Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Mưa đá phủ một lớp dày trắng xóa như tuyết, dự ước phải trên cả gang tay tại các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang.
Có người dẫn Kinh Dịch để gieo một quẻ như sau về chuyện Tết rồi Hà Nội có mưa đá đêm giao thừa, và vừa qua tháng Giêng thì mưa đá lại trắng xóa trời đất Lai Châu: Khảm Bắc, Chấn Đông và Trạch thủy khốn.
Giao thừa Bích thượng thổ mà mưa như trút giận cuộc xung đột nhiệt – hàn chính Hạ, ấy là cực đoan Khảm. Không chỉ thêm vào mà là chủ thể chính thứ hai là sấm sét thuộc Chấn trái lẽ thường. Khảm định vị ở chính Bắc. Chấn định vị ở chính Đông. Bắc và Đông có chuyện bất thường. Sự bất thường cực đoan.
Đầu tháng ba dương lịch, mưa đá phủ một lớp dày trắng xóa như tuyết, dự ước phải trên cả gang tay tại các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang.
Cơ quan thời tiết cho hay do ảnh hưởng của hội tụ gió lên đến 5000m nên ngày 3-3, Bắc Bộ có mưa rào và dông; từ đêm 3-3 do kết hợp với không khí lạnh nên có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to; Bắc Trung Bộ có mưa dông, từ chiều 4-3, mưa mở rộng xuống Trung Trung Bộ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh…
Trong cuốn “Những ngày cuối cùng của Mao Trạch Đông” viết theo lời kể của Tiểu Mạch, hộ lý chăm sóc sức khỏe cho Mao suốt 20 năm, có thuật lại câu chuyện xảy ra vào những ngày cuối đời của ông, và sau này đã được nhiều báo chí nhà nước Việt Nam khai thác, qua đó cho thấy ít nhiều về quan niệm ít nhiều tin vào chiêm tinh học của Đảng và Nhà nước:
“Một buổi chiều năm 1976, Mao được cô hộ lý đọc báo cho nghe và được biết rằng có một thiên thạch rơi với tốc độ lớn vào khí quyển địa cầu, cháy sáng như một quả cầu lửa khổng lồ rồi phát nổ trên vùng trời ngoại ô Cát Lâm. Đá trời nổ bắn ra bức xạ đá bốn phía, tạo một trận mưa thiên thạch lớn. Có 3 viên rơi xuống đất, tạo thành một hố sâu, làm đất đá văng xa hơn 100 m. Viên lớn nhất nặng gần 1,8 tấn.
Mao nghe xong, nhờ người đỡ ngồi dậy ra đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài xa, rồi trầm ngâm nói: “Trung Quốc có một thuyết gọi là thiên nhân cảm ứng, ngụ ý là nếu nhân gian sắp xảy ra một sự biến lớn thì thiên nhiên sẽ có những biểu hiện báo trước. Trời rung, đất chuyển, đá lớn từ trên không rơi xuống đó là điềm gở. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, trước khi Gia Cát Lượng, Triệu Vân, Quan Công qua đời đều xảy ra các hiện tượng bất thường như sao rụng, đá rơi, gãy cột cờ”.
Đến ngày 28/7/1976, một trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Đường Sơn làm chết hơn 240.000 người và 160.000 người bị thương. Không biết chuyện thiên thạch rơi và động đất có tác động gì đến suy nghĩ và sức khỏe của Mao Trạch Đông hay không nhưng đến ngày 9/9/1976, ông qua đời.
Dư luận cho rằng 3 viên thiên thạch rơi báo hiệu Trung Quốc mất 3 nhân vật vĩ đại, đó là Tổng tư lệnh Chu Đức, Thủ tướng Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông (đều mất năm 1976)”.
Nội dung tương tự phần lược dịch ở trên, có thể tìm đọc trên báo An ninh Thế giới ngày 2/10/2006 (1); báo Một Thế Giới số ngày 11/12/2014 (2).
Từ câu chuyện kể về Mao Trạch Đông trước hàng loạt sự việc thiên nhiên mà người phương Đông tin rằng đó là ‘điềm trời’, thì liệu với Việt Nam từ chuyện mưa đá đêm giao thừa ngay đất thủ đô, cho tới các tỉnh biên cương giáp với Trung Quốc đang xảy ra mưa đá dày như tuyết, cùng với chuyện ở nơi được coi là ‘mặt trời vẫn chiếu sáng’, như Việt Nam vừa là Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vừa là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, thì liệu có điềm gì về giác độ thuần chiêm tinh học đối với người đứng đầu đảng chính trị ở Việt Nam?
Thường thì theo quy luật thời tiết, ở Việt Nam vào tháng Tư hàng năm là thời điểm giao mùa. Trong thời gian này thường xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, giông lốc. Giờ chỉ mới ra Giêng… Khảm Bắc, Chấn Đông và Trạch thủy khốn.
+ Chú thích:
(1) http://antg.cand.com.vn/hau-truong/Nhung-nam-cuoi-doi-cua-Mao-Trach-Dong-qua-loi-ke-284921/