Hiếu Bá Linh biên dịch
Một dự án đường cao tốc đưa Montenegro vào tình thế khốn cùng. Việc hoàn thành bị chậm trễ và các khoản vay cho Trung Quốc đến hạn phải trả. Tài sản của nhà nước Montenegro sẽ rơi vào tay Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa?
Đường cao tốc từ Bar chạy dọc theo bờ biển Adriatic đến Boljare nơi biên giới với Serbia là một dự án thanh thế. Nhưng bây giờ đất nước Montenegro nhỏ bé (là quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Âu, tách ra từ Liên bang Serbia và Montenegro) đứng trước một núi nợ – và đường cao tốc chỉ mới hoàn thành 40 km mà thôi.
Mladen Bojanic là Bộ trưởng Montenegro về các khoản đầu tư lớn kể từ khi chính phủ thay đổi cách đây 5 tháng. Theo kế hoạch, đường cao tốc sẽ bắt đầu được sử dụng sau hai năm xây dựng và phí thu được sẽ được dùng để trả khoản vay, ông giải thích: “Bây giờ đã bị trễ hơn hai năm và chúng tôi đang ở trong tình thế phải trả nợ trong khi đường cao tốc chưa hoàn thành“.
Nguyên do không phải chỉ vì Corona
Cho dự án này, một khoản vay gần một tỷ euro với một ngân hàng Trung Quốc, các khoản trả nợ đầu tiên sẽ đến hạn vào giữa năm nay. Và chính phủ ở thủ đô Podgorica không có khả năng trả nợ này. Suy thoái kinh tế liên quan đến dịch bệnh Corona đóng một vai trò quan trọng, nhưng sản lượng kinh tế thấp của đất nước nhỏ bé cũng là một lý do.
Christoph Trebesch, Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel – Đức, nói rằng đường cao tốc là “một dự án cực kỳ tốn kém và vượt quá khả năng chịu đựng nợ của đất nước“. Kết quả là dự án bị “đội vốn với số tiền đáng kể đối với tỷ lệ nợ của đất nước” – và không rõ sẽ lấy nguồn tiền thu nhập ở đâu để trả nợ. Và: “Ngay từ đầu, vấn đề hiệu quả kinh tế của dự án đã được đặt ra“, Trebesch nói. “Và bây giờ phải trả giá“.
EU phẩy tay
Nước Montenegro là nước đang xin gia nhập EU và sẽ không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ EU trong việc trả khoản vay Trung Quốc. Brussels đã từ chối yêu cầu của chính phủ Montenegro. Giờ đây, người ta nói rằng Montenegro có thể là quốc gia châu Âu đầu tiên trở thành nạn nhân của “chính sách ngoại giao nợ của Trung Quốc“. Bởi vì các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc hiện nay cũng là những nhà tài trợ quan trọng, giống như Ngân hàng Thế giới, cho các nước đang phát triển.
Trong dự án nghiên cứu quốc tế này, Trebesch đã phân tích khoảng 100 hợp đồng cho vay như vậy – bao gồm cả hợp đồng với Montenegro. Đáng chú ý là trong đó là những điều khoản nghiêm ngặt về việc giữ bí mật. Nhưng cũng đáng chú ý là các điều khoản cho phép Trung Quốc đơn phương hủy bỏ các hợp đồng cho vay và yêu cầu trả nợ ngay lập tức nếu các điều kiện chính trị ở nước bên vay thay đổi.
Nhà kinh tế này nói rằng có “những điều kiện mà khả năng thực hiện chỉ trong một giới hạn nhất định” đối với một khoản vay “rủi ro cao“. Trong mọi trường hợp, các điều khoản này là bất thường, đặc biệt nếu so sánh với các khoản vay của chính phủ các nước thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế): “Trong đó có ít điều khoản như vậy được tìm thấy hơn“, ông nói.
Đầu tiên là rủi ro, sau đó là bẫy?
Cũng giống như Trebesch, Dejan Milovac từ NGO MENS tại thủ đô Podgorica không thấy có gì đáng chê trách trên nguyên tắc về việc Trung Quốc tham gia kinh tế vào khu vực. Nhưng Milovac hoài nghi về hợp đồng cho vay – đó là “một rủi ro rất lớn ngay từ đầu“. Ông Milovac nói: “Liệu nó có trở thành một cái bẫy hay không sẽ phụ thuộc vào những gì Montenegro sẵn sàng hành động để trả nợ“.
Người dân Montenegro đặc biệt lo ngại về Điều 8.1 của hợp đồng: Milovac nói rằng nếu Montenegro không có khả năng trả nợ hoặc Trung Quốc làm các thủ tục tòa án phân xử, thì “bất kỳ tài sản nào ở Montenegro đều có thể bị xem xét để giải quyết các yêu sách đời nợ của Trung Quốc“.
Ví dụ, đó có thể là quyền sử dụng cảng lớn nhất nước ở thị trấn ven biển Bar hoặc chính đường cao tốc khi nó hoàn thành. Christoph Trebesch không tin rằng, chỉ dựa vào điều khoản này mà Trung Quốc có thể có được quyền sử dụng đối với tài sản của Montenegro. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng có những thỏa thuận khác chưa được công chúng biết đến.
Trung Quốc cam kết đôi bên cùng có lợi
Trung Quốc nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp với Montenegro và tầm quan trọng của các dự án cơ sở hạ tầng đối với đất nước này. Zhao Lijian, phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc coi trọng việc phát triển quan hệ với Montenegro và hy vọng sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Nhưng nếu Montenegro không trả được nợ thì sao? Trebesch cho biết một kịch bản có thể xảy ra là cắt nợ mà nước này có thể đàm phán với Trung Quốc. Montenegro sau đó có thể nhận được hỗ trợ cho vay từ EU.
Mặt khác, Dejan Milovac hy vọng về việc rút kinh nghiệm lâu dài cho đất nước của mình: “Tôi hy vọng rằng Montenegro sẽ rút ra bài học khi khoản vay đã được trả hết – các dự án với quy mô và tầm quan trọng này phải được lên kế hoạch rất cẩn thận hơn“.
Nguồn: tagesschau