VNTB – Lỗi tư duy vì đã không ‘quán triệt’?

VNTB  – Lỗi tư duy vì đã không ‘quán triệt’?

Hà Nguyên

 

(VNTB)   – Trong các khái niệm kinh tế trên thế giới, không có khái niệm kinh tế nào phức tạp bằng khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

 

‘Pain points’ là muôn màu, muôn vẻ ở khắp các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá,… của đất nước hay đơn giản là trên cơ thể hay trong tâm hồn con người.

“Pain point” là một thuật ngữ trong marketing, có thể dịch là “điểm đau của khách hàng”. Cụm từ này dùng để ám chỉ một vấn đề dai dẳng hoặc lặp đi lặp lại thường xuyên gây bất tiện, hoặc khó chịu cho khách hàng. “Pain point” chính là những điểm yếu của khách hàng mà họ không tự mình xử lý được.

Có là nỗi đau của người đứng đầu Đảng?

Theo cách hiểu này thì “pain point” của những nhà quản lý ở Việt Nam – ngoại trừ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vì ông là người chấp bút soạn thảo, tu chỉnh và đeo đuổi cho cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì sở dĩ còn những “hạn chế, yếu kém” trong điều hành giúp đất nước phát triển, theo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13, đó là do “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở một số nội dung còn chưa thực sự sâu sắc, thống nhất, nhất là vấn đề quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, sở hữu đất đai, phân bổ nguồn lực, mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và bền vững, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân… Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, hiện đại, hội nhập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển”.

Và còn nhiều ‘pain points’ khác như quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội;… đã được nhận diện trong các kỳ đại hội đảng gần đây.

Mặc dù không có phương pháp nào tối ưu để có thể thuyết phục tất cả mọi người cùng nhìn về một hướng, nhưng nếu những nhà biên soạn văn kiện Đảng ở Đại hội 13 vừa qua thật tâm muốn tranh luận lành mạnh để tìm ra sự thật, thì nên tranh luận đa chiều theo hướng cung cấp thật nhiều thông tin như trên để Đảng, Nhà nước đưa ra những quyết sách hợp lòng dân nhất.

Khi ấy chắc mọi người ít ai quan tâm đến nhận thức mới hay cũ về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ra sao mà chỉ quan tâm đến những quyết sách cụ thể trong cuộc sống hàng ngày và những thay đổi tốt hơn trong cuộc sống của người dân. Quyết sách thì phải luôn được điều chỉnh, sửa sai nếu thực tế cuộc sống không chấp nhận. Đó mới là yếu tố quan trọng.

Thay lời kết

Có lẽ trong các khái niệm kinh tế trên thế giới, không có khái niệm kinh tế nào phức tạp bằng khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà các học giả Việt Nam miệt mài nghiên cứu ròng rã trong suốt mấy mươi năm qua.

Kết quả nghiên cứu nhiều đến mức không chỉ ‘người bình thường’, mà ngay cả người trong cuộc cũng khó có thể nói được ngắn gọn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là như thế nào. Thi thoảng, đâu đó vẫn còn nhắc lại nhận xét của ông Bùi Quang Vinh, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhân dịp ông được mời đến nói chuyện tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ông nói: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà tìm”. Và về thời gian chính thức để Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhận định: “Không biết đến hết thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

Trong nỗi niềm đó, nên nếu có trách cứ về lỗi của nhà quản lý các nhiệm kỳ chính phủ khiến ‘nước chưa giàu – dân chưa mạnh’, thì xem chừng lỗi không hẳn ở riêng họ, bởi sự lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định trong Hiến pháp 2013.

Hơn nữa, Đảng lãnh đạo chủ yếu bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước. Vậy thì khi quan chức Nhà nước “chưa thực sự sâu sắc, thống nhất” như văn kiện Đại hội Đảng XIII ‘đổ thừa’, thì trách nhiệm cao nhất phải truy cứu, đó là người đứng đầu Bộ Chính trị của Đảng.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)