Phạm Chí Dũng
VOA
Người biểu tình tọa kháng trước Ủy ban Nhân dân Hà Nội, ngày 7 tháng 5 năm 2016.
Vào tháng Bảy năm 2016 sẽ diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Australia. Sau một thời gian dài lắng tiếng, người Úc đã quyết định dấn sâu hơn nữa vào công cuộc đòi hỏi quyền làm người cho dân chúng Việt Nam.
Phản ứng mang tên Australia
Vài nhà bất đồng chính kiến Việt Nam có dịp tiếp xúc với giới quan chức ngoại giao Australia và Tổ chức Theo dõi nhân quyền ở Australia đã cho biết chính phủ này ngày càng đặc biệt quan tâm đến nhân quyền Việt Nam. Hơn cả thế, chính phủ Australia đang muốn hướng đến hiệu quả nhân quyền không chỉ bằng những tuyên bố mà còn bằng hành động cụ thể.
Tháng Năm năm 2016, 5 nhân viên an ninh đã bám sát tôi vào tận một quán cà phê thường phục vụ khách nước ngoài ở đường Đồng Khởi, Sài Gòn. Cuộc gặp giữa những viên chức chính trị của Đại sứ quán Australia với tôi bị gián đoạn bởi cái cách quay phim lộ liễu và dưới tầm văn hóa trung bình của các nhân viên an ninh thuộc Công an TP.HCM. Nhưng tôi không hề lạ lẫm với hiện tượng này, cũng bởi đã quá quen với cách hành xử tương tự của nhân viên an ninh trong những lần tôi tiếp xúc với giới quan chức ngoại giao và giới nghiên cứu của Mỹ. Song điều khiến tôi ngạc nhiên là thái độ phản ứng mạnh mẽ không ngờ của những viên chức Australia. Không cố kềm nén như trước đây, một nữ viên chức chính trị Australia quay hẳn người lại nhìn thẳng vào nhân viên an ninh đang quay phim cô rồi rút máy điện thoại ra. Ngay lập tức nhân viên an ninh biến mất sau bức tường. Nữ nhân viên ngoại giao Australia phẫn nộ nói với tôi rằng cô xem đây là một bằng chứng về việc công an Việt Nam vi phạm quyền tự do cá nhân và sẽ đưa vụ việc này ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Australia vào tháng bảy năm nay.
Những dấu hiệu trên cho thấy giới đấu tranh dân chủ nhân quyền Việt Nam không đến nỗi phải quá bi quan sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Obama.
Phản ứng mang tên 2016/2755 (RSP)
Một sự việc đáng chú ý là chỉ sau chuyến đi trên khoảng 2 tuần, Nghị viện châu Âu đã tung ra một bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam, mang số hiệu 2016/2755 (RSP). Khác với bản nghị quyết gần nhất về nhân quyền cũng của tổ chức này vào năm 2009 được coi là khá mềm mỏng, bản nghị quyết lần này được một số nhà đấu tranh đánh giá có tính cách như một bản cáo trạng, lời lẽ đanh thép và đề cập đến hầu hết các vấn nạn nhân quyền bị xâm hại ở Việt Nam như tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do hội họp…, và về nhiều người bất đồng bị chính quyền bắt giam.
Cần nhắc lại, hành động đàn áp mới nhất của chính quyền Việt Nam xảy đến đối với những người biểu tình bảo vệ môi trường vào tháng 5/2016, đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gắt gao.
Theo Tổ chức nhân quyền Freedom House, trong thời gian gần đây chính quyền Việt Nam đang nỗ lực hạn chế hơn nữa tất cả mọi hình thức của những quyền căn bản đối với người dân trong nước.
Năm 2016, tổ chức Human Rights Watch đã đưa ra bản báo cáo về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam với nhiều bằng chứng cho thấy có sự ngược đãi trắng trợn trên khắp nước từ phía chính quyền, trong đó việc hăm doạ các nhà tranh đấu nhân quyền, công an sử dụng tra tấn đối với những người bị bắt, nhà nước đền bù không tương xứng cho nông dân trên phần đất bị chính quyền cưỡng đoạt cho những kế hoạch phát triển và xây dựng, và tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có các nghiệp đoàn lao động độc lập.
Cũng theo tổ chức Human Rights Watch, năm 2015 có ít nhất 45 bloggers và nhà tranh đấu tại Việt Nam đã bị công an mặc thường phục đánh đập. Và hiện nay chính quyền Việt Nam vẫn đang giam giữ khoảng 150 tù nhân chính trị.
Truyền thông – một trong những phạm vi thuộc đời sống sinh hoạt của người dân – vẫn đang bị chính quyền kiểm soát gắt gao nhất. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam đứng thứ 175 trong danh sách 180 quốc gia và lãnh thổ về mức độ tự do báo chí, chỉ trích chính quyền đang ra sức đàn áp những nhà báo nào không đi theo đúng đường lối của nhà nước.
Chính Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động – ông Tom Malinowski – đã phải khẳng định “chưa có tiến bộ nào để chúng tôi có thể nói là nhà nước Việt Nam đã đáp ứng đúng cam kết vể cải cách pháp lý”. Từ sau Hiến pháp năm 1992, chính quyền Việt Nam vẫn còn nợ người dân các luật biểu tình, luật lập hội và luật tự do tôn giáo…
Hành động
Một nhà phân tích thời cuộc cho biết: đang xuất hiện những dấu hiệu cho thấy người Mỹ không hoàn toàn “buông” nhân quyền Việt Nam. Nhưng thay vì đặt vấn đề này thành ưu tiên như trước đây, Mỹ đang tập trung “đối tác quân sự” với Việt Nam trên căn bản vấn đề Biển Đông. Còn nhân quyền đang được Mỹ “chuyển giao” cho nghị viện châu Âu để tiến hành thường xuyên những cuộc đối thoại nhân quyền với chính quyền Việt Nam, và hơn thế nữa là hỗ trợ Xã hội dân sự ở Việt Nam.
Một tháng sau chuyến đi của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, Hạ viện Mỹ tổ chức một cuộc điều trần về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Dân biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) lên tiếng kêu gọi Quốc hội sớm thông qua các đạo luật nhân quyền nhằm chế tài Việt Nam.
“Tôi dự định sẽ đưa ra luật chế tài các kẻ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như là một tu chính vào luật chuẩn chi ngân sách quốc phòng mà sẽ được Thượng viện cứu xét nội trong tuần này,” – John Cornyn (Cộng Hoà, Texas), vị thượng nghị sĩ quyền thế thứ hai trong Thượng viện Hoa Kỳ, tuyên bố.
Một cuộc vận động đang được tiến hành để Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một số luật về nhân quyền như dự luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế “Frank R. Wolf” năm 2015 (H.R. 1150), bổ sung Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998, đã được Hạ viện thông qua. Nếu được Thượng viện thông qua, H.R. 1150 sẽ khiến khối hành pháp khó tránh né việc chỉ định “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC) đối với những nước như Việt Nam và chế tài các giới chức chính quyền và những thành phần không thuộc chính quyền (như xã hội đen ở Việt Nam) do vi phạm tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng.
Còn trên đất Việt, đó đây bắt đầu một số cuộc tiếp xúc của giới ngoại giao phương Tây với một số tổ chức xã hội dân sự độc lập. Nhiều vụ việc nhân quyền trong quá khứ và hiện tại được đề cập với mức độ quan tâm mang tính hành động hơn.
Đặc biệt, một viên chức ngoại giao nước ngoài hỏi tôi “Làm thế nào mà một chính phủ vẫn thản nhiên tiếp nhận viện trợ ODA trong lúc vẫn không hề giảm bớt mức độ đàn áp nhân quyền?”.
Hỏi cũng có nghĩa là trả lời.
Chỉ mới đây thôi, sau khi theo dõi những chỉ trích của cuộc đàn áp gần đây của Chính phủ Campuchia đối với giới đối lập và xã hội dân sự, Hoa Kỳ đã quyết định hành động bằng cách liên kết gói viện trợ 77,8 triệu đô la của mình cho quốc gia này trong năm 2017 với việc cải thiện nhân quyền.
Còn Việt Nam?
Ngân sách quốc gia này đang hóa thân vào một không gian trống rỗng, núi nợ vay mượn hơn 80 tỷ USD vốn ODA trong suốt hai chục năm qua đã đến lúc phải thanh toán. 20 tỷ USD phải trả nợ nước ngoài cho năm 2015 và ít nhất 12 tỷ USD phải thanh toán quốc tế cho năm 2016 – đó là những gì tối thiểu mà chính thể bị coi là “ăn của dân không chừa thứ gì” đang phải tự tìm ra lối thoát.
Khác hẳn với tư thế vừa được gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa được nhấc khỏi Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) vào năm 2007, giờ đây những người còn cầm quyền ở Việt Nam đang rơi vào tâm thế “tứ bề thọ địch”: phía Bắc là Trung Quốc lăm le xâm lược, biên giới Tây Nam ngày càng dễ bị chọc dao mạn sườn, kinh tế suy thoái năm thứ tám liên tiếp và ngân sách chưa bao giờ gần với thảm cảnh vỡ nợ như lúc này, phản kháng xã hội từ nhiều tầng lớp dân chúng bần cùng chỉ chờ bùng nổ…
Không có tiền sẽ không giải quyết được gì cả. Ít nhất phải có tiền…
Điều giống như một chính sách của vài năm về trước về “đổi tù nhân chính trị lấy TPP” giờ đây đã trở nên quá nhàm chán và kém hiệu quả. Viện trợ nước ngoài chỉ có thể tuôn chảy vào những túi quần không đáy với điều kiện chính thể Việt Nam phải tự thân và mạnh tay cải cách thể chế, kể cả cải cách chính trị trước khi vực thẳm nuốt sống tất cả.
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.