Việt Nam Thời Báo

VNTB – Một ngày loanh quanh Hà Nội của Tổng thống Putin

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Chuyến thăm Hà Nội này của Tổng thống Putin đã có đến hai “hội đàm” với 11 văn kiện được hai bên ký kết

 

Khoảng 1g40 của đêm về sáng ngày 20-6, chuyên cơ chở Tổng thống Nga Putin hạ cánh ở Nội Bài, Hà Nội cho chuyến thăm cấp Nhà nước của ông chủ điện Kremlin. Chính ngọ, 12 giờ trưa 20-6, lễ đón Tổng thống Nga Putin đã được tổ chức tại Phủ Chủ tịch, do Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì.

“Ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Putin đã bước vào hội đàm, cùng thảo luận về các biện pháp quan trọng để tăng cường quan hệ hai nước” là cách dùng từ trong tường thuật sự kiện ngoại giao này trên báo chí.

Sau đó, Tổng thống Putin di chuyển sang trụ sở chính phủ để “hội kiến” Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tiếp theo lại là cuộc “hội đàm” tại trụ sở Trung ương Đảng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một chi tiết đáng lưu ý là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đón Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại sảnh Trụ sở Trung ương Đảng. Loạt hình ảnh đăng trên báo chí chỉ có 1 tấm ảnh về nghi thức lễ tân ngoại giao bắt tay của Putin với Nguyễn Phú Trọng trong tư thế hai bên đều ngồi.

Bàn luận về nguyên tắc ngoại giao, theo quan sát ban đầu của trang Việt Nam Thời Báo thì mặc dù tin tức rằng Tổng thống Putin đến Hà Nội thăm theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng người cùng Tổng thống Putin duyệt đội danh dự với nghi thức quốc khách và “hội đàm” là Chủ tịch nước Tô Lâm.

Điều này rất khác biệt so với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9-2023 là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mời và “hội đàm” chính thức. Còn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, thì đã “hội kiến” với ông Biden.

Theo Quy định số 02-QĐi/TW ngày 18-7-2018 của Ban Bí thư về lễ tân đối ngoại đảng, thì, “Mỗi chuyến thăm chỉ thực hiện một cuộc hội đàm chính thức do Tổng bí thư và trưởng đoàn khách chủ trì. Trường hợp cần thiết, ngoài hội đàm chính thức, Tổng bí thư và trưởng đoàn khách có thể có thêm hội đàm hẹp hoặc gặp hẹp.

Thành phần tham dự gồm có: Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng với Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng bí thư, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan do hai bên thỏa thuận trên cơ sở phù hợp với mức độ quan hệ, tính chất của chuyến thăm, có tính tương xứng và bảo đảm yêu cầu của nội dung hội đàm.

Tổng bí thư và trưởng đoàn khách chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác, họp báo hoặc phát biểu với báo chí (nếu có).

Địa điểm hội đàm: Tại Trụ sở Trung ương Đảng (trường hợp cần thiết có thể tiến hành tại Nhà Quốc hội hoặc tại một địa điểm phù hợp khác).

Hội kiến, căn cứ vào mức độ quan hệ với đối tác, tính chất, yêu cầu, điều kiện cụ thể của chuyến thăm và theo thỏa thuận giữa hai bên, có thể bố trí để trưởng đoàn khách hội kiến với các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác của Đảng và Nhà nước ta.

Thành phần tham dự hội kiến phía Việt Nam gồm đồng chí lãnh đạo cấp cao chủ trì tiếp khách, đồng chí lãnh đạo tháp tùng đoàn, đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì đón đoàn, đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì hội kiến và lãnh đạo của các cơ quan khác có liên quan đến nội dung trao đổi với khách (nếu cần). Thành phần tham dự phía Việt Nam cần phù hợp với tính chất của chuyến thăm, thành phần đoàn khách, chức vụ của lãnh đạo Việt Nam chủ trì tiếp khách và nội dung trao đổi.

Tham gia đón khách gồm các đồng chí tham dự hội kiến; không huy động quần chúng đón tiếp khách đến hội kiến (trừ trường hợp đặc biệt được phê duyệt tại đề án đón đoàn)” – trích Phụ lục “Quy định chi tiết một số biện pháp lễ tân đối ngoại đảng”, ban hành kèm theo Quy định số 02-QĐi/TW, ngày 18-7-2018 của Ban Bí thư về lễ tân đối ngoại đảng.

Như vậy ở chuyến thăm Hà Nội này của Tổng thống Putin đã có đến hai “hội đàm”, và không dễ phân định đâu là “hội đàm chính thức”, đâu là “hội đàm hẹp” hay “gặp hẹp”.

Tối 20-6, Tổng thống Putin rời Hà Nội.

Có 11 văn kiện được Việt Nam và Nga ký kết nhân chuyến thăm lần này được công bố tại cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc hội đàm giữa Tổng thống Putin với Chủ tịch nước Tô Lâm, gồm:

1. Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học.

2. Chương trình hợp tác giai đoạn 2024-2025 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Nga.

3. Bản Ghi nhớ về Lộ trình thực hiện Dự án Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Rosatom.

4. Bản Ghi nhớ giữa Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ Nhiệt đới hỗn hợp Việt – Nga và Cơ quan Liên bang Nga về Giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an sinh con người về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm để phòng chống dịch bệnh.

5. Trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh Lô 11-2 cho Tập đoàn Zarubezhneft.

6. Thỏa thuận hợp tác trao đổi khoa học giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA).

7. Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Hà Nội và RANEPA.

8. Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông (FEFU).

9. Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Kinh tế cao cấp (HSE).

10. Bản Ghi nhớ về hợp tác tại Việt Nam giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần Novatek.

11. Biên bản ghi nhớ giữa Công ty cổ phần Quản lý BVIM và Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF).


Tin bài liên quan:

VNTB – Suy nghĩ từ một tin tức ‘phạt vạ’ 25 triệu đồng

Phan Thanh Hung

VNTB – Biếm họa chủ nhật: Tử thần chờ đợi

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Lại tuyên ngôn “Toàn hệ thống chính trị…”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo