Việt Nam Thời Báo

VNTB – Miền Tây Nam bộ vẫn phải ‘gánh’ thêm vụ lúa thu đông?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự định tăng diện tích lúa thu đông. Báo cáo gửi Chính phủ về kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2020, bộ này cho biết kế hoạch vụ thu đông năm 2020, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ duy trì diện tích 750.000 ha, và trước nhu cầu ‘ăn hàng’ của Trung Quốc, khả năng sẽ điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tổng cộng cho vụ thu đông là khoảng 800.000 ha.

Tin tức về quy hoạch ‘thành tích’ nói trên cho thấy dù có hay không phục vụ cho việc xuất khẩu gạo Việt Nam, thì các đối tác từ Trung Quốc là ‘đắc lợi’ nhất, vì lâu nay các ‘thuốc trừ sâu’ trên đồng ruộng, hầu hết được nhập về từ Trung Quốc, kể cả khâu nguyên liệu cho tới thành phẩm.

Cấm xuất khẩu gạo vậy làm vụ thu đông làm gì?

Trước mắt trong việc xuất khẩu gạo đang có 2 luồng ý kiến chỏi nhau ngay trong ngày 24-3: Bộ Công thương kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo. Bộ Tài chính yêu cầu “tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24-3”. Ngoài ra phía Bộ Tài chính ‘lệnh’ cho Cục Quản lý rủi ro thiết lập tiêu chí đưa mặt hàng gạo các loại thuộc các phân nhóm HS: 1006.20, 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu.

Các mã số nói trên ở tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT về Bảng mã số HS đối với hàng hóa chuyên ngành xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó 1006.20 là gạo lứt; 1006.30 là gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ, đã hoặc chưa được đánh bóng hoặc hồ; 1006.40 là tấm.

Trở lại với việc điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tổng cộng cho vụ thu đông là khoảng 800.000 ha ở đồng bằng sông Cửu Long mà phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra.

Vụ thu đông còn được người miền Tây Nam bộ gọi là lúa vụ ba, cho ra phẩm chất gạo không ngon, giá trị thương mại thấp nhất so hai vụ kia là hè thu và đông xuân.

Lúa vụ ba thường được trồng ở Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên. Người ta đã tận dụng 1,5 triệu hecta vùng ngập sâu 2m của Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên – nơi được ví như hai “túi nước” của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong mùa lũ lụt và điều tiết nước trong mùa khô – cho mục tiêu tăng diện tích lúa vụ thu đông, qua việc bao đê ngăn lũ, phá vỡ hệ thống điều tiết tự nhiên này.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đất ngập nước thuộc Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế (WWF), khi quyết định đắp đê bao ở khu vực trũng để mở rộng canh tác lúa vụ ba, các cấp quản lý cần phải giải cho được bài toán chi phí – lợi ích để xem giữa tổng lợi ích và tổng chi phí cái nào lớn hơn. Theo ông Thiện, khi làm đê bao thì lợi ích chủ yếu là tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho người dân. Tuy nhiên, nếu xét một cách toàn diện thì lợi nhuận thu được từ việc tăng vụ không thấm vào đâu so với những gì phải bỏ ra.

Trong đợt hạn mặn 2020 này, một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã có đề xuất trung ương về giải pháp tình thế là xây dựng các hồ chứa nước lớn hàng trăm tỷ đồng. Đây là một đề xuất không khả thi, đơn giản là vì còn đất đâu mà xây hồ. Vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa, trước khi được phát triển thành một vùng chủ yếu trồng lúa như hiện nay, đã có những vùng trũng thiên nhiên rộng lớn như Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, song nhà chức trách ở trung ương đã quyết định lấp để trồng lúa vụ ba mất rồi…

Lúa vụ ba là làm giàu cho… Trung Quốc?

Dễ nhận ra nhất là việc chuyển đổi từ hệ thống 1 vụ/năm sang 3 vụ/năm không chỉ gây ra các hệ lụy như suy kiệt tài nguyên đất, mà còn đẩy nông dân vào lằn ranh phải đối mặt với nguy cơ xâm mặn hằng năm và thiếu hụt nước tưới tiêu. Hưởng lợi trực tiếp nhất ở đây, trớ trêu thay lại là các nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đến từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, cựu Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết Trung Quốc là công xưởng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật của thế giới, chiếm 40% lượng thuốc xuất khẩu đi các nước. Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật về nội địa không chỉ để bán sử dụng ở Việt Nam, mà còn phối trộn, sang chai đóng gói và xuất đi các nước khác. Vì thủ tục nhanh gọn, thuận tiện trong vận chuyển, giá cả cạnh tranh, và đặc biệt, các nhà nhập khẩu của Việt Nam có thể đặt hàng trực tiếp các nhà sản xuất Trung Quốc theo nhu cầu của thị trường Việt Nam, nên việc nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Trung Quốc ngày một gia tăng.

Thử nhìn sang Campuchia: Nông dân chỉ sản xuất 2 vụ lúa và để đất nghỉ ngơi đón lũ. Họ cũng ban bố: cấm đánh bắt thủy sản trong mùa nước nổi để duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trong sản xuất lúa, nông dân Campuchia vẫn duy trì một diện tích nhất định để sản xuất 1 vụ lúa dài ngày/năm, chứ không làm 3 vụ/năm như Việt Nam. Diện tích lúa 1 vụ này đa phần là các giống đặc sản, thơm nên được thị trường ưa chuộng. Vài năm gần đây, cho thấy lúa gạo Campuchia “qua mặt lúa gạo Việt Nam” chính là lúa hàng hóa trồng 1 vụ này.

Không chỉ là chuyện phải “tìm hiểu ngược” học cách nông dân Campuchia trồng lúa, mà đã đến lúc đồng bằng sông Cửu Long cần có một cách nhìn thực tế: có nên làm lúa vụ 3 hay không, làm ở mức độ nào; hay vẫn bất chấp làm lúa vụ 3 ở “hai túi nước” để đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục gồng gánh hạn, mặn trong mùa khô!?

Tin bài liên quan:

VNTB – Tổng thống Đức không hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Bộ Y tế không sai, lỗi là ở địa phương (?!)

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa đa phương

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.