ngoài ra, nhà nước cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn về việc định giá và chi phí sản xuất sách giáo khoa của NXBGD. Việc công khai, minh bạch tài chính sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về thực trạng kinh doanh của NXBGD và tránh những nghi ngờ không đáng có.