VNTB – Quy hoạch đất đai chịu sự chi phối lợi ích nhóm quyền lực chính trị?

VNTB – Quy hoạch đất đai chịu sự chi phối lợi ích nhóm quyền lực chính trị?

Triệu Tử Long

(VNTB) – Hầu hết các vụ thưa kiện liên quan đến đất đai, đến từ việc quy hoạch đều có các ‘bị đơn’ là những thế lực chính trị mà người ta hay gọi đó là ‘nhóm lợi ích’.

Về nguyên tắc, việc quy hoạch phải lấy ý kiến nhân dân trong Luật Quy hoạch đô thị đã quy định. Nhưng nhân dân có hàng nghìn hàng vạn người, nên những ý kiến đó đã phải là đại diện nhân dân chưa, tất nhiên vẫn phải chú ý xem xét cẩn trọng. Lẽ đó nên việc lấy ý kiến cũng phải là những ý kiến có tính nghiệp vụ cao. Ví dụ hỏi công chức nhà nước có ý kiến khác, người buôn thúng bán mẹt ý kiến khác.

Và ngay cả khi quy hoạch có sự tham gia của những tổ chức điều tra xã hội học độc lập đi chăng nữa, thì nếu có một nhóm cư dân nào đó phản đối, việc phân xử ở đây phải là sự trung lập của cơ quan tòa án, chứ không phải là mệnh lệnh hành chính mang tính ép buộc từ chính quyền.

Ở đây lại có một đe dọa của điều luật hình sự số 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Sở dĩ gọi là đe dọa vì nếu có nhóm cư dân nào đó kiên quyết phản đối về một dự án quy hoạch nào đó, thì rất có thể những biện chứng để phản đối mà người dân đưa ra, sẽ dễ bị hiểu theo cách của hình sự hóa về hành vi của “chống Nhà nước”.

Một dẫn chứng. Trong vụ nhà chức trách đã dùng vũ lực để san bằng nhà cửa, đất đai đang canh tác ở khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM, và rồi sau đó nhà chức trách cho cắm tấm bảng lớn trên phần đất cưỡng chế đó, thông báo rằng đây là dự án quy hoạch làm trường học theo chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên khi tra cứu lại toàn bộ dữ kiện về dự án quy hoạch làm trường học trên khu đất vườn rau Lộc Hưng, người ta không thấy các trình tự về lấy ý kiến nhân dân mà Luật Quy hoạch đô thị đã quy định.

Tình huống sau khi ‘giải tỏa trắng’, và bất đầu tổ chức lấy ý kiến nhân dân cho quy hoạch nơi đây làm dự án trường học theo chuẩn quốc gia, chắc chắn sẽ thu nhận ý kiến chung là không phù hợp, vì mật độ các trường học quanh khu vực này đã nhiều, mật độ xe cộ lưu thông đông đúc, do đó nếu lại có trường học tiếp tục xây cất mới ở đây sẽ là mất quân bình về nhu cầu học sinh tính trên bình quân dân số địa phương.

Rất nhanh sau đó, viện dẫn là ý kiến thu thập chung cho kết quả cần thay đổi nội dung dự án.

Trước khi có Luật Quy hoạch đô thị, những kịch bản thay đổi tương tự đã xảy ra ở dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM.

Vấn đề khác ở đây là quyền tiếp cận thông tin của người dân trong vấn đề quy hoạch. Quyền này rõ ràng khi mang so với nhóm quyền lực chính trị đang muốn nhắm đến thao túng các dự án quy hoạch, cho thấy một lần nữa là không có chế định nào để bảo vệ người dân, và đe dọa của lưỡi gươm Damocles tiếp tục lơ lửng, mà điều khoản 117 của Bộ luật hình sự là ví dụ. Đây cũng chính là một trong những nguyên do đưa đến các bi kịch tái diễn của vụ án đồng Nọc Nạng thời nay; có khác chăng là những nông dân luôn thua, chứ không thể thắng như Tòa Đại hình Cần Thơ đã tuyên cho gia đình người nông dân nhà Biện Toại vào ngày 17-8-1928.

Lẽ ấy nên không quá lời khi nhận xét rằng trong không ít trường hợp, quy hoạch đất đai chịu sự chi phối lợi ích nhóm quyền lực chính trị. Vạ lây ở đây là khi sự phẫn uất lên mức cùng cực, người dân sẳn sàng ‘thí mạng cùi’ để chống lại cả Nhà nước và đảng cộng sản, vì họ cho rằng đây là những ‘bề trên’ dung túng cho các nhóm lợi ích – nói như ví von của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là ‘ăn quá dày’ (!?).

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)