Hiền Lương
(VNTB) – Đã có luật về đấu thầu, lại phải cần có Thanh tra nhà nước, Bộ Công an giám sát, xử lý sai phạm
Trên cương vị là Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, trong cuộc họp vào chiều ngày 17-9-2022, ông Phạm Minh Chính yêu cầu các ban quản lý dự án tổ chức đấu thầu, chọn nhà thầu công khai, minh bạch, tránh tình trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”, bán thầu, chia cắt dự án.
“Bộ Công an, cơ quan thanh tra đi kiểm tra, xử lý nghiêm theo pháp luật sai phạm trong đấu thầu. Đối với các dự án hợp tác công – tư (PPP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương, chọn những nhà đầu tư có năng lực, làm đúng quy định, pháp luật của nhà nước, tránh tình trạng “giấy tờ lòng vòng”, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình. Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an vào cuộc giám sát, xử lý các sai phạm nếu có” – ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh như vậy.
Có một thắc mắc là vì sao pháp luật về đấu thầu đã có, tại sao không theo hành lang luật định mà làm, cần gì đến hăm he đưa lực lượng Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an vào đây?
Khoản 3 Điều 89 Luật đấu thầu năm 2013 quy định những hành vi thông thầu bao gồm: Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu; Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu; Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.
Ngoài ra, nếu hành vi thông thầu còn bao gồm những hành vi gian lận thầu như sau: Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào; Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật đấu thầu 2013, đối với cá nhân, tổ chức có vi phạm về đấu thầu sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý vi phạm như sau:
Thứ nhất: Cảnh cáo, phạt tiền được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Thứ hai: Cấm tham gia hoạt động đấu thầu được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều 89 của Luật Đấu thầu 2013 và Khoản 8 Điều 12 của Nghị định 63/2014/NĐ – CP.
Thứ ba: Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu mà cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật về hình sự.
Ngoài ra đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Như vậy với lời kêu gọi “tránh tình trạng thông thầu, quân xanh, quân đỏ, bán thầu, chia cắt dự án” của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho thấy cần xem lại từ vai trò lập pháp của Quốc hội qua chuyện xây dựng luật, cho đến hành pháp từ các bộ ngành liên quan, và tư pháp cho xử trí các vấn đề dấu hiệu vi phạm.
1 comment
Thanh tra đi kiếm chác…phong bì!