Thiền Lâm
(VNTB) – Phải chăng Thủ tướng Phúc muốn “đi hàng hai”, vừa không mất lòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích quân đội, vừa được tiếng “xử lý sân golf trong sân bay”?
Có gì ở “phía Bắc” và “phía Nam” của sân bay Tân Sơn Nhất?
Một bản thông báo của Văn phòng Chính phủ cho biết về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì thuê tư vấn nước ngoài có đủ năng lực để khảo sát nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng cả về phía bắc (khu vực sân golf Tân Sơn Nhất ) và phía Nam.
Chỉ đạo mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam là rất “lạ”, nếu đối chiếu với nội dung kết luận của Thủ tướng Phúc vào ngày 12/6/2017 mà báo chí nhà nước đưa tin đã không hề có nội dung này.
Vậy “phía Nam” đó là gì?
Đó là toàn bộ các khu dân cư của các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả Công viên Gia Định – một trong hiếm hoi lá phổ xanh cuối cùng của Sài Gòn.
Có phải Thủ tướng Phúc đã ‘bổ sung” ý kiến chỉ đạo của ông ta vào bản thông báo trên của Văn phòng Chính phủ, hay cơ quan này – được “mồi” bởi một thế lực nào đó – đã tự tiện đưa nội dung “mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam” vào văn bản?
Trong khi đó, bản thông báo trên đã không hề đề cập đến bức xúc quá lớn của công luận về việc nhóm lợi ích quân đội đã chiếm dụng đến 157 ha của sân bay – một diện tích đủ để xây cả một sân bay nhỏ. Cũng không đề cập đến trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và một số bộ ngành, địa phương khi duyệt thông qua quy hoạch “sân golf trong sân bay” – điều mà rất nhiều cử tri và công luận đã bức xúc kiến nghị phải làm rõ.
Chỉ vài ngày trước khi bản thông báo trên ra đời, chính một quan chức là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã cho rằng không thể giải thích theo cách của Bộ Quốc phòng.
“Vấn đề này phải quay lại quy định của Hiến pháp. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, sau giải phóng, nhà nước giao cho quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng. Việc quân đội không sử dụng hết giao cho nhà đầu tư bên ngoài khai thác làm sai mục đích sử dụng đất là Bộ Quốc phòng đã vi phạm Luật Đất đai”, ông Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng xét về Luật Đất đai, các đơn vị ký hợp đồng sử dụng đất quốc phòng làm sân golf đều sai Luật. Bộ Quốc phòng đã ký kết hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất sai thẩm quyền. Một hợp đồng kinh tế giữa Bộ Quốc phòng và đơn vị đầu tư ký sai thẩm quyền thì theo quy định pháp luật, hợp đồng này vô hiệu.
Do đó, biết hợp đồng được ký kết sai thẩm quyền nhưng các bên liên quan vẫn tiến hành, cả Bộ Quốc phòng và nhà đầu tư đều sai. Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, ai là người kí kết hợp đồng sân golf người đó phải chịu trách nhiệm. Khi hai bên đều sai, nếu sân golf bị thu hồi, rủi ro kinh tế xảy ra cả hai bên đều phải chịu.
Nhưng đã không thấy một chỉ đạo nào từ Thủ tướng Phúc về trách nhiệm phải chịu đối với Bộ quốc phòng và những cơ quan liên quan.
Phải chăng Thủ tướng Phúc muốn “đi hàng hai”, vừa không mất lòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích quân đội, vừa được tiếng “xử lý sân golf trong sân bay”?
Một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD, tương đương hơn 200 ngàn tỷ đồng. Ngân sách tìm đâu ra con số đó, trong lúc “chỉ có” vài chục ngàn tỷ đồng để giải tỏa đền bù ở khu vực dự án sân bay Long Thành ở Đồng Nai mà còn tìm không ra?
Rõ ràng, phương án dễ nhất là thay vì mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, Chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf Tân Sơn Nhất để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân sách nào.
Nhưng nếu làm theo phương án trên, ai sẽ đền bù cho nhóm lợi ích quân đội về tất cả chi phí nổi lẫn “ngầm” mà nhóm này đã bỏ ra?