Đỗ Văn Phúc
(VNTB) – Không biết có phải là triệu chứng tốt hay không mà dường như người Việt Nam trong nước – nhất là các. cô, các cậu trẻ – tỏ ra ngọt ngào vô cùng khi tiếp xúc ngay cả với người chưa quen.
Hàng ngày, trên các trang Facebook, thấy nhảy vào trong các cái post của chúng ta những câu quảng cáo. đủ loại từ bên Việt Nam mà đa số là của các cô, đại loại như: “Mình xin giới thiệu sản phẩm xyz… đầy. ‘chất lượng’, giá ‘bèo’. Xin “giao lưu’ với mình qua điện thoại. 81-000-9999.” Hoặc thỉnh thoảng nhận cú điện thoại lạ hoắc với cái giọng ỏn ẻn như: “Alô, mình xin nói chuyện với anh ABC. Mình có loại hàng này….”
Các cô gái này chắc khoảng trên dưới hai mươi, không cần biết đối tượng họ đang tiếp xúc già trẻ lớn bé ra sao – có khi người ở tuổi cha ông của họ – cứ suồng sã gọi anh, xưng mình như các cô gái bán bar hay các em út ở nhà thổ vồ vập với khách làng chơi.
Nhà văn quá cố Huy Phương, trong bài viết “Trân Trọng Chữ Nghĩa” có than phiền rằng “Mới hôm qua, bước vào một ngân hàng ở góc đường Westminster và Brookhurst, thành phố Westminster, kẻ hèn ngoại bát tuần này được một cô nhân viên trẻ đẹp vồn vã hỏi rằng “Mình cần gì?”
Tiếng Anh có hàng chục chữ dùng để gọi nhau một cách âu yếm: honey, sweetee, cutee, pumpkin…. Tiếng Việt cũng có những chữ ngọt ngào như: em yêu, anh yêu quý, ấy ơi, đằng ấy, bậu ơi, mình ơi…
Chữ “mình,” theo cụ Trần Trọng Kim viết trong cuốn Việt Nam Văn Phạm (trang 65-66) có thể dùng cho cả ba ngôi. Xin trích ra nguyên văn như sau:
- – Tiếng mình dùng ở ngôi thứ nhất, để chỉ một hay nhiều người, tùy cái ý, cái nghĩa, nói ở trong câu:
Thay một người:
Tỉnh ra mới biết là mình chiêm bao. (Kiều)
Mình nói đùa mà ai cũng tưởng là thật.
Thay nhiều người:
Giặc đã vào cõi, mình phải tìm cách chống giữ,
Đã là người một nước, mình phải làm thế nào cho nước được cường thịnh.
153.- Tiếng mình dùng ở ngôi thứ nhì để gọi người thân yêu như vợ chồng hay bạn hữu gọi nhau:
Tôi đã bảo mình đừng làm như thế.
Mình ơi, ta hỏi thật mình,
Còn thương nhau nữa hay tình muốn thôi.
154.- Tiếng mình dùng ở ngôi thứ ba để thay phiếm chỉ đại danh tự: ai, người ta, người nào, đứng làm chủ từ:
Người ta thường chỉ biết mình mà quên việc nghĩa.
Ở đời ai cũng cần đến người kém mình.
Qua định nghĩa thứ nhất và thứ ba, chúng ta cũng thường quen dùng chữ mình như một đại danh từ khi làm chủ từ hoặc túc từ trong vài trường hợp khá quan trọng và chính thức như:
Mình sẽ cho một trung đội phục kích ở đây.
Chờ hoài, không thấy họ hồi âm cho mình.
Còn với định nghĩa thứ hai của cụ Trần Trọng Kim, những người ở miền Nam ngày trước chắc còn nhớ nhà văn Nguyễn Vỹ, chủ nhiệm nguyệt san Phổ Thông rất phổ biến trong giới thanh niên học sinh vào khoảng thập niên 1960s. Ông viết loạt bài lấy tên “Mình Ơi” đăng thường kỳ trên báo với nội dung là những vấn đề hàng ngày từ chính trị, văn hoá, xã hội… Ông sử dụng hình thức đối thoại giữa hai vợ chồng để câu chuyện thêm phần dí dỏm, ngọt ngào, hấp dẫn người đọc.
Ca dao Việt Nam cũng có câu:
Mình với ta tuy hai mà một,
Ta với mình tuy một mà hai.
Trường hợp dùng chữ mình cho ngôi thứ hai này, chỉ nên dùng khi đối thoại giữa những đôi vợ chồng, tình nhân hay đôi bạn thật thân thiết chứ không thể nói với bất cứ ai khác.
Sẽ là một sự suồng sã quá đáng khi một thanh niên hay thiếu nữ tuổi hai mươi, ba mươi xưng mình với một khách hàng lạ hoắc, nhất là khi người khách này đáng tuổi cha chú của họ. Càng tệ hơn nếu dùng cho ngôi thứ ba, khi gọi người khác bằng chữ mình. Tôi có nghe một anh bạn già cho biết rằng có vài cô khi quảng cáo còn õng ẹo sỗ sàng hơn khi gọi khách hàng nam giới là “anh yêu”!
Ngoài ra, chúng tôi cũng thấy rất chướng tai khi những người lớn tuổi – dù đàn ông hay đàn bà – nói chuyện với nhau mà dùng tên mình để tự xưng như một đại danh từ!
Trong quan hệ thông thường, việc dùng tên để tự xưng chỉ có các cô bạn gái trẻ với nhau hay trong gia đình mà thôi. Ra giữa công cộng, trong sinh hoạt đoàn thể cộng đồng thì nên xưng ‘tôi,’ ‘chúng tôi’ là đủ lịch sự. Nếu phải nói chuyện với các vị cao tuổi hơn, thì có thể tự xưng là ‘em’ hay ‘cháu’ là đã quá dư thừa sự lễ độ. Một anh bạn tuổi hơn 70 gọi nói chuyện với tôi lần đầu tiên qua điện thoại: “Tuấn muốn mời anh tham gia trong nhóm này của Tuấn…” Trò chuyện xong, tôi cúp máy và không tiếp tục liên lạc vì thấy cung cách nói năng của anh ta có vẻ màu mè, sao sao, khó diễn tả. Chúng tôi cũng gặp nhiều trường hợp tương tự trong các đoạn video thảo luận thời sự trên youtube hoặc social media. Cũng trong cách phát biểu trước đám đông, nên tránh dùng đại danh từ ‘tôi’ có vẻ tự phụ; mà nên xưng ‘chúng tôi’ để lấy cảm tình và lôi kéo thính giả, khán giả về phía mình. Dùng chữ ‘chúng tôi’ khi báo cáo công việc là tỏ sự khiêm tốn, chia sẻ phần công lao cho những người cộng sự chứ không vơ hết vào cái ‘tôi’ đáng ghét.
Để kết luận, chúng tôi xin kể một câu chuyện miêu tả hết sự ngọt ngào trong chữ mình.
Một đôi vợ chồng già (đôi chứ không phải cặp đôi nhé!) ngồi bên nhau âu yếm dưới ánh trăng trên chiếc ghế dài đặt ở sau vườn. Bà nũng nịu ôm bờ vai của ông và thỏ thẻ:
– Mình ơi, mình còn nhớ những ngày hè tươi vui lúc chúng mình còn đôi mươi. Mình ôm em vào lòng, nói yêu em; rồi mình cắn nhẹ vào vai em.
Ông cụ đột nhiên đứng dậy, quay gót đi vào nhà. Bà hoảng hốt với theo:
– Mình ơi, em có nói gì buồn lòng mình mà mình giận, mình bỏ đi thế?
Cụ ông quay mặt lại, nhẹ nhàng nói:
– Không đâu mình! Tôi đi vào trong nhà lấy cái hàm răng giả đeo vào để cắn vai mình cho mình vui.