Thới Bình
(VNTB) – Không như các lĩnh vực khác hàng hóa tương đối phong phú, vật tư – thiết bị y tế chỉ có một hoặc hai đại diện/ nhà cung cấp
Ngày hôm nay 23-2-2023, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp với các bộ ngành liên quan để tháo gỡ một số vướng mắc trong mua sắm vật tư, thiết bị đang ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh.
Ghi nhận ý kiến từ các giám đốc bệnh viện, thì Thông tư 68 của Bộ Tài chính ban hành ngày 11-11-2022 hiện đang áp dụng được cho là lại gây thêm khó khăn cho bệnh viện.
Theo quy định trong thông tư 68, giá thị trường làm cơ sở mua sắm phải “được tham khảo từ ít nhất ba báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất”.
Có lẽ lúc chắp bút soạn thảo thông tư 68, phía Bộ Tài chính quên mất rằng không như các lĩnh vực khác hàng hóa tương đối phong phú, vật tư – ở đây thiết bị y tế có những đặc thù: có loại “máy đóng”, vật tư đi kèm thiết bị, không dễ có “ba báo giá”. Có loại máy móc chỉ có một hoặc hai đại diện/ nhà cung cấp, việc tìm ba báo giá rất khó khăn.
Theo ông Đào Xuân Cơ, giám đốc bệnh viện Bạch Mai, thì ba năm vừa qua do nhiều thiết bị y tế diện xã hội hóa, liên doanh liên kết bị vướng về pháp lý, Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị ung bướu của bệnh viện gần như “trắng” về thiết bị, các máy móc như máy xạ phẫu, máy chụp cắt lớp, máy chụp PET… đều phải trùm mền.
Gần đây bệnh viện có dự định mua một số thiết bị cho trung tâm, nhưng lại vướng ở chỗ loại thiết bị bệnh viện dự định mua chỉ có hai đại diện ở Việt Nam, và có thể có hai báo giá, chưa tìm được cái thứ ba để tiến hành mua sắm đúng quy định hiện hành.
Chưa kể là cho đến nay văn bản hướng dẫn Luật Quản lý và sử dụng tài sản công vẫn chưa quy định rõ vật tư y tế như bông, băng, cồn, gạc,… có phải là tài sản công hay không? Trường hợp là tài sản công thì để mua sắm phải có định mức, nhưng thực tế không thể ban hành định mức do tính chất đặc thù vật tư sử dụng một lần cho người bệnh.
Hiện nay, trang thiết bị y tế đang là mặt hàng phải quản lý giá, tức là phải kê khai và công khai giá. Tuy nhiên, trên cơ sở giá đã kê khai và đã công bố, bên thực hiện mua sắm sẽ phải căn cứ vào đó để thực hiện mua sắm theo quy định của Luật Đấu thầu.
Từ trước tháng 4/2022, các trang thiết bị y tế không phải là mặt hàng quản lý giá mà vận hành theo thị trường. Chính vì vận hành theo thị trường nên giá của các trang thiết bị y tế được các doanh nghiệp tự xác định do nhu cầu, do khả năng cung ứng, do tình hình bệnh tật tại từng thời điểm. Giá này được niêm yết giá trên Cổng công khai giá của Bộ Y tế.
Một trong những vấn đề được đưa ra tại cuộc họp ngày 23-2-2023 giữa Bộ Y tế với các bộ ngành liên quan trong yêu cầu tháo gỡ một số vướng mắc trong mua sắm vật tư, thiết bị đang ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, là chuyện liên quan đến vấn đề làm sao để xây dựng mức giá có thể mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế mà không sai quy định, thay vì căn cứ vào giá kế hoạch còn đang rất vướng hiện nay”.
Lãnh đạo một bệnh viện lớn cho biết, rất cần có mức giá trần đối với máy móc, trang thiết bị y tế để mua theo loại cấu hình. Tức là các máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế phải được Nhà nước quản lý giá theo khung, có biên độ giao động, để tạo tính pháp lý trong mua bán trang thiết bị y tế mà không mua phải máy có “bẫy thổi giá”.
“Ngành y tế là ngành cung cấp dịch vụ có điều kiện, việc mua bán máy móc, trang thiết bị cần phải có khung giá quản lý thì mới đảm bảo về an sinh xã hội. Các bệnh viện rất mong đợi điều này để tạo hành lang cho chúng tôi mua sắm”, vị lãnh đạo này cho biết.
1 comment
“vật tư – thiết bị y tế chỉ có một hoặc hai đại diện/ nhà cung cấp”
Ừ thì mua vật tư thiết bị y tế như mua rau ở Hợp Tác Xã ngày xưa . Nếu muốn làm tốt chuyện này, Đảng cần phải trở lại re-visit các định chế Xã hội chủ nghĩa . Kinh nghiệm có thừa