VNTB – Từ chối ‘3 tại chỗ’ vì không hiệu quả

VNTB – Từ chối ‘3 tại chỗ’ vì không hiệu quả

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” như những ốc đảo giữa làn sóng dịch, có thể bị lây nhiễm vào bất cứ lúc nào.

 

Chính quyền các cấp ở một số địa phương ban hành văn bản yêu cầu doanh nghiệp tăng cường xét nghiệm, nhưng không có các kịch bản y tế nên doanh nghiệp thêm áp lực vì chi phí xét nghiệm quá lớn, mà không đánh giá được cụ thể hiệu quả bảo vệ sản xuất…

Ngày 31-7-2021, ông Nguyễn Đình Trung – trưởng khoa bệnh nghề nghiệp Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) – đã kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình, TP.HCM.

Sau kiểm tra, ông đề nghị bảy giải pháp để doanh nghiệp áp dụng quy định của Bộ Y tế về “3 tại chỗ” – tức sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ:

Thứ nhất, tổ chức quản lý người lao động khép kín theo phân xưởng, tổ, nhóm (dưới 30 người) từ nơi sản xuất đến nơi ăn, ở; bố trí khu vực sản xuất riêng biệt theo nhóm không quá 30-50 người/khu vực.

Thứ hai, đối với khu vực lưu trú cần lắp đặt các vách ngăn nhằm ngăn cách khu vực ở theo phân xưởng, tổ, nhóm (30-50 người lao động cùng làm việc ở khu vực sản xuất); hạn chế sử dụng điều hòa, tốt nhất dùng thông khí tự nhiên tại khu vực lưu trú tập trung.

Thứ ba, chia ca, chia tổ, nhóm theo phân xưởng/bộ phận (30-50 người), sử dụng nhà tắm, nhà vệ sinh riêng. Tốt nhất các doanh nghiệp nên lắp đặt, trang bị thêm nhà vệ sinh, nhà tắm nếu có điều kiện.

Thứ tư, quản lý chặt chẽ người lao động đã đăng ký ở lại nơi lưu trú tập trung theo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tránh tình trạng mầm bệnh bên ngoài xâm nhập vào công ty.

Thứ năm, xây dựng bổ sung quy trình quản lý với đối tượng lái xe, giao nhận hàng, bộ phận bán hàng… đảm bảo các nhóm này không tiếp xúc trực tiếp với người lao động khác.

Thứ sáu, xây dựng kế hoạch, phương án để bổ sung, thay thế người lao động; bổ sung các phương án xử trí cụ thể khi có trường hợp F0 xuất hiện tại nhà máy, đồng thời tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch Covid-19 trong doanh nghiệp.

Thứ bảy, thường xuyên quan tâm, động viên, chăm lo đời sống cho người lao động; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Với loạt yêu cầu trên, phía chủ doanh nghiệp gần như có chung một thắc mắc: Chi phí ở đâu để có thể thực hiện “bảy giải pháp để doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” an toàn?

Các ý kiến khác đã ‘phản biện’ về yêu cầu “3 tại chỗ” như sau:

Một, doanh nghiệp sản xuất ở miền Nam đều có quy mô rất lớn, lên tới vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn công nhân, nếu buộc số công nhân này ăn ở tập trung, sống trong điều kiện thiếu thốn, rủi ro lây nhiễm chéo rất lớn nên tạo áp lực và tâm lý lớn.

Hai, sản xuất là một chuỗi quy trình nên ‘ăn – ở tại chỗ’ còn dễ tạo những ổ dịch. Đơn giản, từ nguyên liệu đầu vào tới khâu chế biến, sản xuất, logistics vận chuyển hàng tới điểm bán… không thể tránh khỏi tiếp xúc. Chỉ cần 1 ca F0 là chuyện ‘ăn – ở tại chỗ’ ở nơi sản xuất sẽ thành ổ dịch.

Ba, nếu đồng ý “3 tại chỗ” và thời gian sau đó vì lẽ gì đó phải dừng, thì thủ tục yêu cầu lại cho thấy “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.

Đơn cử, theo công văn số 2520/UBND-VX của UBND thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương phát đi ngày 28-7-2021, doanh nghiệp muốn dừng sản xuất phải tổ chức xét nghiệm toàn diện cho người lao động trước khi cho họ ngừng việc trở về nơi cư trú.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi doanh nghiệp đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí xét nghiệm cho toàn bộ số lao động trước đây, đầu tư cơ sở vật chất cho thực hiện “3 tại chỗ”, nay dừng sản xuất nhưng vẫn phải bỏ chi phí tiếp tục xét nghiệm cho người lao động, và đều là phải test RT-PCR với mức chi phí rất đắt đỏ, từ hơn 700 ngàn đến cả triệu đồng/ mẫu.

Lý giải về sự không thành công của “3 tại chỗ”, ông Phạm Văn Việt, Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans (TP Thủ Đức, TP.HCM) nhắc đến từ “ốc đảo”. Ông nói rằng đợt dịch ở miền Nam quá lớn, khiến lượng người nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng hàng chục ngàn người. Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” như những ốc đảo giữa làn sóng dịch, có thể bị lây nhiễm vào bất cứ lúc nào. Trong khi đó, biến thể delta mới của virus khiến tỷ lệ lây nhiễm cao, lan qua không khí rất dễ dàng.

Bằng chứng là Việt Thắng Jeans đã bị lây nhiễm từ cộng đồng vào nhà máy. Nhiều công ty ở Tiền Giang, thị xã Tân Uyên… cũng đã bị lây nhiễm tương tự. Các địa phương này buộc phải dừng “3 tại chỗ”. Trong khi đó, với môi trường làm việc trong nhà máy, việc chỉ cần xuất hiện một ca F0, lập tức hàng trăm người khác sẽ là F1 hoặc F2.

“Nhà máy thực hiện “3 tại chỗ” có thể biến thành ổ dịch siêu lây nhiễm bất cứ lúc nào”, ông Phạm Văn Việt nhận định.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)