Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luật nồng độ cồn: cần thiết hay phiền hà cho dân?

Châu Nam Việt

 

(VNTB) – Việc áp dụng mức xử phạt nếu nồng độ cồn trong hơi thở không ở mức 0 khi lái xe, Việt Nam hiện đang đi ngược lại xu hướng của phần lớn các quốc gia trên thế giới.

 

Gần đây, một số đại biểu quốc hội đã nhiều lần đề nghị không nên quy định cứng nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe và nên quy định cùng xu hướng của các nước trên thế giới. Nên xử phạt nếu vượt ngưỡng 0,025 mg/lít khí thở, hoặc có thể áp dụng trắc nghiệm bằng công nghệ số để kiểm tra sự tỉnh táo của người tham gia giao thông trước khi xử phạt. Tuy nhiên, những ý kiến này đều bị các quan chức trung ương đảng phớt lờ.

Với việc áp dụng mức xử phạt nếu không nồng độ cồn trong hơi thở không ở mức tối thiểu là 0, Việt Nam hiện đang đi ngược lại xu hướng của phần lớn các quốc gia trên thế giới. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi: Liệu quy định này có thực sự cần thiết? Nó có thực sự mang lại lợi ích cho xã hội hay đang làm khó người dân? Và tại sao hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới lại chọn một ngưỡng “vùng xanh”?

Không thể phủ nhận rằng việc uống rượu bia và tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân. Do đó, việc áp dụng các biện pháp hạn chế nồng độ cồn trong hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở mức giới hạn cồn được phép.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng mức giới hạn cồn cho phép, thường nằm trong khoảng từ 0,02% đến 0,08% BAC (nồng độ cồn trong máu) hoặc 0,25g – 0,35g/lit nồng độ cồn trong hơi thở (BrAC). Lý do chính của việc áp dụng ngưỡng này là để tạo ra một vùng “an toàn” cho người điều khiển phương tiện, nhằm tránh những sai lệch không đáng có từ các yếu tố bên ngoài như thực phẩm chứa cồn, thuốc chữa bệnh, hay sai số máy đo. Thực tế, một lượng nhỏ cồn có thể xuất hiện trong hơi thở của một người mà không phải do họ uống rượu bia, chẳng hạn như khi họ ăn các loại trái cây chín hay sử dụng các loại nước súc miệng chứa cồn.

Theo ước tính, có khoảng 72% các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới phạt nồng độ cồn có mức “vùng xanh”. Những nước phạt từ 0, hầu hết là những nước hồi giáo, vốn cấm buôn bán, tiêu thụ rượu bia. Số ít còn lại là Brazil, Hungary, Paraguay, Romania, Slovakia, Uruguay và Việt Nam.(1) Vậy tại sao hầu hết các nước phát triển trên thế giới họ đều có vùng xanh? Hệ thống luật giao thông của họ thì hết sức chặt chẽ và phát triển từ rất lâu rồi. Chẳng lẽ họ không cẩn thận bằng mình sao?

Việc áp dụng mức xử phạt từ 0, tức là không cho phép bất kỳ mức nồng độ cồn nào tồn tại trong hơi thở của người điều khiển phương tiện. Đây là một quyết định có lẽ mang tính nghiêm ngặt, nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro tai nạn giao thông do rượu bia. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến nhiều thách thức và khó khăn, phiền hà cho người dân.

Nhiều người phản ánh rằng, họ không hề uống rượu bia nhưng khi kiểm tra nồng độ cồn vẫn bị phát hiện có cồn trong hơi thở. Điều này có thể xuất phát từ việc tiêu thụ các loại thực phẩm hoặc thuốc có chứa cồn, hoặc thậm chí là do sai số từ máy đo.

Thêm vào đó, việc không có ngưỡng giới hạn cho phép khiến người dân dễ rơi vào tình trạng bị phạt oan, hoặc ít nhất là phải giải thích, thậm chí chứng minh rằng mình không uống rượu bia. Điều này không chỉ gây lãng phí thời gian mà còn làm tăng sự căng thẳng, bức xúc trong cộng đồng. Một số người cho rằng luật này dường như không phản ánh đúng thực tế và đôi khi tạo ra sự cản trở không cần thiết trong đời sống hàng ngày.

Khi nhìn vào hệ thống luật giao thông của các quốc gia phát triển, ta có thể thấy rằng họ đều áp dụng một ngưỡng nồng độ cồn nhất định, gọi là “vùng xanh”. Đây là mức giới hạn mà người điều khiển phương tiện được phép có cồn trong máu mà không bị xử phạt. Việc này không chỉ dựa trên các nghiên cứu khoa học về tác động của cồn ở mức thấp đối với khả năng lái xe, mà còn nhằm tránh những phiền phức không đáng có cho người dân.

 

 

Các quốc gia phát triển thường có hệ thống luật pháp chặt chẽ, đồng thời cũng rất chú trọng đến quyền lợi của người dân. Họ hiểu rằng một lượng cồn nhỏ có thể không ảnh hưởng đến khả năng lái xe, và do đó không nhất thiết phải xử phạt. Thay vào đó, họ tập trung vào việc giáo dục và khuyến khích người dân tự giác không uống rượu bia khi lái xe, cùng với việc áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm vượt quá mức giới hạn cho phép.

Điều này cho thấy rằng, việc áp dụng một ngưỡng “vùng xanh” không chỉ là biểu hiện của sự linh hoạt trong quản lý, mà còn là sự tôn trọng đối với quyền lợi cá nhân của người dân, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, với cơ chế tham nhũng hiện nay thì việc quy định mức ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu là 0 cũng có thể gây ra tiêu cực, tạo điều kiện cho cảnh sát giao thông “làm luật”, xin “tiền bánh mì” của người dân.

 

____________________

Tham khảo:

(1) https://vnexpress.net/hau-het-cac-nuoc-tren-the-gioi-ap-dung-vung-xanh-khi-xu-phat-nong-do-con-4567391.html

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tinh gọn lộn xộn: chuyển tới chuyển lui mà bản chất không thay đổi

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Việt Nam chờ Nhật cứu Vịnh Hạ Long trước nguy cơ bị loại khỏi danh sách di sản thiên nhiên

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Nguyễn Phú Trọng đang tham vọng là lãnh tụ của Đảng?

Bùi Ngọc Dân

1 comment

Trần văn Hai 14.09.2024 5:13 at 05:13

Cho dù nhà cầm quyền và Bộ Công an csVN tuyên truyền “vì dân” như thế nào, nhưng mọi người dân đều hiểu rằng quy định việc áp dụng xử phạt nồng độ cồn trong hơi thở từ mức là 0 cho thấy đây là một trong những cách mà nhà cầm quyền và Bộ Công an csVN thu tóm triệt để tiền bạc / tài sản của người dân. Chỉ vậy thôi!
Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời cộng sản biết thương dân mình.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo