VNTB – Một dàn nội các không đảng viên sẽ có lợi như thế nào?

VNTB – Một dàn nội các không đảng viên sẽ có lợi như thế nào?

 

Thanh Bình

 

(VNTB) – Cơ quan hành pháp ở Việt Nam nếu chấp nhận những viên chức quản lý, điều hành không chịu sự ràng buộc của yêu cầu đảng viên, có lẽ sẽ thêm kích thích năng lực cạnh tranh trong phục vụ.

 

Cạnh tranh chất lượng quản trị

Nhìn từ chuyện đi lại ở sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện một doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM – cho rằng cảnh chen lấn, quá tải ở sân bay Việt Nam kéo dài nhiều năm qua chưa giải quyết được do thiếu cơ chế thu hút sự tham gia của tư nhân.

Theo vị đại diện này, nhìn các hãng bay ở Ấn Độ, chẳng hạn như Indigo, có hệ thống phục vụ riêng như dịch vụ mặt đất, băng chuyền ở một khu riêng rất thuận lợi cho khách. “Nếu cho cơ chế doanh nghiệp tư nhân tham gia quản lý nhà ga, giảm bớt sự phụ thuộc vào cảng, hãng bay chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ tạo ra sự cạnh tranh” – vị doanh nghiệp tư nhân ấy đặt vấn đề.

Ông Lại Xuân Thanh – chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – cho rằng mô hình tư nhân đầu tư hạ tầng hàng không như sân bay Vân Đồn là một điển hình của việc xã hội hóa, tiếp cận mô hình tiên tiến của thế giới. ACV rất ủng hộ mô hình này.

Ghi nhận của báo chí cho hay nhiều sân bay cần mở rộng, nâng cấp đang được các nhà đầu tư quan tâm. Như Sovico muốn đầu tư nhiều sân bay như Chu Lai, Tuy Hòa, Thọ Xuân, Thành Sơn… Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) mong muốn đầu tư sân bay Phú Quốc, Tuy Hòa. Vingroup lên dự án sân bay Chu Lai.

Đối với các sân bay mới, T&T của doanh nhân Đỗ Quang Hiển xin đầu tư toàn bộ sân bay Quảng Trị, tổng mức đầu tư 5.800 tỉ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, khai thác hạ tầng nhà ga, khu bay các cảng hàng không lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh… đang mang lại lợi nhuận rất cao. Dù phải bù lỗ cho những sân bay tầm trung và cỡ nhỏ, nhưng một chuyên gia hàng không đã đặt câu hỏi về tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu của ACV vẫn tới 40-45%, trong khi Vietnam Airlines tỉ suất lợi nhuận được 2-3%, Vietjet tỉ suất lợi nhuận 7-8%.

Nói một cách ‘dễ nghe’, nếu cho tư nhân quản lý nhà ga hàng không, sẽ tạo cạnh tranh chất lượng phục vụ, qua đó nguồn thu về cho ngân sách chắc chắn sẽ không phải thường xuyên đối mặt than vãn lỗ lã từ các ông lớn quốc doanh nữa.

Chấm dứt quyền lực độc quyền của đảng viên

Tương tự, nếu mai này dàn nội các cũng chấp nhận những người quản lý giỏi không là đảng viên, được ngồi vào ghế bộ trưởng, thứ trưởng thì chắc chắn sẽ đưa đến việc cạnh tranh trong phục vụ người dân, kiến tạo chính sách tốt hơn so lúc độc quyền hành pháp của các quan chức/ viên chức đảng viên.

Rất đơn giản, khi quan chức/ viên chức là đảng viên thì về nguyên tắc tối thượng, họ phải tuân theo mọi chỉ đạo của cơ quan đảng cấp trên, và đến lượt mình, những cơ quan đảng cấp trên này lại chịu sự định hướng của nhóm đảng viên quyền lực khác ở cấp Bộ Chính trị. Ràng buộc chằng chịt đó lại là Hiến định ở Điều 4, Hiến pháp 2013.

Người viết cho rằng để đáp ứng  yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới chính trị, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước có hiệu quả.

Và để làm được điều đó, hãy dừng ngày việc tự ru ngủ về lý luận như lâu nay, mà hãy công tâm nghiên cứu sự tham gia của các đảng chính trị, các tổ chức xã hội một số nước trên thế giới vào hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước, qua đó có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.

Cộng hòa Pháp là một hình mẫu cho đề xuất trên.

Đa đảng không phải là “tự diễn biến – tự chuyển hóa”

Hiện nay, nước Pháp có khoảng 30 đảng chính trị hợp pháp hoạt động. Các đảng chính trị đều phải tự chủ về tài chính qua việc vận động của đảng mình, nguồn hỗ trợ từ nhà nước là không đáng kể.

Hiến pháp Cộng hòa Pháp năm 1958 quy định: “Các đảng và các nhóm chính trị giành quyền lực qua kết quả bầu cử. Các đảng và các tổ chức chính trị được tự do thành lập và hoạt động trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia và dân chủ”.

Điểm nổi bật ở Pháp là các đảng chính trị, mặc dù tồn tại những bất đồng, nhưng thường tập hợp lại với nhau thành hai phe rất rõ ràng là phe tả và phe hữu – do có mục đích, tính chất gần nhau.

Các đảng chính trị tập hợp lại với nhau để bảo vệ quyền lợi của mình đối với phe đa số nắm chính quyền, hoặc để phản đối, cản trở, kiềm chế hoạt động của chính quyền phe đối lập.

Thông qua các đảng chính trị, các cá nhân liên kết với nhau tạo nên sức mạnh cộng đồng tác động mạnh mẽ đến quyền lực nhà nước, buộc quyền lực nhà nước chỉ được vận hành trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật, vì lợi ích quốc gia và dân chúng.

Việc đấu tranh đó được coi là vận động phổ biến và nó luôn chống lại mọi biểu hiện của sự lạm quyền của đảng cầm quyền một cách ôn hòa nhưng hữu hiệu.

Nước Pháp coi các đảng chính trị là “thành quả của loài người trong việc đi tìm những phương thức thực hành dân chủ”. Do đó, các đảng chính trị có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong cách thức tổ chức, thực thi và kiểm soát quyền lực nhà nước.


 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (2)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    Lợi thì có lợi, nhưng Đảng chẳng còn . Mà mất Đảng là mất nước .

  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    Độc quyền khỏi lo cạnh tranh