Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luật Đất đai 2013: sửa hay ‘xóa’ để làm luật mới?

Loan Thảo

 

(VNTB) – Thay vì ‘chắp vá’, cần mạnh dạn thực hiện một dự án luật về đất đai, và được cơ quan lập pháp chấp bút soạn thảo.

 

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành một Nghị quyết có nội dung điều chỉnh về một điều luật của Luật Đất đai 2013. Có ý kiến là thay vì ‘chắp vá’ để sửa, cần ‘xóa’ để làm một luật đất đai với tư duy cởi mở hơn về quyền sở hữu.

Luật Đất đai hiện đã trải qua 05 sửa đổi: Luật đầu tiên được ban vào vào năm 1987 và có hiệu lực từ ngày 08/01/1988 với 06 chương, 57 điều. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14/7/1993 ban hành ngày 14/7/1993 với bảy chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15/10/1993.

Năm 2003, Luật Đất đai lại được sửa đổi, bổ sung với 07 chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, có hiệu lực từ ngày 01/7/2014 và hiện đang được lấy ý kiến để tiếp tục sửa đổi bổ sung. Dự kiến, dự thảo Luật lần này sẽ được trình Quốc hội vào năm 2023.

Tuy nhiên có ý kiến, việc sửa đổi, bổ sung càng sửa sẽ càng sai, do vậy nên xây dựng luật đất đai mới với tiêu chí đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và thống nhất. Việc xây dựng luật nên giao cho cơ quan lập pháp xây dựng chứ không nên giao cơ quan hành pháp, vì nếu cơ quan hành pháp xây dựng sẽ gây ra tình trạng làm có lợi cho mình.

Thực trạng hiện nay là việc lấy ý kiến của người dân về quản lý đất đai vẫn còn mang tính hình thức. Có những dự án cơ quan quản lý nhà nước quyết như mình là chủ sở hữu đất. Trước đây khuyến khích việc thỏa thuận giữa chủ đầu tư với người dân trong việc đền bù thu hồi đất. Tuy nhiên, từ năm 2003 nguyên tắc thị trường có vẻ đang xa rời. Hiện nay, các cơ quan quản lý đang sử dụng biện pháp hành chính để thu hồi đất mà không để chủ đầu tư và người dân tự thỏa thuận, điều này làm mất đi sự năng động của cơ chế cơ chế thị trường.

Ông Phạm Duy Nghĩa, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng loạt vấn đề sau đây cần được có câu trả lời phù hợp với hiện tình Việt Nam hôm nay:

Nhà nước vẫn bảo lưu những quyền can thiệp mạnh mẽ vào quá trình sử dụng đất. Luật Đất đai năm 2003 ghi nhận 06 quyền định đoạt của Nhà nước đối với đất đai, bao gồm: ấn định mục đích sử dụng cho các ô, thửa đất thông qua quy hoạch; quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất; quyết định giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất đã giao hoặc cho thuê; ấn định các hạn chế về thời gian và hạn mức đối với việc giao đất hoặc cho thuê đất; định giá đất.

Luật Đất đai năm 2013 tiếp tục ghi nhận lại các quyền này. Nếu các hành vi can thiệp này không bị giám sát chặt chẽ, quy hoạch treo, quyết định thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng là những hành vi hành chính ngay lập tức có thể tác động đáng kể đến địa tô và các giao dịch nhà đất liên quan.

Đúng là quyền sở hữu đất đai ở quốc gia nào cũng không thể tuyệt đối, nhưng sự can thiệp của nhà nước vào quyền sở hữu này phải minh bạch, có thể tiên liệu được, dự báo trước được, và phải bị giám sát chặt chẽ.

Ở Việt Nam, Nhà nước có quyền định đoạt cuối cùng đối với đất đai và Nhà nước có quyền buộc các chủ sử dụng đất có nghĩa vụ chấp hành các mệnh lệnh thu hồi đất.

Trong ngôn ngữ hành chính xuất hiện cách dùng từ xem thường người sử dụng đất hiện hữu, ví dụ “thu hồi đất, giải tỏa mặt bằng, cưỡng chế”, tựa như họ là chướng ngại vật của các dự án phát triển đất đai.

Thiếu một quan niệm sở hữu tư nhân mạch lạc về đất đai đã tạo cho Nhà nước một quyền định đoạt đáng kể. Nguồn gốc của mọi bất công về phúc lợi trong khai thác và hưởng dụng đất trong ba chục năm qua, suy cho cùng, đã bắt đầu từ quyền tài sản dễ bị tổn thương của người dân, nhất là nông dân với đất nông nghiệp, và quyền lực chưa bị kiểm soát một cách chặt chẽ của nhà nước khi Nhà nước tiến hành phân phối đất đai thông qua các mệnh lệnh hành chính.

Như vậy, chỉ mới xét riêng loạt vấn đề ở trên cho thấy thay vì ‘chắp vá’, cần mạnh dạn thực hiện một dự án luật về đất đai, và được cơ quan lập pháp chấp bút soạn thảo.


Tin bài liên quan:

VNTB – Có thiệt là muốn nghe ý kiến của dân không?

Do Van Tien

VNTB – Cần gọi đúng tên “Tự trị đại học”

Phan Thanh Hung

Chuyển đổi sân Golf Phan Thiết có đúng quy định pháp luật không? ( Bài 1 -2)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo