Thục Đoan
(VNTB) – “Đích đến trở thành nước phát triển vẫn là hành trình dài phía trước, cần đến cả khát vọng vươn lên và bản lĩnh, ý chí, quyết tâm mạnh mẽ”
Trong bài viết dài gần 5 ngàn rưởi chữ trên Tạp Chí Cộng Sản ngày 8 tháng 6 nhân dịp sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với tiêu đề “Tỏa sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khơi dậy và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” đã kêu gọi khơi dậy và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Sau 220 chữ dùng các cụm từ nổ vang như bắp rang gắn đuôi cho Chủ Tịch Hồ Chí Minh như là “lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực”, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “Khát vọng độc lập dân tộc và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là mạch nguồn xuyên suốt cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khát vọng ‘Độc lập – Tự do – Hạnh phúc’ của Người được chế định thành tiêu ngữ của mọi văn bản nhà nước gắn với quốc hiệu từ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” đến “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Khát vọng về “Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc của ông Hồ cho đến nay hoàn toàn không đạt được.
Sau khi chiến thắng Pháp, chiếm được miền Bắc, ông Hồ đưa Việt Nam vào cuộc chiến với Việt Nam Cộng Hòa. Trong suốt thời gian chiến tranh Nam Bắc, ông Hồ và ĐCSVN đã phải lệ thuộc vào Trung Cộng và Nga Xô; thần phục, nhận chỉ thị của cả 2 nước đàn anh để được vũ khí, lương thực, nhiên liệu tấn công đồng bào miền Nam. Ông Lê Duẩn từng nói cuộc chiến tranh này ta đánh là đánh cho Liên Xô. Sự lệ thuộc và tuân phuc Trung, Xô của 2 phe trong đảng một cách nồng nhiệt, mù quáng khiến nội bộ đảng từng chia phe thanh toán nhau. Hàng trăm văn nghệ sĩ, trí thức đã bị kết án oan sai, thân bại danh liệt vì thái độ nô lệ đi dây giữa Nga Tàu của đảng.
Suốt từ ngày ĐCSVN cai trị đất nước cho đến thời kỳ đảng gọi là ‘đổi mới’ giữa thập kỷ 90 thế kỷ trước, người dân cơ bản thiếu ăn thiếu măc. Sau chạy theo một phần kinh tế tư bản, một bộ phận người Việt Nam dần có ăn, có mặc, một phần rất nhỏ làm ăn móc ngoặc với đảng trở nên rất giàu, nhưng toàn dân không được hưởng quyền con người. Người dân không có hạnh phúc. Ông Nguyễn Xuân Phúc thú nhận: “Đích đến trở thành nước phát triển vẫn là hành trình dài phía trước, cần đến cả khát vọng vươn lên và bản lĩnh, ý chí, quyết tâm mạnh mẽ”.
Sau gần trăm năm hứa đưa nhân dân đến thế giới đại đồng, lần này đảng một lần nữa, xin lùi thời gian “nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa cho đến năm 2045. Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Phùng Hữu Phú cho biết, lộ trình phát triển đất nước ta thời kỳ quá độ “là vấn đề rất vướng, chưa rõ, lâu nay chưa làm được” và cần tiếp tục nghiên cứu.[1] Trước đó, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 “.. xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”[2]
Ông Phúc cũng viết: “Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, cạnh tranh giữa các nước về tốc độ và chất lượng phát triển ngày càng gay gắt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc, cơ chế vẫn còn nhiều nút thắt, điểm nghẽn cần phải được tháo gỡ, đột phá để tạo khả năng phát triển bứt phá. cạnh tranh giữa các nước về tốc độ và chất lượng phát triển ngày càng gay gắt”. Người đọc ông Phúc đến đây e rằng cái thiên đường XHCN mộng mơ của ĐCSVN đạt được lúc đó đã trở nên lạc hậu so với sự tiến bộ, phát triển rất nhanh của thế giới.
Ông Phúc lại dùng hết phần 2 của bài viết dài hơn 1300 chữ tụng ca Hồ Chí Minh. Ông ca tụng HCM nâng tầm chủ nghĩa nhân văn. Không rõ cái chủ nghĩa nhân văn HCM nâng tầm là gì, và nâng tầm thế nào, nhưng dù sao thì chủ nghĩa nhân văn, dù được cộng sản dùng như một cái mặt nạ của họ không thể che dấu thực chất chủ nghĩa xù xì duy vật cộng sản, lạnh lùng, sắt máu, phân biệt giai cấp, quyết tiêu diệt bằng bạo lực các giai cấp đối kháng để đảng, đại diện giai cấp vô sản, duy trì cai trị.
Những đức tính ông Phúc gán ghép cho ông Hồ Chí Minh nhắm cho mọi người thấy ông Hồ chẳng khác gì với các vị minh quân trước đây, nhưng thật ra HCM không thể so sánh với nhiều vị vua Việt. Điển hình như với Lý Thánh Tông, Ông Hồ không thể so sánh được với Lý Nhân Tông, một vị minh vương được mọi người kính trọng về nhân đức và cả về tài kinh bang, tế thế. Lý Thánh Tông đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, khoan giảm hình phạt, đồng thời bảo trợ Phật giáo và Nho giáo .
Ông còn xây dựng quân đội Đại Việt hùng mạnh, thực hiện chính sách đối ngoại cứng rắn với nhà Tống và mở đất về ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (nay là một phần thuộc Quảng Bình và Quảng Trị, Bắc Trung Bộ Việt Nam) sau thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt-Chiêm (1069). Sử thần đời Hậu Lê Ngô Sĩ Liên viết về Lý Thánh Tông: “Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt”.[3]
Ông Hồ Chí Minh có bao giờ nghĩ đến tù nhân trong ngục vào mùa đông rét buốt như Lý Thánh Tôn? “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”. [Đại Việt Sử Ký Toàn Thư]. Ông Hồ có khoan dân như Lý Thánh Tôn không? Ông Hồ có thật sự như Lý Thánh Tôn: “..Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm”. Đảng CSVN vẫn làm theo ý ông Hồ, duy trì án tử hình, kết án rất nặng những người đảng gán tôi chống đảng?
Trong đoạn 3, Ông Phúc viết : “từ giữa thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn/ Người đủ ăn thì khá giàu/ Người khá giàu thì giàu thêm”
Ông Phúc, người chắc phải được dạy lịch sử như bất cứ đảng viên nào về loại lịch sử đảng đã bị xóa bỏ rất nhiều trang nhuộm máu người nông dân trong cải cách ruộng đất, trong phong trào đánh tư sản từ ngoài Bắc vào Nam, chắc không biết về các điều tồi tệ đảng làm tàn mạt người dân. Có một thời rất dài ĐCSVN dị ứng với khái niệm dân giàu. Chủ trương, đường lối của đảng là “Nước giàu, dân mạnh”, làm sao nói ông HCM lúc còn sống vào thời đó chủ trương người khá giàu thì giàu thêm? Nếu có chăng lời nói đó chỉ là lời huyễn hoặc, mỵ dân. Dân chỉ có thể mạnh, tài sản vơ vét vào là của đảng.
Người viết bài này hoàn toàn thất vọng và không thể đọc tiếp bài viết của ông Nguyễn Xuân Phúc khi ông dẫn lời HCM nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đây là lời lẽ mỉa mai nhất trong toàn bài viết của ông. Lý Đông A từng viết đảng cộng sản biến nhân loại thành lò sát sanh. Đảng cộng sản đóng khung con người trong lý thuyết Marx và giống như con thỏ chạy loanh quanh trong rừng, kinh sợ con đại bàng trí thức nhân loại bay trên vùng trời bao la rộng lớn.
Chủ Tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong bài này hô hào khơi dậy và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Té ra từ trước đến nay khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đang bị kẹt ở đâu đó hay người la hét mang hạnh phúc cho dân chỉ nói ngoài miệng, và công khai vơ vét hết hạnh phúc của dân về cho đảng mình?
_______________
Tham khảo:
[3]https://www.phattuvietnam.net/vua-ly-thanh-tong-nguoi-khai-sinh-nuoc-dai-viet-sinh-nam-quy-hoi/
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả