Mai Lan
(VNTB) – Với những ai đã ly nông, giờ xem ra họ cũng phải buộc ly hương luôn vì không thể về quê
Nhìn dòng người từ TP.HCM tiếp tục gồng gánh xuôi con đường thiên lý để về quê tránh dịch, khiến chợt nhớ đến những khuôn mặt vội vã ra đi trong những năm trước đó.
Có ý kiến, một thời gian dài sau tết, nhiều xe đò Bắc – Nam tấp nập người chờ xe, ai cũng mang theo hy vọng về sự “đổi đời”. Dòng người vì sự hiếu kỳ, vì sự câu thúc của cơm, áo, theo nhau gia nhập các khu nhà trọ công nhân ở các tỉnh kinh tế năng động miền Đông Nam bộ, sau đó tiếp tục đưa vợ, con vào lao động tự do ở bìa các khu công nghiệp để nuôi tiếp giấc mơ ở nơi viễn xứ.
Một cuộc dịch chuyển giúp giải quyết được bài toán việc làm trước mắt cho nhiều địa phương. Nhưng bây giờ, sự “thất thủ” ở những khu nhà trọ công nhân sau tàn phá của Covid-19 đã khiến nhiều lao động không thể bám trụ nơi đất khách. Họ về quê tránh dịch bằng những cách khác nhau đem theo nỗi lo bệnh dịch, hơn thế là lo ngại về việc làm thời kỳ hậu dịch, bệnh.
Những lao động vừa trở về quê hương, sau thời gian bắt buộc của cách ly nơi tập trung, rồi những lần tầm soát, và rồi sau đó họ lại đứng trước câu hỏi là sẽ tiếp tục cuộc thiên di mới, hay ở lại quê nhà để không còn lo lắng biết đâu lại thêm lần nữa phải tháo chạy như vừa rồi.
Họ chưa thể trả lời ngay được. Chưa ai có thể chắc chắn tương lai ấy lúc này cả. Trong những năm qua bài toán “ly nông nhưng không ly hương” đã được các cấp chính quyền và ngành chức năng đặt ra, nhiều nhà máy đã ra đời trên các vùng quê nông nghiệp. Nhưng dường như quy mô và sức hấp dẫn của nó vẫn chưa đủ để hút lao động rời những xóm trọ ở phương Nam để trở lại quê nhà.
Trong buổi họp báo đầu tuần, 16-8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói rằng chính quyền thành phố này đang phối hợp với các tỉnh thành, tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân các tỉnh đang sinh sống tại Sài Gòn gặp khó khăn do dịch, trong đó nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, do điều kiện kinh tế phải trả trọ.
Mặc dù vậy, ông Dương Anh Đức cho biết, nếu các địa phương có kế hoạch cụ thể, thì chính quyền TP.HCM sẽ tạo điều kiện để người dân về quê bằng các kênh chính thức, đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe, cũng như để người dân về trật tự, an toàn.
Trước đó, khi biết tin Sài Gòn tiếp tục kéo dài lệnh ‘ai ở đâu ở yên đó’ tới ngày 15-9, nên từ sáng sớm Chủ nhật 15-8, nhiều người dân đang ở trọ tại TP.HCM mang theo hành lý chạy xe máy về quê. Khi qua các chốt, lực lượng chức năng đều yêu cầu người dân quay lại, tuân thủ quy định ai ở yên nhà nấy.
Hạ tuần tháng 7-2021, trước làn sóng tháo chạy khỏi TP.HCM để tránh cảnh đói khổ kéo dài và nợ nần tiền trọ của các lao động nhập cư, Bộ tư lệnh TP.HCM đề nghị các tỉnh sớm lên phương án để đưa người dân về quê tránh dịch, tránh trường hợp người dân đi tự phát bằng xe máy mất an toàn và tăng khả năng lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên đến lúc này thì các tỉnh cũng không mấy mặn mà, và với những ai đã ly nông, giờ xem ra họ cũng phải buộc ly hương luôn. Đó chính là một bất hạnh của ý nghĩa hai chữ tình tương thân, tương ái vẫn được gọi là “đồng bào”. Bởi, về quê là đúng nhất, có bà con họ hàng, anh em còn nương tựa với nhau.
Một khi cả hệ thống chính trị luôn khẳng định rằng :chống dịch như chống giặc”, thì tại sao lại có hành động không giống như chống giặc? Bởi trong chống giặc thì chỉ có chiến sĩ ở lại tuyến đầu chiến đấu, còn người dân phải sơ tán về quê hết. Vậy thì tại sao lúc này không cho họ về quê, ở lại thành phố, họ có chống được gì hay giữ họ lại càng khó thêm cho công tác chống dịch…?