Trúc Mai – Nguyên Bình (VNTB) Quy định vừa ban hành này của liên Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Nội vụ được cho là cái cớ để không phải tăng lương cho các thầy cô giáo.
Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV chia các thầy cô giáo tiểu học ra gồm 3 hạng II, III và IV. Hạng II được áp dụng hệ số lương viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2.34 đến hệ số lương 4.98). Hạng III được áp dụng hệ số lương viên chức loại A0 (từ hệ số lương 2.10 đến hệ số lương 4.89). Hạng IV được áp dụng hệ số lương viên chức loại B (từ hệ số lương 1.86 đến hệ số lương 4.06).
Các thầy cô giáo tiểu học đã có ngạch lương từ năm 2015 trở về trước và các thầy cô giáo bắt đầu nghề gõ đầu trẻ từ niên học 2016/2017 chỉ được trả tiền lương theo thâm niên, trình độ, thành tích, tham gia sinh hoạt hội, đoàn… khi có được chứng chỉ tiếng Anh A2 theo khung trình độ chung châu Âu (CEFR – Common European Framework of Reference).
Hội Cựu Giáo chức Sài Gòn cho rằng quyết định nói trên có lẽ chỉ nhằm ngăn việc tăng lương theo quy định. Thứ nhất, trước khi đứng trên bục giảng, những người giáo viên đã tốt nghiệp ít nhất là học Trung cấp sư phạm rồi liên thông lên Cao đẳng sư phạm thậm chí là Đại học sư phạm. Có nghĩa là, giáo viên đã học môn tiếng Anh trong thời gian 11 năm (7 năm phổ thông và 5 năm [tổng số thời gian học sư phạm]), đồng nghĩa với việc đó là giáo viên đã được trang bị ít nhiều kiến thức tiếng Anh vào bộ môn của mình tham gia giảng dạy. Vậy thử hỏi, giờ bắt buộc giáo viên dạy các môn (ngoài môn Ngoại ngữ) phải đạt trình độ A2 để làm gì? Chứng chỉ này sẽ đánh giá được điều gì?
Nhiều lớp học như vầy thì thầy cô giáo nói tiếng Anh chuẩn CEFR để làm gì? Anh: Trúc Mai – Nguyên Bình |
Thứ hai, giáo viên bậc trung học cơ sở để chuyển lên hạng II được áp dụng hệ số lương viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2.34 đến hệ số lương 4.98) thì dù là đã tốt nghiệp Đại học sư phạm thì vẫn bắt buộc phải có chứng chỉ Ngoại ngữ A2. Rõ ràng, trước khi có Thông tư này thì số giáo viên học tại chức, học từ xa dù không có chứng chỉ Ngoại ngữ vẫn được chuyển sang hạng II bình thường. Tuy nhiên, hiện nay giáo viên cầm trên tay tấm bằng Đại học chính quy thì lại không đủ điều kiện để chuyển hạng?
Thứ ba, dù xếp hạng thấp nhất là giáo viên trung học cơ sở hạng III (tương đương tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm) mà vẫn bắt buộc phải đạt chứng chỉ Ngoại ngữ A1. Liệu với quy định này thì thử hỏi toàn bộ giáo viên trên cả nước có bao nhiêu người đạt được những yêu cầu trên?
Thứ tư, đối với giáo viên Ngoại ngữ, ngoài việc có kiến thức chuyên môn phải đạt mức rất cao, thì cần phải có thêm trình độ ngoại ngữ thứ 2 đạt bậc 3 (bậc B1) làm sao giáo viên thi nổi khi không thuộc chuyên ngành của mình?
Thứ năm, theo khoản 2.d, Điều 5 Giáo viên trung học cơ sở hạng II – Mã số V.07.04.11 quy định giáo viên trung học cơ sở muốn chuyển sang hạng II thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hạng II. Vậy ai sẽ là người cấp chứng chỉ này và quy trình cấp diễn ra như thế nào?
Thứ sáu, giáo viên tiểu học thời gian dạy ở trường chiếm tới 8-9 buổi/tuần, giờ còn đăng ký học tiếng Anh thì thời gian soạn giáo án, thiết kế bài giảng vào lúc nào?.
Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay để có các loại chứng chỉ ngoại ngữ “chuẩn CEFR” như quy định của Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ, thầy cô giáo chỉ cần móc tiền túi từ 1,9 triệu đến 3,5 triệu đồng để mua chứng chỉ được rao bán công khai trên internet, rồi nộp theo thủ tục hành chánh là xong, không có vấn đề kiểm tra các chứng chỉ này.