S.T. T.D Tưởng Năng Tiến
(VNTB) – Báo Thanh Niên – số ra ngày 14 tháng 1 năm 2017 – hớn hở loan tin: “Loa phường đã hoàn thành vai trò lịch sử!”
Lịch sử cận đại của nước Việt vừa ghi nhận (thêm) hai lần… Nam Tiến nữa! Lần đầu – vào năm 1954 – gần một triệu người miền Bắc đã di cư vào Nam bằng tầu: tầu bay, tầu hoả, và tầu thủy… Họ mang theo nhiều thứ trông rất quen nhưng tên gọi thì hơi lạ: cái bàn là, cái bát, cái cốc, cái ô, cái môi, cái thìa …
Cuộc chung sống giữa cái bàn là với cái bàn ủi, cái bát với cái chén, cái cốc với cái ly, cái ô với cái dù, cái môi với cái vá, cái thìa với cái muỗm… tuy không toàn hảo nhưng (tương đối) thuận thảo và tốt đẹp. Từ thành thị đến nông thôn – trong mọi ngõ ngách – trẻ con miền Nam đồng lòng đổi lời bản “Khúc Nhạc Đồng Quê” (của Thúc Đăng) từ “Quê hương tôi gió chiều về trong nắng vàng” thành … “Quê hương tôi cái mùng mà kêu cái màn,” cùng với tiếng cười khúc khích.
1954 – 1975: Hai mươi mốt năm tuy ngắn nhưng đủ thời gian để xoá nhoà mọi ngăn cách giữa cái mùng với cái màn. Rồi ra, ai cũng biết: cái mền với cái chăn là một, cái phong bì và cái bao thư cũng vậy, còn cái bao diêm chính là cái hộp quẹt, và cái hôn với cái hun đều cùng một nghĩa!
Đợt di cư thứ hai, khởi sự vào năm 1975, ồn ào và ồ ạt hơn trước. Những thứ được mang theo cũng rất khó coi, và gây ra rất nhiều phiền toái nơi vùng đất mới: nón cối, dép râu, tem phiếu, sổ gạo, sổ hộ khẩu, loa phóng thanh, tinh thần làm chủ tập thể, ảnh bác Hồ lộng kiếng …
Với thời gian, nón cối, dép râu, tem phiếu, sổ gạo, tinh thần làm chủ tập thể… đều lặng lẽ bị vứt vào sọt rác. Ảnh bác Hồ lộng kiếng, không ít kẻ, cũng liệng cống luôn. Rồi đến cái sổ hộ khẩu cũng đi vào dĩ vãng khiến “hàng triệu người dân vỡ oà sung sướng” – theo như nguyên văn của báo Lao Động, số ra ngày 5 tháng 11 năm 2017 :
“Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30.10.2017 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, với việc xóa bỏ nhiều thủ tục liên quan đến hộ khẩu, đã làm hàng triệu người dân ‘vỡ òa’ sung sướng.”
Trước đó không lâu, dân Việt cũng đã trải qua một niềm vui (“vỡ oà”) tương tự, ngay sau khi báo Thanh Niên – số ra ngày 14 tháng 1 năm 2017 – hớn hở loan tin: “Loa phường đã hoàn thành vai trò lịch sử!”
Ngoài việc tháo gỡ những chướng ngại vật đã gây ra đủ thứ rắc rối, khó khăn, nhũng nhiễu, phiền hà… cho dân chúng; Nhà Nước Cách Mạng còn đi rất xa trong tiến trình đổi mới. Báo chí tới tấp đi tin :
– Giúp Người Dân Cải Thiện Cuộc Sống Nhờ Tiếp Cận Internet
– Cuộc Sống Người Dân 40 Tỉnh Thay Đổi Ra Sao Nhờ Internet?
– Cơ Hội Cho Người Dân Nông Thôn Tiếp Cận Với Internet
– Máy tính cho cuộc sống với học sinh nông thôn
Hiệp Hội Doanh Nghiệp Điện Tử Việt Nam hân hoan cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Bộ TT-TT thực hiện giai đoạn hai Dự án thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam (BMGF-VN) tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng kinh phí hơn 50 triệu USD.”
Ủa, tiền ở đâu ra mà chính phủ (bỗng) hào phóng dữ vậy cà?
Tìm hiểu thêm chút xíu mới biết ra rằng BMGF là mấy chữ viết tắt của Bill & Melinda Gates Foundation của vợ chồng ông Bill Gates, có trụ sở tại Seattle, Washinton State. Theo trang Khoa Học Việt Nam : “Quỹ Bill & Melinda Gates viện trợ không hoàn lại 30 triệu USD, Microsof tài trợ 3,6 triệu USD (để mua máy tính) và số còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.”
Thảo nào mà quan chức, cũng như báo giới VN, hào hứng và vui vẻ quá xá. “DỰ ÁN NÂNG CAO KHẢ NĂNG SỬ DỤNG MÁY TÍNH VÀ TRUY NHẬP INTERNET CÔNG CỘNG TẠI VIỆT NAM” được tán thưởng không tiếc lời :
– Lao Động: “Mỗi Công Dân Là Một Nhà Báo”
– Sài Gòn Giải Phóng: “Mỗi Công Dân Là Một Phóng Viên”
– Tuổi Trẻ: “Vinh Danh Nhà Báo Công Dân”
Được “vinh danh” nên các nhà báo công dân hiện diện khắp nơi. Ngay cả ở vùng xa, vùng sâu như xã Quảng Điền – huyện Krông Na, tỉnh Đắk Lắk – mà hình ảnh một ông trưởng công an xã (đá tứ tung thúng mẹt rau cải, tôm cá … của bạn hàng) cũng được phổ biến khắp năm Châu, trong chớp mắt.
Trong một xã hội vốn khép kín mà bỗng dưng mỗi công dân trở thành một phóng viên thì hệ lụy thật khó lường. Bung là cái chắc. Thông Tấn Xã Vỉa Hè thay thế ngay vai trò truyền thống của Thông Tấn Xã VN, và “từng bước đưa đất nước thoát khỏi cái vòng kim cô mang cái tên ‘định hướng’ trên lĩnh vực tư tưởng-truyền thông” – theo như nhận xét của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh.
Bộ Thông Tin thất thủ. Truyền Thông vỡ trận. Chung qui cũng chỉ vì những con ngựa thành Troie, có tên gọi khác là máy vi tính, giữa lòng cách mạng!
Lúc sinh tiền, nhà văn Trần Đĩnh gọi internet là thằng … Thời Đại, và ông rất hả hê vì “luôn nhìn thấy Đảng loạng choạng lùi” trước cái “thằng” này. Nếu không vì nó thì mấy người dân Việt được nhìn thấy tận mắt phóng ảnh Công Hàm 1958 với chữ ký của Phạm Văn Đồng (hay Thư Xin Nhập Học Trường Thuộc Địa của sinh viên Nguyễn Tất Thành) và nói chắc cũng chả ai tin.
Buộc phải lùi thôi nhưng lùi hoài chắc chết, chết chắc. Phải làm một cái gì đó để cứu vãn tình thế, chứ không thể để tên tuổi của những vị lãnh đạo cấp cao (Lâm Dát Vàng, Trọng Mặt Dầy, Ngân Mặt Thớt, Phúc Maze …) bị bôi bác mãi. Thế là Bộ Công An bèn trình Quốc Hội cái gọi là “Dự Án Luật An Ninh Mạng.”
Công luận, tất nhiên, dậy sóng:
– Trương Huy San: “Luật chống lại loài người.”
– Lê Văn Luân: “Luật pháp ban hành ngày càng tệ và có xu hướng đi ngược lại tiến trình phát triển văn minh của nhân loại.”
– Người Buôn Gió: “Công cụ đàn áp mới – luật an ninh mạng.”
– Trịnh Hữu Long: “Dự luật an ninh mạng: hàng Việt Nam made in China?”
– Nguyễn Thông: “Đó là thứ tư duy cộng sản man rợ.”
– Nguyễn Ngọc Chu : “Chỉ có những chế độ độc tài vì muốn duy trì sự cai trị của mình, mới liều lĩnh khống chế thông tin.”
– Trần Song Hào: “Đảng muốn có chi bộ trong máy chủ!”
– Võ Văn Tạo: “Lại tiếp tục tư duy lỗi thời.”
– Nguyễn Quang Lập: “Chỉ cần 1 năm vắng bóng Facebook và Google sẽ thấy đất nước này lạc hậu so với thế giới hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm.”
– Trương Duy Nhất: “Với gần 100 triệu công dân Việt, đó là bức tường giam hãm tự do tư tưởng, biểu đạt và giao tiếp.”
Tất cả đều phẫn nộ hay buồn bực. Buồn tất cả. Chỉ cái loa là vui được tiếp tục vai trò lịch sử của mình. Với hệ thống loa phường thì an toàn là cái chắc. Không còn phải lo lắng đến sự phá hoại của những thế lực thù địch nước ngoài, và sự tự diễn biến/chuyển hoá của một bộ phận không nhỏ đảng viên nữa. Ban Tuyên Giáo lại độc quyền cầm loa nên chả việc gì phải “đối thoại” với bất cứ ai nữa.
Đất nước sẽ an bình và ổn định (Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc) như xưa, cứ y như là chưa bao giờ có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra ráo trọi. Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc dự đoán :
“Ngày ấy sẽ không xa! Học viện KHXH sẽ đóng cửa; chủ nhân các biệt phủ sẽ ăn ngon ngủ yên; các quan anh sẽ tha hồ có bồ nhí; các trạm BOT sẽ có mặt khắp hang cùng hẻm cụt; lãnh đạo sẽ tha hồ cho trái đâm ra từ rễ cây; đày tớ sẽ thoải mái đá xô chậu, chặn xe đám cưới thu tiền …”
Thằng chả đoán bậy bạ vậy mà không trật. Báo Thanh Niên, số ra ngày 26 tháng 07 năm 2022, vừa hân hoan chạy tít: “Hà Nội Lên Kế Hoạch Khôi Phục Loa Phường”!
TNT 2017 – 2022