VNTB – Lợi ích nhóm y tế?

VNTB – Lợi ích nhóm y tế?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Các trạm y tế và Viện Pasteur TP.HCM thì vắc-xin tiêm chủng cho trẻ em hết sạch đã mấy tháng rồi. Ở ngoài dịch vụ tư nhân thì… muốn chích ngừa cho trẻ loại vắc-xin nào cũng có.

 

Vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng đã rải rác xảy ra thiếu cục bộ từ tháng 5 – 6 vừa qua, các tỉnh thành đã thực hiện điều phối chuyển từ nơi còn sang nơi thiếu để sử dụng cho tiêm chủng, nhưng từ khoảng tháng 9 thì thiếu trầm trọng, không điều phối được nữa, đặc biệt những tỉnh thành có số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng lớn như TP.HCM, Hà Nội thì thiếu càng nặng nề.

Thế nhưng khi phụ huynh đưa con cháu mình ra các trung tâm dịch vụ tiêm chủng của Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam (VNVC), thì tùy vào túi tiền để thoải mái lựa chọn đủ loại vắc-xin cần chích theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Theo thông tư số 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, vắc-xin bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam hiện nay bao gồm 10 loại vắc-xin: Viêm gan B (trẻ dưới 1 tuổi), lao (trẻ dưới 1 tuổi), bạch hầu (trẻ dưới 2 tuổi), ho gà (trẻ dưới 2 tuổi), uốn ván (trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai), bại liệt (trẻ dưới 1 tuổi), bệnh do Heamophilus Inffluenzae type B (trẻ dưới 1 tuổi), sởi (trẻ dưới 2 tuổi), viêm não Nhật Bản (trẻ từ 1 đến 5 tuổi), Rubella (trẻ dưới 2 tuổi).

Bộ Y tế yêu cầu nếu chưa tiêm chủng đúng lịch thì tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó, nhưng phải bảo đảm phù hợp với đối tượng và hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Như vậy, từ cao điểm tháng 9 đến nay, các vắc-xin bắt buộc nêu trên không còn để tiêm chủng cho trẻ trên phạm vi toàn quốc, trong khi đó phía dịch vụ tư nhân như VNVC thì ‘bao nhiêu cũng có’, cho thấy dư luận có căn cứ để ngờ vực về những quyền lực phe nhóm đang lũng đoạn thị trường vắc-xin dành cho trẻ em hiện nay.

Bởi khó thể có cách nghĩ khác, khi mà không những hết vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, mà tất cả các loại vắc-xin dịch vụ tại Viện Pasteur TP.HCM cũng hết sạch kéo dài suốt nhiều tháng qua, dù đây là nơi triển khai dịch vụ khám, tư vấn tiêm chủng cho người dân ở TP.HCM và khu vực phía Nam.

Theo ghi nhận của báo chí, trung tuần tháng 11-2022, tại Viện Pasteur TP.HCM nhiều người dân có nhu cầu tiêm vắc-xin đều được bảo vệ thông báo không còn vắc-xin, chưa biết chính xác ngày có vắc-xin trở lại. Phần lớn mọi người đều ra về, nhưng có người vẫn vào bên trong viện với hy vọng vẫn còn vắc-xin mình cần để được tiêm phòng bệnh kịp thời.

“Hai vợ chồng làm tự do, kinh tế cũng không ổn định nên bé gái đầu cũng chỉ tiêm đủ các mũi tiêm miễn phí ở phường theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Nhưng đến bé thứ hai thì lên phường hai lần đều chưa có vắc-xin, vậy nên phải đưa con đi tiêm dịch vụ. Dù mũi tiêm sởi – quai bị – rubella không quá đắt nhưng cũng bị ‘bớt’ đi thùng sữa cho con…” – phụ huynh tự giới thiệu tên Hồng, buồn bã nói.

Một lần nữa, Sở Y tế TP.HCM lại đưa ra cảnh báo nếu tình trạng gián đoạn cung ứng vắc-xin vẫn tiếp diễn có thể xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên trẻ nhỏ như sởi, bạch hầu, ho gà. Trong đó sởi là dịch bệnh có nguy cơ xảy ra cao nhất và sớm nhất vì theo ghi nhận của ngành y tế, dịch sởi ở Việt Nam thường xảy ra 4 năm 1 lần, trong đó dịch sởi gần nhất là từ tháng 10-2018 và kéo dài đến hết tháng 5-2019.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết Hà Nội cũng đang thiếu các loại vắc xin tương tự như TP.HCM.

“Chúng tôi đành tư vấn các cha mẹ ra dịch vụ tư nhân tiêm mũi sởi – quai bị – rubella cho trẻ. Mũi tiêm này có giá khoảng hơn 300.000 đồng, có phác đồ tiêm là hai mũi. Do sởi là bệnh dễ mắc và nguy cơ biến chứng cao nên thường các cha mẹ nên cố gắng để tiêm cho trẻ đúng thời gian” – một trưởng trạm y tế phường, cho biết như vậy.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)