Việt Nam Thời Báo

VNTB – Menras André: đi rồi sẽ trở về, thưa Ngài!

 

Diễm Thi

(VNTB) – Menras André – người Pháp nhưng có quốc tịch Việt Nam, và có tên tiếng Việt – Hồ Cương Quyết, người 1 thời đấu tranh sôi nổi trong lòng miền Nam. Vì ông bị lôi cuốn bởi luận thuyết chiến tranh phi nghĩa của Mỹ, và hẳn ông tin rằng, quốc gia Việt Nam của người Việt Nam.

Là công dân danh dự của Tp. Hồ Chí Minh, và được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định quốc tịch Việt Nam cho ông. Thế nhưng, ông chứng kiến sự khốc liệt hậu cách mạng “dành tặng” cho mình.

Ông Hồ Cương Quyết có yêu nước Việt, đến mức còn hơn cả một số không nhỏ người Việt Nam. Chính tình yêu đó đã khiến ông thai nghén và cho ra đời bộ phim về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam, mang tên “Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát.”

Bộ phim dù được “ủng hộ” bởi nguyên Chủ tịch nước nhưng nó sớm trở thành tài liệu bị cấm đoán trong nước, thậm chí công chiếu bộ phim ở nước ngoài cũng trở nên khó khăn do áp lực từ một “thế lực” nào đó. Và chỉ khi dàn khoan HD-981 càn quấy vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì khi đó bộ phim mới được công chiếu.

Ông Hồ Cương Quyết thừa nhiệt tâm đối với đất nước hình chữ S này. Ông mang trong mình sự “cương quyết” góp phần xây dựng đất nước này “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, trên cơ sở niềm tin đối với “chính quyền cách mạng.”

Nhưng rồi ông cũng như thế hệ tranh đấu trong lòng chế độ miền Nam, vỡ mộng!

Từ một “người bạn quốc tế” trong chiến tranh, ông mau chóng trở thành “đối tượng” trong mắt dàn an ninh. Công dân danh dự không thể khiến ông thoát khỏi sự theo dõi và đeo bám của lực lượng an ninh.

Ông khoác trên mình áo no-U, hô vang “Hoàng Sa, Trường Sa Việt Nam”. Và ông trở thành “đối tượng.”

Vào ngày thứ Ba (3/12/2019) ông chia sẻ một bài viết với nội dung song ngữ (Việt – Pháp), tựa đề: “Rời đi là chết đi một chút” (Partir, c’est mourir un peu).

Ông rời Việt Nam về với miền Nam (Pháp quốc), nơi có vợ và con. Nơi ông có thể tham gia cuộc đình công của áo vàng phản ứng chính sách của Tổng thống Macron.

Điều kỳ lạ là nỗi gợi “nhớ” của ông, là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng (người bị bắt vì thực hiện quyền biểu đạt), nhớ những người biểu tình, những bà con đấu tranh cho lợi quyền của mình ở Đồng Tâm – Cồn Sẻ – Bình Dương – Hà Tĩnh – Quảng Bình,… và nhiều nơi khác. Ông cũng “nhớ” đến tướng Nguyễn Trọng Vĩnh – người góp phần kiến lập nên nhà nước cộng sản Việt Nam và là người giờ đây ủng hộ cho quyền làm người, trăn trở quyền làm dân, và nỗi đau chủ quyền trước Trung Quốc.

Và ông không quên “cảm ơn” sự “theo dõi” của lực lượng an ninh đối với ông trong 2 tháng qua, cũng như dư luận viên đối với Facebook của ông.

Thử kéo một hồi từ đầu đến cuối trang Facebook của ông Hồ Cương Quyết mới thấy được sự quyết tâm của ông trong phản ứng, kháng lại tất cả những mầm mống hủ hoá về quyền lực, những màn “cướp bóc” quyền dân và sự đe doạ an ninh chủ quyền lãnh thổ của… Việt Nam.

Một người đàn ông Pháp đã chiến đấu cho những gì ông thấy đúng, và khác với một số vị “cha già đảng phái”, sự cao tuổi càng khiến ông Hồ Cương Quyết tường minh nhận ra đâu là “đối tượng” mà ông cần phải hướng tới đấu tranh, đâu là vấn đề mà ông phẫn nộ, và người mà ông cần coi là bè bạn, và sẽ chiến đấu hết mình vì họ.

Thế nhưng, “đối tượng” mà ông phẫn nộ lại chính là “quyền lực nhà nước” hiện tại, quyền lực sinh sôi từ nòng súng và “sự ủng hộ của bè bạn quốc tế” và nay tái lặp những phương pháp cai trị mới khiến cho một mặt trận mới được nảy sinh trong lòng thể chế.

Nhân quyền trở thành điểm đến, toàn vẹn chủ quyền trở thành mục tiêu cao cả (có lẽ) của ông Hồ Cương Quyết. Những thứ cực kỳ “nhạy cảm” và khiến ông gặp rủi ro về cả tinh thần lẫn thể chất khi ở Việt Nam.

Lời chia tay ông là lời chia tay buồn, chính như sự bạc đãi của thể chế mà ông từng một lòng hy sinh để đấu tranh cho nó hiện diện từ bắc vào nam.

Có lẽ, giới chính khách Việt Nam phải biết xấu hổ khi đã khiến một người như ông, có suy nghĩ như vậy về đất nước này. Nơi người dân đang sống mòn, chết mòn vì độc tôn quyền lực, độc tôn chân lý.

Rời đi là chết đi một chút”, nhưng lương tri và tình cảm cùa ông đanh cho một Việt Nam bền vững hơn trong tương lai, nơi mà các chiêu trò “theo dõi đối tượng” hay “vì an ninh quốc gia” bị đào thải theo quy luật tất yếu dưới sức ép của các giá trị phổ quát toàn cầu.

Để đến một ngày, ông sẽ quay trở lại, và dòng biểu ngữ “Bon retour” (Chào mừng quay trở lại) sẽ được căng ra. Vì Việt Nam, quê hương thứ hai luôn cần những người biết “phẫn nộ” như ông, trên phương diện nhân quyền, chủ quyền và nhân dân.

Và đó là một ngày, Việt Nam khác!

Tin bài liên quan:

VNTB – Liều thuốc giải tội: Cô Quỳnh Anh bay sang New Zealand !

Phan Thanh Hung

VNTB- Lòi đuôi nhóm lợi ích: ‘Chỉ thu hồi sân golf nếu ảnh hưởng đến an toàn bay’!

Phan Thanh Hung

VNTB- Muốn giảm nghèo thì phải giảm thuế.

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo