Nguyễn Phúc
(VNTB) – Số tiền được gọi là “miễn thuế” này ở mỗi năm, nếu so vụ đại án Ngân hàng Xây dựng vừa xong phiên phúc thẩm, thì khoản thuế ước 53,5 tỷ đồng/năm xem ra chỉ cần trích một phần rất nhỏ trong phần án tuyên thu hồi 5.190 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích, là vừa dễ dàng cân đối ngân sách quốc gia, vừa được tiếng là “khoan sức dân”.
Chuyện giảm, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) này được bắt đầu từ thời ông Nguyễn Phú Trọng còn ngồi ghế chủ tịch Quốc hội. Khi ấy, vào tháng 11-2010, ông Trọng ký ban hành Nghị quyết số 55/2010/QH12, cho biết lộ trình giảm, miễn thuế SDĐNN được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Theo đó, trong 4 năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết số 55/2010/QH12, từ năm 2017 đến năm 2020, thực hiện miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng sau đây (trích Nghị định 21/2017/NĐ-CP): a) Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao, công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp (bao gồm cả nhận thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp). b) Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh và hộ gia đình, cá nhân nhận đất giao khoán ổn định của công ty nông, lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật. c) Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.
Mức tác động giảm thu ngân sách khi giảm thuế, theo Chính phủ thừa nhận là không lớn. Thống kê cho biết, việc thực hiện miễn, giảm thuế SDĐNN từ năm 2011 đến hết năm 2014 theo Nghị quyết số 55/2010/QH12, số thu thuế SDĐNN hàng năm bình quân chỉ còn khoảng 67,3 tỷ đồng/năm.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với việc bổ sung miễn thuế SDĐNN theo Nghị định 21/2017/NĐ-CP, thì số thu thuế SDĐNN ước tính còn khoảng 5,7 tỷ đồng. Tổng số thuế SDĐNN dự kiến được miễn là khoảng 53,5 tỷ đồng, diện tích đất nông nghiệp dự kiến được miễn là 93.917 ha, tổng số đối tượng dự kiến được miễn là 77.136 người nộp thuế.
Tuy nhiên cần lưu ý là với những hộ nông dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐNN, hay chưa gia hạn quyển SDĐNN thì vẫn phải đóng thuế SDĐNN. Cho đến nay, vẫn chưa có số liệu công bố là có bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp đang được người dân khai thác, nhưng chưa được cấp quyền SDĐNN.
Thử làm phép so sánh số thuế SDĐNN được miễn của hộ gia đình, cá nhân dự kiến khoảng 34,3 tỷ đồng một năm (theo Nghị định 21/2017/NĐ-CP), nếu có thu thì phải đến 100 năm mới bằng được số thua lỗ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trước đây, và đến 300 năm mới bằng số thất thoát trong vụ đại án tại Ngân hàng Xây dựng.
Bên lề. Câu hỏi đang đặt ra là tại sao đã có Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, nhưng thỉnh thoảng Quốc hội lại ra một Nghị quyết “trùm” lên Luật?. Nghị quyết không có sức mạnh bằng Luật, nhưng hiện nay việc điều chỉnh lại cứ theo Nghị quyết. Vậy có Luật để làm gì? Nhiều Nghị quyết ra đời cũng không hề nhìn vào thực tế. Ví dụ, như hiện nay các nông trường thường khoán cho lãnh đạo nông trường, nên làm gì có hộ nông trường viên như Nghị định 21/2017/NĐ-CP đề cập. Ngay cả “linh hồn” thật của hợp tác xã bây giờ cũng không còn.