Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mười sự kiện nổi bật trong năm 2019

Việt Nam Thời Báo

Như thường lệ, dịp cuối năm là thời điểm để nhìn lại những sự kiện nổi bật. Chúng tôi không bao quát các sự kiện chính trị – xã hội nổi bật, chúng tôi nhấn mạnh các sự kiện có tác động qua lại với nhân quyền và không gian xã hội dân sự tại Việt Nam. Đó là lý do bạn sẽ không thấy sự kiện xử đại án AVG trong danh sách này.

1. Facebookers liên tục bị bắt giữ và tuyên án

Năm 2019 chứng kiến cảnh tượng bắt giữ nhiều Facebooker trên cả nước, trải dài ở tất cả các tháng trong năm liên quan đến tội danh ‘an ninh quốc gia’, chủ yếu là ‘tuyên truyền chống phá đảng, nhà nước’.

Mức án trung bình là 6 năm tù, mức án cao nhất là 14 năm tù dành cho thầy giáo Đào Quang Thực về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.

Năm 2019 cũng chứng kiến chính quyền các tỉnh thành bắt giữ cá nhân tham gia cuộc chiến chống BOT bẩn. Cụ thể, bà Đặng Thị Huệ hay còn có tên gọi khác là Huệ Như – một người thường lên tiếng phản đối các trạm thu phí BOT có vấn đề đã bị công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bắt giữ vào tháng 10-2019, với cáo buộc ‘Gây rối trật tự công cộng’.

Trong một con số thống kê, số tù nhân lương tâm bị bắt giữ tại các nhà tù Việt Nam đã vượt con số 200 người, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch).

2. Tự do báo chí, in ấn tụt dốc

Vào tháng 4-2019, Tổ chức phóng viên không biên giới – RSF đã công bố bảng xếp hạng tự do báo chí 2019. Theo đó, Việt Nam đã bị tụt một hạng trên bảng xếp hạng tự do báo chí so với năm ngoái, đứng thứ 176/180 quốc gia được đánh giá.

Trường hợp nhà báo độc lập bị bắt gần nhất là ông Phạm Chí Dũng, vào ngày 21-11-2019, với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo Điều 117 Bộ luật hình sự 2015.

Một trường hợp khác là Nhà xuất bản Tự do được thành lập vào tháng 2-2019 với tôn chỉ ‘hoạt động độc lập, không chịu sự kiểm duyệt’. Vào tháng 10-2019, một số độc giả của Nhà xuất bản này phản ánh lại với cô Phạm Đoan Trang và Fanpage của Nhà xuất bản về việc ‘họ bị an ninh sách nhiễu và khủng bố tinh thần’.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nhanh chóng lên án vấn đề này, thông cáo cho biết: Việc đàn áp đã gửi ra một thông điệp đáng ngại cho những người muốn tự do thực hành quyền bày tỏ ý kiến và tiếp xúc thông tin, quan điểm, đồng thời là một dấu hiệu cho thấy việc chính quyền không chấp nhận sự bất đồng quan điểm ôn hòa.

3. Tự do internet xuống hạng

Tổ chức Freedom House công bố báo cáo tự do Internet, ngày 5-11, xếp Việt Nam vào danh sách các nước không có tự do Internet. Bao gồm: hạn chế quyền của người sử dụng Internet, kiểm soát nội dung trên mạng xã hội”.

Trong phần đánh giá về Việt Nam, báo cáo của tổ chức này đã đánh giá Việt Nam chỉ được 24/100 điểm, cụ thể, ở phần trở ngại để truy cập, Việt Nam được 12/25 điểm, phần giới hạn đối với nội dung được 7/35 điểm, phần vi phạm quyền người dùng được 5/40 điểm. Nguyên nhân đến từ việc, Nhà nước Việt Nam đã thiết lập nhiều công cụ để kiểm soát Internet, trong đó có Luật An ninh mạng năm 2018.

4. Luật an ninh mạng có hiệu lực

Với 7 chương, 73 điều – Luật an ninh mạng  chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Luật này dù được chính quyền quảng bá là ‘quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng, bên cạnh đó là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.’ Tuy nhiên, trong một phát biểu vào tháng 6, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: Cần có Luật này bảo vệ chế độ, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi.

Đánh giá về Luật này, chuyên gia an ninh mạng Dương Ngọc Thái đã có thư ngỏ gửi Quốc Hội, khẳng định (i) ‘Chống nói xấu Đảng không đảm bảo được an ninh mạng’, (ii) Đảm bảo an ninh mạng không có nghĩa là phải hi sinh phát triển kinh tế và tự do của người dân.

David Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 2011 – 2014, bày tỏ, ‘Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật An ninh mạng và đó là ‘bước lùi lớn’ – gây hệ lụy là khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tốn thêm chi phí.’

5. Tiếp tục dừng lại luật đặc khu

Vào tháng 8-2018, trước áp lực của dư luận xã hội. Quốc Hội Việt Nam đã biểu quyết tán thành tạm dừng luật đặc khu như là biểu hiện ‘thể hiện trách nhiệm trước nhân dân’.

Vào năm 2019, sau Phú Quốc, Khánh Hòa xin dừng quy hoạch Bắc Vân Phong thành đặc khu. Nguyên nhân xuất phát từ thiếu cơ sở pháp lý trong quy hoạch và định hướng quy hoạch đặc khu khi Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội dự kiến thời gian thông qua.

6. Hoãn thời hạn ghi âm, ghi hình khi lấy cung

Dù Thông tư liên tịch 03/2018 của Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Quốc phòng có hiệu lực từ ngày 18-3 đề ra quy định nhằm chống bức cung, nhục hình và oan sai. Trong đó, trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được hỏi cung, lấy lời khai của bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội.

Và dù vào tháng 9-2019, Bộ Công an thống nhất ghi âm, ghi hình có âm thanh trong việc hỏi cung bị can từ ngày 1-1-2020 trên phạm vi cả nước, theo Đề án cơ sở vật chất, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can được Thủ tướng phê duyệt hôm 11-9. Tuy nhiên, vào ngày 24-12-2019, Bộ Công an cho biết Bộ này muốn lùi việc áp dụng biện pháp ghi âm, ghi hình trong hỏi cung thêm một thời gian nữa vì đây ‘là một chủ trương lớn, đòi hỏi nỗ lực của các bộ ngành’.

Trong khi đó, chiều 21-11-2019, bị can Đặng Thanh Tùng bị chết trong thời gian tạm giam tại trại tạm giam tỉnh Hà Nam.

Còn trong phiên tòa xét xử lưu động 9 bị cáo tham gia cưỡng bức, sát hại nữ sinh giao gà. Bùi Văn Công khai trong thời gian tạm giam, hắn ta bị điều tra viên [công an tỉnh Điện Biên] đánh đập bằng dùi cui điện. ‘Thưa quý tòa, bị cáo bị oan. Bị cáo bị ép cung, bị đánh đập nhiều lần đến khi ngất và sau đó bị dí điện vào vùng nhạy cảm, hắt nước để tỉnh lại’.

7. EVFTA

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được chính thức kết thúc đàm phán vào tháng 12-2015, và Hiệp định đã được ký kết vào 30-6-2019. Và dự kiến hoàn tất vào đầu năm 2020. Hiệp định được đánh giá là có đi kèm các điều kiện nhân quyền bên cạnh thương mại, nhằm đảm bảo sự phát triển thịnh vượng ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Hiệp định dù đi kèm các điều khoản nhân quyền, trong đó có vấn đề ‘công đoàn ngoài nhà nước’. Tuy nhiên, góc góc độ hoạt động nhân quyền tại Việt Nam, khả năng thực thi các cam kết nhân quyền của Hà Nội khó có tính thực tế cao. Một trong số đó là Việt Nam chưa phê chuẩn, hoặc xác định lộ trình ràng buộc để phê chuẩn (Công ước 87 của ILO về tự do lập hội và bảo vệ quyền tổ chức và Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức).

EVFTA cũng chứng kiến sự phản ứng có phản trái ngược trong những nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, liên quan ‘ủng hộ’ EVFTA để có ràng buộc nhân quyền và ‘phản đối’ phê chuẩn EVFTA cho đến khi Việt Nam cải thiện nhân quyền.

EVFTA từng gặp ‘trục trặc kỹ thuật’ vào đầu năm 2019.

8. Bãi Tư Chính

Bãi Tư Chính – khu vực thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam đã bị Trung Quốc ngang ngược ‘quần thảo’ trong thời gian 3 tháng (từ 3-7-2019 đến ngày 24-10-2019). Hành động này được đánh giá là ‘nắn gân’ Hà Nội trước thềm Đại hội Đảng và các sự kiện trọng đại khác trong năm 2020.

Sự kiện Bãi Tư Chính dẫn đến nhu cầu xã hội về thay đổi chính sách đối ngoại quốc phòng, trong đó chấm dứt chính sách ‘không liên minh’.

Sự kiện Bãi Tư Chính cũng chứng kiến trạng thái ‘im lặng bất thường’ trong xã hội Việt Nam. Mặc dù tính ngang ngược của Trung Quốc lần này vượt xa năm sự kiện xâm nhập trái phép khi đặc quyền kinh tế Việt Nam của tàu HD-981, vào năm 2014.

9. Bộ luật lao động được sửa đổi 2019

Vào tháng 11-2019, Bộ luật lao động sửa đổi với 17 Chương và 220 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 được Quốc Hội Việt Nam thông qua.

Quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội ghi nhận đây là ‘một bước tiến quan trọng nhằm đưa khuôn khổ pháp luật tại Việt Nam tiệm cận gần hơn tiêu chuẩn lao động quốc tế’, và rằng, ‘Quốc hội Việt Nam đã ban hành một đạo luật lịch sử’.

Tuy nhiên, chưa có một lộ trình ràng buộc rõ ràng trong hình thành tổ chức công đoàn ngoài nhà nước này trong tương lai, khiến không ít người nghi ngờ ‘công đoàn cuội’.

10. Người dân Đồng Tâm cầu cứu thế giới

Sự kiện ‘giữ đất’ tại Đồng Tâm (Hà Nội) tiếp tục nóng lên vào những ngày cuối năm.

Facebooker Trịnh Bá Phương thông tin: sau sự việc các lực lượng công an, quân đội kéo về trường bắn ở Miếu Môn- Đồng Tâm hôm 29-12-2019, cụ Lê Đình Kình một đảng viên lão thành và các đại diện Đồng Tâm đã gửi lá đơn kêu gọi sự quan tâm của các tổ chức nhân quyền, chính phủ các quốc gia quan tâm đến nhân quyền Việt Nam. Kiến nghị ‘chính phủ các nước, các tổ chức nhân quyền Quốc tế hãy giúp đỡ, bảo vệ nhân quyền và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân chúng tôi.’

Sự kiện lần này làm gợi nhớ sự kiện nổi dậy của người dân xã An Ninh (Quỳnh Phụ, Thái Bình) vào đêm 26 rạng ngày 27-6-1997, một ‘phản ứng và khiếu kiện của nông dân về những vấn đề dân chủ và công bằng xã hội trong nông thôn.’

Tin bài liên quan:

VNTB – Tờ Apple Daily giã biệt người Hong Kong với ấn bản cuối cùng

Phan Thanh Hung

 VNTB – VASEP tiếp tục đề nghị giảm phí công đoàn, bảo hiểm

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Ba tổ chức nhân quyền Việt Nam phản biện báo cáo của Việt Nam đệ nạp cho Uỷ ban Nhân quyền LHQ

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo