Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luật đất đai đang chính trị hóa về quan hệ dân sự?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Bộ trưởng Tư pháp, ông Lê Thành Long, nói rằng sở dĩ chưa nên sửa đổi luật đất đai trong lúc này, vì chờ đợi quyết sách ở nhiệm kỳ mới của Đảng sẽ bắt đầu từ quý 1/2021.

Sở hữu đất đai là một khái niệm chính trị?

“Theo Chính phủ, với tính chất quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, Luật đất đai tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật này tại thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp sẽ có tác động lớn đến ổn định chính trị – xã hội, không loại trừ khả năng các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm cho khiếu kiện gia tăng.

Hơn nữa, sau Đại hội Đảng XIII, nghị quyết mới sẽ được ban hành. Đây là nghị quyết mang tính chiến lược, toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai”. Ông Lê Thành Long, giải thích.

Với lo ngại ‘thế lực thù địch lợi dụng’, cho thấy cách hiểu trong làm luật đất đai ở Việt Nam là nhằm đáp ứng cho những nhiệm vụ chính trị, với các yêu cầu cụ thể ở từng giai đoạn mà đảng chính trị đưa ra.

Trước tiên, “sở hữu toàn dân” về đất đai trên hết là một khái niệm chính trị. Khái niệm này rất khó dùng như một định nghĩa pháp lý trong điều chỉnh pháp luật, và các giao dịch luật pháp. Thông qua những thủ thuật rắc rối, ví dụ đưa ra các thuật ngữ rất khó phân tách như chế độ sở hữu và hình thức sở hữu, Bộ Luật dân sự của Việt Nam trên thực tế tìm cách làm mờ dần “chế độ sở hữu toàn dân”, biến nó thành khái niệm chung, rồi từ đó cụ thể hóa dần qua các đạo luật và văn bản dưới luật.

Các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân, được điều 197 Bộ Luật dân sự năm 2015 định nghĩa là “tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Đan xen lợi ích để nhằm gia tăng lợi nhuận?

Luật đất đai hiện hành xác định cụ thể 3 cơ chế thu hồi đất: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; và thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư.

Có thể dẫn chứng ba sự kiện thời sự để dễ hình dung: vụ đất đai xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là câu chuyện của thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, và sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư – ở đây là một tập đoàn của quân đội.

Vụ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm ở quận 2, TP.HCM là nhằm đến phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, đan xen với các dự án của chủ đầu tư thuần túy kinh doanh lợi nhuận. Lý do “lợi ích công cộng” là giải thích trong san bằng nhà cửa, đất đai ở khu vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, TP.HCM. Ở đây cũng đan xen là dự án bất động sản ‘đi kèm’ của chủ dự án.

Trên thực tế thì dù cơ chế nào, tất cả đều là lằn ranh chồng lấn nhau của việc nhân danh các lợi ích để tìm mọi cách giảm thấp nhất số tiền sẽ xuất chi, gọi là ‘đền bù thu hồi đất’ của dân chúng.

Việc chồng lấn nhau này còn xuất phát từ thực tế đất công ở Việt Nam không có chủ rõ ràng. Gọi là không có chủ rõ ràng, vì bờ biển, các nguồn nước của Việt Nam hiện đã bị chia cắt bởi vô số các tổ chức và doanh nghiệp, được khai thác vì lợi ích các tổ chức ấy; có nghĩa là vì lợi ích của nhóm quyền lực chính trị nào đó trong bộ máy công quyền.

Vì sao không là thuận mua, vừa bán?

Một nguyên nhân có lẽ là cốt lõi cho mọi vấn đề liên quan đến người dân trong quyền tư hữu đất đai, đó là khi nhân danh lợi ích quốc gia, tại sao không trưng thu, trưng mua, mà lại ban hành quyết định thu hồi như hành vi ép buộc với sức mạnh đe dọa của công quyền?.

Đơn cử, khi ban hành quyết định thu hồi đất nông nghiệp, thì nhà nước chỉ đền bù bằng giá trị sản lượng lúa thu hoạch trong 4 năm. Trong khi hạn điền lại quy định 20 năm cho người dân. Rõ ràng, 16 năm tiếp theo người nông dân đó bị mất thu nhập.

Luật dân sự ở Việt Nam có nhấn mạnh đến quyền sử dụng đất. Vậy thì tài sản người ta tạo lập trên đó là của từng cá nhân, tài sản được hiến pháp bảo vệ, nên làm sao lại có kiểu thu hồi nhà – đất của người ta được?.

Tìm hiểu các nội dung luật tương tự về quyền tư hữu đất đai của người dân, cả thế giới dường như chỉ mỗi Việt Nam sử dụng mệnh lệnh mang tính bắt buộc là thu hồi đất. Ở Trung Quốc, hiện áp dụng phương thức trưng mua, chứ không ‘thu hồi’ như Việt Nam.

Nói thêm, ngay cả biện pháp trưng thu cũng là hình thức được coi là chẳng khác mấy với cưỡng chế người dân phải từ bỏ quyền sở hữu tài sản đất đai, nên rất ít quốc gia sử dụng, mà để thị trường tự quyết định. Nhà nước đứng vai trò trung gian, không phải là người đứng ra thu hồi.

Thuận mua, vừa bán là một nguyên tắc của công bằng. Sử dụng sức mạnh của quyền lực chính trị để can thiệp vào các quan hệ dân sự, vào những nội dung luật pháp, tiếc thay, lại phổ biến lâu nay ở Việt Nam. Chính lẽ đó nên khó trách lo ngại của bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long: “Việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật này tại thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp sẽ có tác động lớn đến ổn định chính trị – xã hội, không loại trừ khả năng các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm cho khiếu kiện gia tăng”.

Tin bài liên quan:

VNTB – Hồ sơ: Ổ tham nhũng ở Bộ Y tế Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì nghèo nên chấp nhận làm khủng bố để kiếm miếng ăn?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hãng xe Thành Bưởi được chống lưng?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo