Việt Nam Thời Báo

VNTB- Lời người Cha dặn con

Đào Đức Thông
(VNTB) – Con yêu của Ba! Những ai có chút ý thức về xã hội, nền chính trị hiện nay sẽ thấy rằng không thể giao phó con em của mình cho hệ thống giáo dục hiện tại của Việt Nam.


Sinh viên ra trường không làm được chuyên môn, học sinh phổ thông thiếu khuyết các kiến thức căn bản, không có kỹ năng sống, bằng cấp của Việt Nam thì tiến sĩ dỏm, thạc sĩ giả hiện nay vô số… Người có thực tài không có cơ hội được Nhà nước Việt Nam sử dụng, trong khi những kẻ gian manh, kẻ dốt nát nhưng nhiều tiền và ô dù thì có nhiều cơ may nắm quyền hành lãnh đạo, vơ vét của dân.
Con ạ! Ba mẹ muốn cho con đi du học ở Mỹ. Ở Việt Nam, chỉ có gia đình có tiền, có cơ hội, có điều kiện thì mới cho con đi du học nước ngoài. Con là một trong số những thanh niên Việt Nam may mắn. Điều đó quá tốt cho tương lai của con. Bao nhiêu thanh niên Việt  ước ao mà không được như vậy.
Tuy nhiên, ba có một vài điều nhắn nhủ với con. Con hãy lắng nghe và suy nghĩ:
Chi phí mà ba mẹ bỏ ra cho con đi du học là một khoản tiền lớn mà ba mẹ đã phải chắt chiu dành dụm mới có được. Số tiền này đúng nghĩa là tiền đầu tư cho con, mua kiến thức, mua danh dự và mua tương lai cho con. Tuy nhiên, không phải có tiền cho con đi qua đó là được. Ao ước đó của ba mẹ, diễm phúc của chính con còn phụ thuộc hoàn toàn vào chính nỗ lực của  con. Nếu con không không chịu học hành thì đó là một sự hoang phí, một sự đáp trả khá tàn nhẫn của con đối với ba mẹ.
Con ơi! Ba thấy có một số bạn trẻ được cha mẹ có tiền gửi đi du học nhưng hình như không kham nổi việc học. Có thể do khả năng tiếp thu tiếng Anh, có thể do khả năng tiếp thu lượng kiến thức khá lớn, có thể do không bắt kịp cách học mới. Một số bạn trẻ đã không cưỡng nỗi sự cám dỗ của xã hội bên Mỹ nên ham chơi hơn ham học… Các bạn đó đã bỏ học mà giấu cha mẹ họ. Các bạn đó đã trả ơn cho ba mẹ của họ bằng sự thất vọng nặng nề. Ba mẹ các bạn đó đã tìm cách cho các bạn đó… đi luôn. Cái danh dự có con đi du học Mỹ đành phải giấu đi.
Ba không tin con  sẽ như những bạn kể trên. Con sinh ra trong gia đình thuộc hàng trí thức. Con nhà tông, con sẽ thành công trong việc học tập. Tuy nhiên, việc con học hành thành đạt và việc  con thành công trong cuộc sống là hai chuyện khác nhau. Con có thể mang về trình cho ba mẹ một mảnh bằng hạng ưu, nhưng chưa chắc là con sẽ làm được gì với mảnh bằng đó. Có người làm bài toán, đầu tư cho con họ bằng 2-3 căn nhà, nhưng chưa chắc con họ đã đi làm và kiếm được tiền để mua lại được 1 căn nhà vốn liếng kia. Do đó, ngoài chuyện học trong trường đại học Mỹ,  con còn phải rèn luyện cho mình kỹ năng sống, khả năng làm ra tiền. Con hãy nghĩ rằng con phải làm gì để hoàn lại số vốn mà ba mẹ đã đầu tư cho con. Con hãy nghĩ rằng  con sẽ làm được gì với mớ kiến thức mà con học được ở Mỹ.
Con ạ, ba thấy nhiều bài báo tranh luận về việc về hay ở sau khi học xong đại học Mỹ. Nhiều người nói về làm gì khi mà mảnh bằng Mỹ không hề có giá trị gì ở Việt Nam. Rằng cơ quan nhà nước Việt Nam không trọng người tài. Cái ghế cao trong cơ quan nhà nước chỉ dành cho con cháu của quan chức, không đến tay của người có năng lực… Điều đó là một tả thực đúng. Tuy nhiên, tại sao con cứ phải nhìn vào những nơi tăm tối đó làm gì? Chả lẽ kiến thức bao năm học của con chỉ để được ngồi vào các chiếc ghế đó? Không nên như thế. Nếu con thật sự có năng lực thì tự con sẽ xây dựng nên cơ đồ mà không cần phải tham gia vào tổ chức nhà nước.
Hãy nhìn nhận thật sự vào khả năng của mình. Con sẽ sử dụng kiến thức du học của mình như thế nào?
Nếu con dùng nó để xin việc, để lãnh lương và chấp nhận đời sống của một người làm công ăn lương thì con  ở lại Mỹ, tìm cho mình một công việc phù hợp. Xem như an phận của con.
Tại Mỹ, việc học xong đai học chỉ là sự bắt đầu của một việc học khác mang tính thực tế hơn nhiều là đi làm việc, nếu con đã học tốt và may mắn chọn đúng công ty thì làm việc sẽ giúp con trưởng thành trong nghề nghiệp hơn nhiều. 
Nếu con chỉ xem mảnh bằng của con chỉ là một tờ giấy đánh dấu khối lượng kiến thức của con thu nhặt được thì hãy quên mảnh bằng đó đi, vì kiến thức đã sống trong tim óc con  rồi và hãy mang kiến thức đó vận dụng vào đời sống. Con mang khối năng lực đó về Việt Nam để tham gia vào một công ty tư nhân hoặc tự mình mở một công ty và dẫn dắt theo bao nhiêu người làm việc khác. Với kiến thức gặt hái được, con tạo ra một cái gì đó mới mẽ để góp phần thay đổi xã hội bây giờ. Hãy nhớ rằng tài năng và sự cống hiến của con  không phụ thuộc vào những gì con đã học được. Kiến thức học chỉ làm tăng năng lực thể hiện của con mà thôi. Xung quanh đây có không ít người học hành rất ít nhưng lại có khả năng làm chủ những công ty làm ăn phát đạt, tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích… Chính những “đầu ra” đó mới nói lên được giá trị thật sự của con. Mặt khác, chuyện về hay ở không quan trọng. Có khi con ở lại nước Mỹ mà con lại có tác động nào đó làm thay đổi xã hội Việt Nam. Vậy thì tại sao con không ở lại?

Đến đây, có lẽ con đã hiểu ý cha, du học chỉ mới là một giai đoạn đầu tư ban đầu cho bản thân con trên đường đời. Du học là một sự đầu tư lớn, rút gần cạn năng lượng của ba mẹ. Vậy thì con làm sao cho xứng đáng với sự đầu tư đó. Con làm gì được cho xã hội với sự đầu tư đó. Đó mới là mục tiêu cuối cùng.

Tin bài liên quan:

VNTB- Kết luận ‘thủy triều đỏ’: Xem thường dân trí VN và sỉ nhục các nhà khoa học

Phan Thanh Hung

VNTB – Xã hội Việt Nam: Từ xói mòn niềm tin đến xuống cấp đạo đức

Phan Thanh Hung

VNTB- Xóa lịch sử chiến tranh biên giới 1979: Sự mang ơn ngu muội

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.