VNTB – Doanh nghiệp Việt tiếp tục bị thiệt hại nặng nề vì chính sách ‘bóc tách F0 khỏi cộng đồng’

VNTB – Doanh nghiệp Việt tiếp tục bị thiệt hại nặng nề vì chính sách ‘bóc tách F0 khỏi cộng đồng’

Võ Hàn Lam

 

(VNTB) – Đeo đuổi chính sách  ‘bóc tách F0 ra cộng đồng’  khiến mọi công việc sản xuất, lưu thông hàng hóa đình đốn.

 

Quan điểm của Thủ tướng và bài học kinh nghiệm của quốc tế cũng như của nhiều địa phương nước ta trong các đợt chống dịch cho thấy chỉ có xét nghiệm thần tốc mới có thể bóc tách F0 ra cộng đồng, cùng đó kết hợp quản lý cách ly, khoanh vùng tránh lây nhiễm ra cộng đồng sẽ tránh được giãn cách kéo dài”.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có phát biểu nhấn mạnh như trên ở cuộc họp chiều 14-9-2021 của Tiểu ban Y tế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Vì đeo đuổi ‘bóc tách F0 ra cộng đồng’ nên nhiều tỉnh, thành đã phải liên tục gia hạn các lệnh giãn cách, ‘ai ở đâu ở yên đó’, khiến mọi công việc sản xuất, lưu thông hàng hóa đình đốn.

Hệ lụy của ‘ai ở đâu cứ mãi ở yên đó’

Trước đó, ở Hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức ngày 15-8-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu xét nghiệm nhanh, khoanh vùng ổ dịch và quyết tâm tách F0 ra khỏi cộng đồng trong thời gian giãn cách.

Một số ghi nhận về cụ thể thiệt hại từ chuyện đeo đuổi chính sách zero-covid của Bộ Y tế Việt Nam.

Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công (TCM), doanh thu tháng 7-2021 đạt 14,5 triệu USD (gần 330 tỷ đồng), giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 672.933 USD (15,3 tỷ đồng), giảm 47%; So với tháng 6-2021, công ty bị giảm 29% về lợi nhuận.

Doanh thu tháng 8-2021 của TCM đạt 10,5 triệu USD; lợi nhuận sau thuế âm 282.425 USD. TCM cho biết, do tình hình dịch bệnh phức tạp, trong tháng 8, công ty thực hiện làm việc giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” cao, dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và lợi nhuận sau thuế bị lỗ trong tháng này.

Lũy kế 8 tháng, doanh thu của TCM đạt 106 triệu USD, cao hơn 4% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 59% kế hoạch năm 2021; lợi nhuận lũy kế sau thuế đạt 5,5 triệu USD, tương ứng với việc hoàn thành 44,4% kế hoach năm 2021.

Hiện TCM đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý 1-2022. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, mặc dù công ty tổ chức làm việc theo phương thức “3 tại chỗ” nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đơn hàng.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ là thách thức lớn cho ngành trong quý 3-2021. Các doanh nghiệp dệt may hiện đang nhận được nhiều đơn hàng của khách hàng Hoa Kỳ, EU. Nhưng để yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường như hiện nay, vấn đề mấu chốt của ngành dệt may vẫn là chích vắc xin cho công nhân.

Nhà máy để sản xuất chứ không phải để làm ‘nhà ở’

Theo khảo sát của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tính tới cuối tháng 8-2021, chỉ có khoảng 30 – 40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành miền Nam hoạt động được “3 tại chỗ” – gọi tắt của sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ.

Có khoảng 30 – 40% doanh nghiệp không đủ thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, số phần trăm còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện “3 tại chỗ”. Với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30 – 50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50 – 60% so với trước. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60 – 70%.

Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng doanh nghiệp thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn, hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất để tổ chức lại thực hiện “3 tại chỗ”.

Tính tới cuối tháng 8-2021, có tới 40 – 50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và có khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy. Ngoài ra, nhiều nhà nhập khẩu đã tỏ thái độ quan ngại cho rằng, trước mắt vẫn giữ đơn hàng nhưng có thể cân nhắc tới việc tìm nguồn cung thay thế.

Theo các doanh nghiệp được VASEP khảo sát, trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách như từ trung tuần tháng chín này, thì khả năng lấy được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng rất hạn chế.

Ngoài ra, cước phí vận chuyển của các hãng tàu hiện nay vẫn rất cao tăng từ 2 đến 10 lần và chưa có sự điều chỉnh phù hợp, thêm vào đó việc ‘book container’, ‘book tàu’ cũng gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp hoàn toàn thụ động về thời gian, và cước tàu nên đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch vận chuyển và giá thành sản phẩm thủy sản, làm ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh, uy tín  của doanh nghiệp và sự cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.

Không quá khó để thấy rằng dân chúng cũng cạn tiền vì không đi lại, buôn bán kinh doanh được, doanh nghiệp thì đóng cửa, giải thể mỗi tháng tầm 10.000 công ty.

Các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn làm ăn ở Việt Nam đã rục rịch chuẩn bị chuyển đơn hàng, hoạt động sang nước khác trong bối cảnh giãn cách xã hội vẫn chặt cứng như hiện nay, và chưa biết khi nào dỡ bỏ để có thể hoạt động bình thường lại.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)