Mai Lan
(VNTB) – Năm nay, một số trường đại học quyết định đưa môn văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y khoa.
“Bài thi khoa học tự nhiên đã gồm 3 môn lý, hóa, sinh. Do đó, tổ hợp xét tuyển này vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức trọng tâm và ổn định trong tổ hợp môn xét tuyển truyền thống của ngành y.
Đồng thời, tổ hợp mới này cũng phù hợp với bài thi tốt nghiệp và chương trình phổ thông đổi mới đang thực hiện” – ông Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng trường đại học Duy Tân diễn giải.
“Ở đây trường thêm cụ thể là môn văn, chứ không bỏ môn nào, vì vậy tổ hợp toán-khoa học tự nhiên-văn là phù hợp”, ông Hải nhấn mạnh. Điều đó có nghĩa là tuyển sinh vào y khoa là “thêm môn chứ không bỏ môn”.
Theo quan điểm của Phòng Đào tạo trường đại học Y khoa Hà Nội, thì không đồng tình, với lập luận như sau: Lâu nay các trường y khoa của các nước nói tiếng Anh thường sử dụng kết quả kỳ thi UCAT (University Clinical Aptitude Test) và BMAT (Biomedical Admission Test), MCAT (Medical College Admission Test) để tuyển sinh.
Trong các kỳ thi này thường có một bài thi bắt buộc về ngôn ngữ. Căn cứ để đưa ra bài thi này là yêu cầu bác sĩ phải có khả năng tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, cho nên yêu cầu phải có khả năng sử dụng tốt ít nhất một ngôn ngữ cả nói và viết.
Để đánh giá tiêu chí này thì cần phải thiết kế một bài thi riêng phù hợp với đòi hỏi của ngành y, chứ không phải chỉ là điểm văn. Vì thực tế kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay, điểm văn không phải là thước đo cho sự thông minh ngôn ngữ, cũng không khẳng định thí sinh có làm chủ được trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt hay không.
Vẫn theo góc nhìn của Phòng Đào tạo trường đại học Y Hà Nội, thì đánh giá tư duy ngôn ngữ chỉ là 1 trong 4 yêu cầu trong các kỳ thi vào các trường y khoa.
Còn 3 yếu tố rất quan trọng khác, nếu đã “học theo phương Tây”, thì phải theo cho trọn, gồm: tư duy định lượng, thông thường là dùng toán học để làm thước đo, một số trường đánh giá qua bài thi tư duy logic và xem toán là thước đo đáng tin cậy; kiến thức khoa học tự nhiên bao gồm hóa, sinh, lý sinh, chứ không chỉ là vật lý đơn thuần; năng lực đưa ra quyết định.
Hàng loạt yêu cầu trên nhằm đáp ứng tiêu chí các bài thi đầu vào chủ yếu là đánh giá năng lực tâm thần và hành vi có liên quan đến nghề nghiệp, khả năng tư duy lo-gic, giải quyết vấn đề về mặt số học, khả năng ra quyết định, đánh giá tình huống, cũng như khả năng lập luận trên góc độ khoa học xã hội nhân văn và cả tự nhiên.
Một tài liệu liên quan cho biết, tuyển sinh đầu vào ngành y, tại Mỹ có kỳ thi MCAT. Đây là bài thi dành cho các ứng viên (đã có bằng tiền y khoa premed) nộp đơn vào các trường y khoa tại Mỹ, Canada, Úc.
Bài thi này do Hiệp hội các trường y khoa Mỹ – AAMC (Association of American Medical Colleges) xây dựng và quản lý. MCAT được xem như một công cụ dự đoán thành công của các ứng viên thạc sĩ y khoa dành cho các ban tuyển sinh.
Bài thi MCAT bao gồm lý luận, sinh học, vật lý, hóa học đại cương và hữu cơ, hóa sinh, tâm lý học và xã hội học. Một bài thi MCAT có 4 điểm thành phần: cơ sở sinh học và sinh hóa của các hệ thống sống; cơ sở hóa học và vật lý của hệ thống sinh học; cơ sở tâm lý, xã hội và sinh học của hành vi; kỹ năng phân tích và suy luận.
Tính đến hiện tại thì hai bộ y tế và giáo dục vẫn chưa ‘lên tiếng chính thức’ về vấn đề đang gây tranh luận trái chiều ở trên. Và nếu đánh giá về môn văn ở trường phổ thông của Phòng Đào tạo trường đại học Y khoa Hà Nội như diễn giải ở phần đầu bài viết này là có căn cứ, cần thiết việc trả lời từ phía Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.