Ngọc Lan
(VNTB) – Lưu chuyển hàng hóa và phân phối hàng hóa ở hiện tại dường như là phiên bản Covid-2021 cho những gì từng xảy ra ở miền Nam sau tháng 4-1975.
Thời bao cấp diễn ra từ khoảng giữa năm 1975 đến 1986, là một giai đoạn lịch sử đặc biệt đã ghi dấu vào tâm trí của hàng triệu người dân miền Nam Việt Nam.
Bộ đội không được mua giường đôi!
Sở dĩ giới hạn vùng – miền, vì ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã thi hành chính sách này từ năm 1954.
Câu chuyện tiếp theo đây được một cựu chiến binh ở Hà Nội kể lại như một hoài niệm của… đêm tân hôn: Thời bao cấp, hàng hóa hiếm hoi nên chuyện bán phân phối cho đối tượng nào được quy định cụ thể cho từng mặt hàng, từng loại phiếu.
Ngoài tem phiếu và bìa mua hàng gia đình, ngay đến tờ đăng ký kết hôn cũng trở thành tem phiếu, vì nhờ nó mà cô dâu chú rể có thể mua bánh kẹo, thuốc lá, màn chiếu…
Vào năm 1970, chúng tôi đăng ký kết hôn. Tôi cùng vợ hăm hở đi sắm giường đôi ở Bách hoá tổng hợp Bờ Hồ. Vừa chìa giấy đăng ký thì cô mậu dịch dội cho gáo nước lạnh:
– Bộ đội không được mua giường đôi!
Tôi bực lắm, thắc mắc:
– Thế bộ đội cưới thì không được ngủ chung hay sao mà không được mua giường đôi?
– Tôi chỉ làm theo lệnh.
Nói rồi cô mậu dịch chìa cho chúng tôi đọc qui định: Giường đôi bán theo giấy đăng ký kết hôn của cán bộ công nhân viên chức.
Hồi ấy, mọi người không có quan niệm bộ đội là một lực lượng khối hành chính sự nghiệp. Bộ đội là đi đánh nhau, một lực lượng không biết ghép vào tiêu chuẩn nào. Sau một hồi hết năn nỉ rồi đến xẵng giọng, hai chúng tôi vẫn không đạt được mục đích của mình. Cuối cùng, cô mậu dịch cũng tỏ ra thông cảm, nói:
– Bây giờ anh chị đến gặp đồng chí giám đốc Sở Thương nghiệp, nếu đồng chí giám đốc đồng ý thì đến đây tôi bán cho.
Hai chúng tôi đạp xe lóc cóc đến Sở Thương nghiệp, theo chỉ dẫn vào phòng giám đốc trình bày lý do. Bà giám đốc gật gù thông cảm rồi viết mấy chữ đề nghị cửa hàng giải quyết bán giường đôi theo giấy đăng ký kết hôn này.
Để chắc ăn, đỡ phải đi lại nhiều lần, tôi đề nghị đồng chí giám đốc cộp cho con dấu đỏ. Nguyện vọng của chúng tôi có một chiếc giường đôi ngày cưới phải thực hiện vất vả như vậy đó…
Vì sao người miền Nam khó quên?
Trước tháng 4-1975, người từ bờ Nam Bến Hải trở vào đến mũi Cà Mau cũng sống trong cảnh hằm hè đạn bom của cuộc nội chiến, nhưng hàng hóa không bị ách tắc, giới hạn cung – cầu như tình cảnh của người Việt đang sống ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Cứ nhìn vào khả năng đáp ứng cung – cầu thị trường của Vissan hiện tại là có thể hình dung ra vào năm 1963, khi đây là cơ sở chế biến súc sản quy mô số 1 Đông Nam Á thì đủ biết trên bàn ăn người Miền Nam thịt, cá ê hề thế nào.
Miền Nam có khu công nghiệp Biên Hòa từ năm 1963 nên hàng hóa như dược phẩm, mỹ phẩm, vải vóc, các loại máy móc, kể cả xe hơi cũng không lạ lẫm gì với dân chúng.
Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, thì người dân làm chỉ một vụ là đủ sống dư dả cả năm.
Thế nhưng mọi chuyện không còn nữa sau tháng tư, 1975. Từ lúc đó, người ta chỉ có thể đổi được hàng hóa khi có được tờ tem phiếu trong tay. Ngay cả khi có tem phiếu, cũng chưa chắc có thể có được món hàng hóa mình muốn. Bởi trước khi được gặp các “mậu dịch viên” – những người chuyên phân phát sản phẩm, lương thực ngày trước – người ta sẽ phải bỏ thời gian đứng xếp hàng. Nếu chẳng may đến lượt mình mà hàng hóa vừa kịp hết thì cũng chẳng thể làm gì hơn ngoài việc quay lại vào hôm sau và lại tiếp tục… xếp hàng.
Ngoài lương thực và thực phẩm, dân chúng sẽ còn được phát một ít vải để may tầm 2 – 3 bộ quần áo trong một năm (tầm 5 – 7 thước vải). Do đó, chuyện mặc quần cụt, áo vá và co ro khi gió lùa về cũng là điều gì đó hết sức bình thường với người thời này.
Có thể nói đây là “giai đoạn thất bại và tù đọng nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ 20”, khi cả hai nhu cầu cơ bản nhất của con người là “ăn no mặc ấm” mà chính quyền cũng không cách nào đáp ứng được.
Người miền Nam ngày trước vốn quen với nền kinh tế tự do và cuộc sống có thể gọi là đủ đầy. Ấy vậy mà đột ngột sau giải phỏng, mọi thứ chợt sụp đổ tan tành. Cái đói, cái khát cộng hưởng cùng cái khổ thiếu thốn vật chất kéo dài triền miên từ tháng 4-1975 mới thật sự kết thúc khiến con người bỗng trở nên hoảng loạn và chừng như muốn gục ngã.
Quản trị kinh tế bằng ý chí chính trị?
Giờ là tháng 7-2021.
Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 1-2007. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2019 đối với Việt Nam. Ngày 1-8-2020, EVFTA (hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam) chính thức có hiệu lực…
Như vậy sẽ thật khó hiểu với những gì đang diễn ra về lưu thông hàng hóa liên tục bị ách tắc trong bối cảnh dịch giã kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay.
Tại thị trường TP.HCM, một số doanh nghiệp sản xuất cho biết việc vận chuyển, phân phối hàng hóa từ siêu thị đến người tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù những quan chức ngành công thương của thành phố này đã thống nhất với các sở, ngành liên quan về thủ tục nhận diện tài xế chở hàng (shipper), nhưng thực tế thì nhiều shipper vẫn bị các chốt kiểm soát chặn, thậm chí xử phạt vì di chuyển ra khỏi địa bàn phường, quận hoặc vì “vận chuyển hàng hóa không thiết yếu”.
“Việc đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu mua sắm hàng thiết yếu của người dân trong bối cảnh mọi người hạn chế ra đường trở thành thách thức rất lớn đối với các siêu thị” – đại diện Aeon Việt Nam phản ánh.
Phía Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận với lời lẽ ‘giảm khinh’, rằng thời gian qua, cơ quan kiểm soát một số nơi đánh giá hàng thiết yếu tập trung vào lương thực thực phẩm, nên một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đối với cá nhân có thể chưa được tạo thuận lợi trong việc vận chuyển.
Tuy nhiên theo quan sát thì lỗi về phân phối, khả năng xuất phát từ suy nghĩ và những phát ngôn thể “mệnh lệnh cách” từ phía quan chức cấp cao ở Thành ủy TP.HCM, khi báo chí liên tục đưa tin rằng, “ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, nhìn nhận đến thời điểm này, TP.HCM bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, thành phố không chủ quan mà phải tiếp tục đưa hàng về tận xã, phường, thị trấn.
“Chúng tôi đang thiết kế theo hướng mỗi xã, phường có bao nhiêu cư dân, nhu cầu hàng thiết yếu ra sao, hiện trạng cung ứng hàng hiện tại có đáp ứng được hay không; nếu chưa đáp ứng đủ thì bổ sung nguồn hàng, các điểm cung ứng hàng để bảo đảm nhu cầu mua hàng của người dân với phương thức đặt hàng online ngày hôm trước – hôm sau có, mua hàng cho 3 ngày hoặc 1 tuần, các hình thức đi chợ thay…”.
Trên thực tế thì ông phó bí thư thường trực đã quên mất một điều kiện tiên quyết trong hoạt động lưu thông hàng hóa, đó là nguồn tài chính tương ứng để người dân có thể mua món hàng nào đó, và khả năng ‘mua dự trữ’ của họ ra sao khi liên tục giãn cách, dừng hầu hết mọi mưu sinh của dân chúng.
Dĩ nhiên là khi ‘ngăn sông – cấm chợ’, rồi yêu cầu ‘xét nghiệm âm tính’, tất cả đều tính vào giá thành nên ‘đội giá’ khi đến tay người tiêu dùng là dễ hiểu.
Những con số thay cho câu trả lời: lỗi ở cán bộ thừa hành hay quan trên kém trí?
Ngày 28-7, ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai thông tin, giá gà công nghiệp lông trắng theo các báo cáo của doanh nghiệp và địa phương trong buổi làm việc với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 9.000 – 10.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, đến sáng 28-7, bán giá 6.000 – 7.000 đồng/kg cũng không ai mua trong khi chi phí nuôi loại gà này đến nay là 28.000 – 29.000 đồng/kg. “Giá bán chỉ bằng 1/5 giá vốn. Nói rõ ra là giờ bán cho được 2 con gà may ra mua được bó rau muống”, ông Quyết so sánh.
Cũng trong ngày 28-7, nhà máy giết mổ gia cầm Phạm Tôn ở Bình Dương cũng tạm ngưng hoạt động do có ca F0 trong nhà máy. Nhà máy này khi chưa ngưng hoạt động, công suất giết mổ gia cầm mỗi đêm cũng khoảng 40.000 con.
Tại Long An, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, 9/10 cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn tỉnh đã đóng cửa. Chỉ còn lại cơ sở của Công ty San Hà hoạt động nhưng công suất cũng giảm khoảng 2/3 so với trước.
Bên cạnh đó, các cơ sở giết mổ heo, trâu bò đều giảm công suất xuống chỉ còn 10 – 20% so với trước dịch. Ở thời điểm bình thường, phần lớn công suất của các cơ sở giết mổ này để cung ứng cho thị trường TP.HCM thông qua chợ đầu mối và các chợ truyền thống.
Việc đóng cửa các chợ đầu mối và hàng loạt chợ truyền thống khiến đầu ra của các cơ sở giết mổ tại Long An bị thu hẹp mạnh. Một số cơ sở không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”, cũng buộc phải tạm đóng cửa phòng chống dịch khiến lượng cơ sở giết mổ gia cầm, gia súc còn rất ít…