Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luật nghĩa vụ quân sự VN: Tham nhũng và bất công

Xuân Mai (VNTB) – Mỗi tư lệnh và quan chức của các quân khu có điều kiện để tham nhũng ngân sách ít nhất ba lần.
Tham nhũng và bất công có ở mọi lĩnh vực trên đất nước Việt Nam, có lẽ không một đất nước nào như vậy. Việc xác định ngành nào tham nhũng và bất công nhiều, ngành nào ít là điều khó khăn vì cơ chế quản lý không minh bạch.

Có một nơi mà cơ quan công an và cơ quan chống tham nhũng  không thể tiếp cận, đó là quân đội. Không thể định lượng tiêu cực nhưng vẫn có thể định tính nhờ thông tin từ chính những người cựu quân nhân xuất ngũ. Người ta ăn của những người lính nghĩa vụ còn trẻ măng không trừ một chỗ nào. Người ta cũng nói rằng hòa giải dân tộc, bình đẳng Bắc – Nam nhưng rõ ràng nói không đi đôi với làm.
Phân biệt đối xử quân nhân Bắc, Nam

Chiến tranh đã đi qua và để lại nhiều dấu chấm hỏi chưa có câu trả lời cho đến tận bây giờ. Phân biệt đối xử Bắc – Nam vẫn còn là luật ngầm bất di bất dịch của cuộc chiến quyền lực. Hầu như không có cửa thăng quân hàm đối với quân nhân miền Nam, cho dù anh ta không thua kém gì người đồng đội miền Bắc.

Hai năm trước mơ mộng nhiều bao nhiêu thì hai năm sau lại thất vọng bấy nhiêu, đó là tâm lý chung của người lính hoàn thành khóa nghĩa vụ

Kết thúc thời gian đi lính nghĩa vụ, các chỉ huy miền Bắc hứa hẹn với binh nhì miền Nam đủ mọi thứ tốt đẹp trên đời, rằng hãy đi bộ đội chuyên nghiệp và đường tương lai của cậu sẽ rộng mở. Một vài cậu lính tin vào tình đồng chí, tin vào chân lý xã hội chủ nghĩa nên đăng ký gia hạn với Bộ Tư Lệnh. Anh ta phấn đấu không biết mệt mỏi, làm gì cũng hăng hái gấp ba, bốn lần những người lính đợt liền trước và những người lính đợt liền sau. Kết quả thì sao? Anh ta không có ô dù nên không được thăng chức, mãi mãi làm anh lính quèn.

Cũng có một số người nói giọng miền Tây lên được chức Đại úy, nhưng số này là rất nhỏ, những cấp hàm trên Đại úy dường như tuyệt đối là người nói giọng miền Bắc, hoặc con cháu sĩ quan miền Bắc. Nạn con ông cháu cha và phân biệt đối xử này đã hoành hành lâu năm trong quân đội Việt Nam và vùi dập biết bao nhiêu quân nhân có hoài bão.
Hai năm trước mơ mộng nhiều bao nhiêu thì hai năm sau lại thất vọng bấy nhiêu, đó là tâm lý chung của người lính hoàn thành khóa nghĩa vụ. Anh ta muốn nói những điều bất công cho người lính đàn em mới nhập ngũ được biết. Đó cũng là một điều khó khăn. Tiểu đội trưởng của mỗi tiểu đội luôn luôn đi cùng cả nhóm, kể cả lúc đi uống trà đá. Nhiệm vụ của người này là hạn chế tối đa không để cho lính cũ nói chuyện với lính mới. Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, tin tức phát ra thông qua những thứ hữu hình nhưng bản thân nó thì vô hình. Những câu chuyện bức xúc về đời lính nghĩa vụ vẫn tuồn được ra ngoài cuộc sống dân sự. Những người có đầu óc phản biện nhờ đó từ chối đăng ký bộ đội chuyên nghiệp, dẫn đến việc quân đội chỉ còn toàn những người bảo gì nghe nấy và không có chút sáng tạo nào.

Lạm quyền là điều chắc chắn xảy ra ở mọi tổ chức công lập trên đất nước. Quân đội cũng vậy, bằng chứng là các tiểu đội trưởng đối xử với cấp dưới hết sức vô văn hóa, đến mức cấp cao cũng không quản được, trên bảo dưới không nghe. Nước Mỹ tuyển quân với điều kiện tiên quyết là đã có bằng đại học, Việt Nam tuyển quân chủ yếu  những thanh niên thi trượt đại học, số này do đó thường dở thói tiểu nhân thị oai. Khi xuất hiện một cấp dưới không chịu thói ứng xử tùy tiện và có phản ứng, các tiểu đội trưởng sẽ trả thù hết sức hèn hạ. Có khi tiểu đội trưởng nhảy vào bạt tai binh nhì, có khi thì cùng mấy người nữa đánh hội đồng một người. Người bất tuân nhưng khôn ngoan, anh tiểu đội trưởng không thể đánh được thì lại hành hạ bằng cách sai vặt, không thể không tuân theo. Muốn được yên thân thì người lính phải vâng dạ cho qua chuyện, hoặc cố tình ỳ lầy ra đó, có bị quát mắng gì thì bảo là em sẽ sửa, em sẽ sửa… nhưng không bao giờ sửa. Vì những điều trên, câu nói bấy lâu nay lưu truyền ở nơi vũ trang là hoàn toàn có cơ sở: Lính lầy là lính sướng, lính bướng là lính khổ.

Có thể kết luận rằng, văn hóa đối xử ở tầng dưới quân đội Việt Nam rất kém, sau bao nhiêu năm vẫn cứ “lính buổi mai cai lính buổi chiều”, sống theo thứ bậc chứ không phải theo năng lực. 
Ai đã tham nhũng lương nghĩa vụ quân sự?
Theo luật, sau khi kết thúc khóa nghĩa vụ quân sự 18 tháng, mỗi người lính sẽ được cấp 15 triệu VNĐ. 15 triệu này từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Đây là điều khiến nhiều tướng lĩnh quân đội có tư tưởng rất bức xúc.

Về lâu dài, quân đội của bất kỳ nước nào cũng sẽ tiến tới cách tổ chức chuyên nghiệp hóa như quân đội Mỹ. Nhà nước Hợp Chủng Quốc chỉ tài trợ cho nền quốc phòng chi phí làm súng đạn và chiến hạm, cắt giảm tài trợ tiền cơm gạo nuôi quân, còn chính quân đội phải trả lương cho người lính. Ngược lại, quân đội Việt Nam đã xin tiền nhà nước hai lần, một lần là tiền cơm gạo, lần thứ hai là tiền lương của lính, 15 triệu đó đáng lẽ ra chính quân đội phải rút hầu bao chứ không được xin thêm từ ngân sách. Về nghịch lý này, những tiếng nói phản biện Việt Nam chỉ đến từ các sĩ quan về hưu, còn lại những người đang đương chức vì có nhiều đặc quyền đặc lợi nên phải làm ngơ trước một cơ chế rút ruột ngân sách hết sức tinh vi và phản tiến hóa.

Thứ hai, 15 triệu VNĐ lương nghĩa vụ đến tay người lính nhưng họ cũng không được toàn quyền sử dụng. Sở dĩ như vậy là vì người lính nghĩa vụ quân sự trước khi nhập ngũ đa phần chỉ có trình độ THPT (người có trình độ đại học sẽ chạy chọt để trốn nghĩa vụ). Sau khi xuất ngũ họ cũng phải đi học nghề hầu mưu sinh. Các quân khu mở các trường dạy nghề lái xe và nghề bảo vệ, hầu như chỉ tuyển sinh lính đi nghĩa vụ quân sự về tới học. Kỳ thi kết thúc khóa học nghề là kỳ thi biết trước kết quả, chắc chắn người lính cũ sẽ đỗ vì anh ta đã nộp 7 triệu cho trường nghề của quân khu, tức là 1/2 lương nghĩa vụ. Giám đốc trường nghề và tư lệnh quân khu chắc chắn sẽ là những người có lợi nhất với một luật  chơi do chính họ tạo ra và làm trọng tài.

Tóm lại, mỗi tư lệnh và quan chức của các quân khu có điều kiện để tham nhũng ngân sách ít nhất ba lần. Liệu họ có thể trong sạch được không? Câu trả lời là không thể, vì không ai quản lý họ bằng luật. Với mỗi cái tên ghi thêm vào sổ, quân khu lại có thêm tiền. Điều này giải thích vì sao Việt Nam lại phong tướng quân đội tràn lan, vì sao lại tuyển quân ồ ạt và vì sao các sĩ quan cấp cao của quân đội lại ít viết hồi ký.
Bất kỳ đất nước nào cũng vậy, những người  lính luôn sẵn sàng hi sinh mạng sống để đối lấy tấm huy chương. Vậy mà ở Việt Nam, các nhóm lợi ích cứ duy trì mãi những bộ luật bất thành văn mang tính phân biệt đối xử Nam – Bắc, đồng thời duy trì một cơ chế để tham nhũng lâu dài. Vì cơ chế này, những thứ mà nước ngoài công khai thì đối với quân nhân Việt Nam lại là bí mật quân sự.

Thử hỏi ngay cả quân đội còn thiếu công bằng và thiếu minh bạch như vậy thì xã hội có nơi nào, lĩnh vực nào có thể tiến tới chất lượng quốc tế? Đây lại là một vấn đề khi và chỉ khi xuất hiện một thủ lĩnh quân đội dám nghĩ dám làm. Trung Quốc đã có những sĩ quan dũng cảm như vậy cho nên Tập Cận Bình mới có thể đả hổ diệt ruồi thành công. Dần dần quân đội Trung Hoa sẽ giải quyết được thực trạng người có tư tưởng thì không có quyền lực, người có quyền lực thì không có tư tưởng.

Việt Nam gọn nhẹ và cơ động hơn Trung Hoa, chúng ta có quyền hi vọng vào một thủ lĩnh mới của quân đội với cách làm khác hẳn người tiền nhiệm, ngõ hầu mang lại an ninh quốc phòng với chi phí giảm nhẹ nhiều lần so với hiện nay. 

———————
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam còn mấy mống “đồng chí thức”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao dân tộc Israel lỗi lạc mà Việt Nam thì không?

Phan Thanh Hung

VNTB – Giáo dục quốc phòng VN: Thu học phí mà chẳng biết đánh ai

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo