Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mùa… ‘cơ cấu’ quyền lực

Nguyễn Nam

(VNTB) – “Chỉ quy hoạch cán bộ vào chức danh cao hơn”

 

Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV nhiệm kỳ 2026 – 2031 đang bắt đầu vào mùa tìm kiếm những suất quyền lực chính trị.

Ông Nguyễn Phú Trọng rất có thể sẽ không tiếp tục giữ chức Tổng bí thư ở khóa XIV vì… tuổi tác. Theo điều lệ Đảng thì ông Nguyễn Phú Trọng đã ‘ngồi dư’ 1 nhiệm kỳ, nâng tổng số nhiệm kỳ liên tiếp của ông là 3 khóa liền.

Việc sắp đặt ghế quyền lực bất chấp lá phiếu cử tri được tính toán như sau – trích Hướng dẫn 16-HD/BTCTW của Ban Tổ chức trung ương:

“Chỉ quy hoạch cán bộ vào chức danh cao hơn, không quy hoạch chức vụ đang đảm nhiệm.

Ví dụ:

– Đồng chí Nguyễn Văn A hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025, khi quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ không giới thiệu đồng chí Nguyễn Văn A vào quy hoạch chức danh Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; nếu đồng chí có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thì giới thiệu vào danh sách quy hoạch chức danh Phó Bí thư hoặc Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2025-2030.

– Đồng chí Nguyễn Văn B hiện là Thứ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026, khi quy hoạch nhiệm kỳ 2026-2031 sẽ không giới thiệu đồng chí Nguyễn Văn B vào quy hoạch chức danh Thứ trưởng; nếu đồng chí đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thì giới thiệu vào quy hoạch chức danh Bộ trưởng nhiệm kỳ 2026-2031 hoặc chức danh khác cao hơn chức danh đang đảm nhiệm.

Quy hoạch cấp ủy gắn với quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Lấy quy hoạch các chức danh cấp ủy làm cơ sở để quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý, bảo đảm đồng bộ với các chủ trương, quy định của Đảng về bố trí cán bộ.

Ví dụ:

– Đồng chí Nguyễn Văn D, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025, nếu được giới thiệu quy hoạch chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2025-2030 và đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, thì có thể xem xét, giới thiệu quy hoạch hai trong ba chức danh: Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2026 – 2031, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XVI.

– Đồng chí Nguyễn Văn C, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thì xem xét, giới thiệu quy hoạch chức danh Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2025-2030 và có thể xem xét, giới thiệu quy hoạch tối đa ba chức danh: Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2026-2031, trưởng ban Đảng của tỉnh ủy hoặc chức danh lãnh đạo, quản lý khác theo quy định”.

Với quy định trên cho thấy cách tìm kiếm người tài ở thể chế chính trị Việt Nam tiếp tục chịu giới hạn của phạm vi quanh quẫn số đảng viên đã gầy được phe cánh. Không có ‘tuổi Đảng’ thì dù cá nhân đó giỏi dang đến đâu, cũng chỉ là các cấp phó trong bộ máy quản trị quốc gia.

Trên thực tế trong quá khứ ngay cả chuyện Hà Nội từng được cho là có bộ trưởng không đảng viên, đó cũng chỉ là vở diễn của các phe nhóm quyền lực theo đúng nghĩa đen.

Ông Nguyễn Văn Huy, cựu Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, kể: Năm 1960, khi đó tròn 30 năm thành lập Đảng Lao động Việt Nam, Đảng ủy Bộ Giáo dục muốn giới thiệu GS Nguyễn Văn Huyên (thân phụ của ông Huy) vào Đảng. Giữa lúc đất nước đang bị chia cắt thành 2 miền, công cuộc đấu tranh thống nhất còn khó khăn, trong một động thái cân nhắc thận trọng, Đảng ủy Bộ Giáo dục đem quyết định hỏi ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị.

Trong một bữa trưa mời riêng Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, cụ Hồ thẳng thắn gợi ý: “Chú ở ngoài Đảng có lợi cho cách mạng hơn”.

Nhìn lại việc này, ông Nguyễn Văn Huy đánh giá quyết định của cụ Hồ có ý nghĩa rất quan trọng.

“Đất nước chia cắt hai miền, rất cần người trong Đảng, ngoài Đảng, các đảng phái khác cùng tham gia chính quyền để thành một mặt trận thống nhất, đoàn kết cả nước”, phân tích của ông Huy.

Vào thời điểm đó, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết 10 về việc này. Trong đó có quyết định không kết nạp một số trí thức cao cấp không thuộc đảng phái nào, để “ở ngoài có lợi hơn”.

Mang danh phận ở ngoài Đảng nhưng mọi sinh hoạt của Đảng, chi bộ, Đảng ủy Bộ,  Đảng Đoàn, ông Nguyễn Văn Huyên đều được mời tham dự. Đại hội Đảng toàn quốc ông là đại biểu mời. Có nghĩa ông chẳng khác nào đảng viên của Đảng, chỉ khác biệt không đóng đảng phí và tham gia biểu quyết. Chính do sự “bí ẩn” này, nhiều năm về sau các con của ông dù đi bộ đội, phấn đấu nhiều năm nhưng chưa thể vào Đảng.

“Vì họ thấy trong gia đình tôi không có ai là đảng viên, thành phần giai cấp lại rất đặc biệt”, ông Huy lý giải.

Nhưng đó cũng không phải chuyện bất biến. Năm 1972, ông Huy công tác tại Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Khi cân nhắc quyết định kết nạp ông vào Đảng, tổ chức đã cẩn thận đến Bộ Giáo dục hỏi rõ chuyện “Bộ trưởng ngoài Đảng” của cha ông và được giải thích rõ việc này.

Hai chị gái của ông sau đó cũng lần lượt trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Tin bài liên quan:

VNTB – Biệt động Sài Gòn: phải chăng đó là tổ chức khủng bố?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đảng tổ chức Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 để bàn về nhân sự

Do Van Tien

VNTB – Công an Việt Nam: hoàn tất việc xóa sổ các nhóm xã hội dân sự ‘ngoài quốc doanh’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo