Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mỹ du ký: chính trị và ẩm thực của người Việt trên đất Mỹ

Tiêu Dao Bảo Cự

 

(VNTB) –  Trong sáu tháng ở Mỹ, tôi may mắn được tiếp xúc với khá nhiều thành phần người Việt, từ lứa tuổi 20 cho đến trên dưới 80. Có thể vì tôi được tiếng là một người bất đồng chính kiến từ trong nước ra nên mọi người gặp tôi đều thích nói chuyện chính trị.

 

Thật cũng lạ lùng khi người ta say mê đến vậy. Người ta nói chuyện hàng buổi, thậm chí thâu đêm hay suốt trên đường lái xe. Tôi có cảm tưởng có người “quên ăn quên ăn quên ngủ vì lo đất nước” dù đất nước xa hàng vạn dặm và trong cuộc sống hàng ngày họ chẳng thể làm được gì nhiều cho đất nước.

Có lần đang lúc nói chuyện với một nhóm trong nhà một người, bỗng chủ nhà nghe điện thoại rồi đưa cho tôi, bảo có một bạn trẻ muốn gặp tôi. Tôi nghe một giọng gấp gáp: “Sao anh? Có thể làm được gì không anh báo cho tôi tham gia với? Tôi sốt ruột quá!”. Thì ra đây cũng là một người cũng được mời tới dự buổi gặp gỡ nhưng vì bận việc không đến được nhưng trên đường lái xe, anh ta đã gọi điện để hỏi vì rất nóng lòng. Đó là tâm trạng của những người xa quê hương vẫn canh cánh bên lòng một ước mong sẽ làm được điều gì cho đất nước.

Tiêu Dao Bảo Cự nói chuyện với Hội Sinh viên Việt Namở đại học UC Berkeley.

Có thể nói không sai rằng đại bộ phận người Việt ở Mỹ đều có tư tưởng chống cộng tuy cách thể hiện có khác nhau. Một người bày tỏ quan điểm: “Tôi qua Mỹ từ năm 1975, chỉ lo học hành, làm việc, nuôi gia đình, không hề tham gia bất cứ tổ chức hay hoạt động chính trị nào, kể cả các cuộc biểu tình chống cộng nhưng tôi không bao giờ làm điều gì đi ngược với cộng đồng. Cộng đồng người Việt ở Mỹ là nạn nhân cộng sản và chúng tôi không bao giờ quên điều đó.” Tôi tin rằng đây là quan điểm và thái độ của “đám đông thầm lặng” người Việt Nam trên đất Mỹ. Điều này cũng dễ hiểu vì hầu hết trong số họ đều là những người tị nạn cộng sản sau năm 1975 và thực tế đường lối, chính sách của nhà cầm quyền trong nước chưa thể làm họ nghĩ khác hơn. Tuy nhiên khi có cơ hội đi sâu tìm hiểu, như trong chuyến đi Mỹ của tôi lần này, vấn đề này thể hiện phức tạp và đa dạng, nhiều mức độ khác biệt hơn.

 

 Tượng đài chiến sĩ Việt – Mỹ ở Houston, Texas

 

Thái độ chống cộng có lẽ biểu lộ rõ nhất qua các cuộc biểu tình chống cộng trên đường phố và các bài viết trên báo, trên mạng. Tôi đã chứng kiến vài cuộc biểu tình với rất nhiều cờ vàng ba sọc đỏ và những khẩu hiệu, những lời phát biểu “tố cộng” chát chúa. Đỉnh điểm của thái độ chống cộng đến mức “chống nhau” giữa người Việt trên đất Mỹ có lẽ là cuộc biểu tình dai dẳng hơn hai năm trước tòa soạn báo Người Việt ở Little Saigon, Orange County, Nam Cali, nơi được coi là thủ đô của người Việt tị nạn cộng sản trên đất Mỹ.

Anh bạn đưa tôi vào thăm báo Người Việt. Con đường nhỏ  có nhiều tòa soạn các báo khác, báo Người Việt ở tận cuối đường nhưng cơ sở rộng rãi và bề thế nhất. Trước cửa tòa soạn, bên kia đường, có một chiếc xe nhỏ đang đậu, toàn bộ mui được sơn thành cờ vàng ba sọc đỏ và mấy câu khẩu hiệu “Đả đảo tay sai cộng sản”, “Vẫn còn những kẻ tiếp tay cho Việt gian cộng sản”. Xế bên kia đường là một chiếc xe khác và mấy người mặc áo rằn ri cầm máy ảnh công khai chụp hình những người ra vào tòa soạn. Nghe nói trước đây người ta còn làm một tượng Trần Hưng Đạo đứng chỉ tay vào tòa soạn với lời thề  “cải biên” “Không diệt được tay sai cộng sản thề không trở về” và lúc nào cũng có vài chục người đứng hô khẩu hiệu đả đảo báo Người Việt. Bây giờ người biểu tình không còn đông như trước, chỉ còn vài ba người và khách ra vào tòa soạn vì công việc bình thường, không còn lo ngại như trước. Báo Người Việt là một trong những tờ báo Việt ngữ đầu tiên, lâu năm nhất, có số lượng phát hành lớn nhất, có độc giả đông đảo nhất, niềm kiêu hãnh của người Việt tị nạn ở Mỹ, do những người chống cộng thực hiện, ấy thế mà bây giờ bị một số người kết án là tay sai cộng sản. Nội tình của vụ việc này rất phức tạp, có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng tình hình này có thể coi là một kỷ lục thế giới về việc biểu tình và thái độ chống cộng cực đoan nhất của một số người.

Chiếc xe hơi và tấm bảng của người biểu tình chống cộng trước tòa soạn báo Người Việt.

Thái độ chống cộng quyết liệt còn thể hiện ở các bài viết trên các diễn đàn báo giấy, báo mạng, phát thanh truyền hình và thông tin trên vô số email group và email cá nhân. Nội dung từ cũ đến mới, không thiếu một đề tài nào, từ chủ nghĩa Mác – Lênin, tiểu sử Hồ Chí Minh cho đến đường lối chính sách của nhà nước cộng sản Việt Nam, các tội ác điển hình, chuyện tù cải tạo, tình hình tiêu cực trên các lãnh vực trong nước cho đến việc đàn áp các người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo… Phần lớn các lọai báo giấy được phát không, (còn gọi là “báo chợ” vì chỉ sống nhờ  quảng cáo và phổ biến ở các chợ, cửa hàng) được đọc nhiều và các chương trình phát thanh cũng được nghe nhiều khi người ta lái xe. Các email group và cá nhân nhanh chóng chuyển cho nhau các bài viết trên mạng và thư từ riêng liên quan đến các nội dung này.Tất cả đã tạo ra tác động hầu như tức thì  đến cách suy nghĩ của đa số người Việt ở Mỹ, nhất là về các vấn đề thời sự, đôi khi bị nhiễu loạn bởi các thông tin giả hay các chuyện đặt điều, vu cáo vô tội vạ.

Có một số người được gọi là “chống cộng đến chiều”, coi chuyện chống cộng như lẽ sống, như lý do tồn tại. Họ thề không đội trời chung với cộng sản; thề không về Việt Nam khi đất nước còn cộng sản thống trị; không tán thành việc người khác đi về Việt Nam để làm ăn, làm từ thiện, đi du lịch; tẩy chay các văn nghệ sĩ từ Việt Nam qua, thậm chí muốn thế giới cấm vận Việt Nam, không chấp nhận bất cứ điều gì được coi là tốt ở những người cộng sản hay tình hình trong nước.

Một số người không “chửi rủa”, phân tích các vấn đề chính trị cũng có cơ sở, lý lẽ nhưng họ chỉ gặp nhau và bàn chuyện chính trị vào dịp cuối tuần, khi gặp ở nhà này, lúc nhà khác, trong bàn ăn, bên ly rượu. Họ là những người đã lớn tuổi, trí thức, có thể có chức vụ vai vế trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Họ chống cộng nhưng không cực đoan và thú nhận đã là những người bất lực trước thời cuộc, chỉ muốn sống nốt thời gian còn lại bình yên ở xứ người, không hi vọng gì sẽ thấy quê hương thay đổi trước lúc đi xa.

Một số khác có quan điểm và hành động chống cộng tích cực hơn. Họ tỉnh táo phân tích thế mạnh, thế yếu của chính quyền cộng sản trong nước và của người Việt tị nạn hải ngoại để tìm ra phương thức đấu tranh hiệu quả nhất. Họ nhận rõ con đường bạo động vũ trang, lật đổ là bất khả thi nên chủ yếu đấu tranh chính trị trên nhiều mặt. Ở hải ngoại, họ có những hoạt động để duy trì tinh thần chống cộng trong cộng đồng và truyền thừa cho lớp trẻ, vận động chính phủ Mỹ và các chính phủ khác, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ gây sức ép lên chính quyền trong nước, nhất là trên lãnh vực tôn giáo và nhân quyền. Họ cũng tìm cách tác động lên nhận thức của người trong nước thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, các chiến dịch “chuyển lửa về quê hương”, kể cả những hoạt động bí mật từ trong nước, tuy rất ít. Những người này hoạt động một cách kiên trì, thầm lặng, nhất là khi tình hình chia rẽ ở hải ngoại thêm trầm trọng với sự tố cáo lẫn nhau gây nhiễu loạn và chán ngán trên các phương tiện truyền thông. Cũng có người tích cực hoạt động, rèn luyện bản lĩnh chính trị và giữ gìn nhân cách, hi vọng một ngày nào đó có thể về nước tham gia tranh cử, công khai hoạt động chính trị để thực hiện lý tưởng của mình.

Một xu hướng mới đáng chú ý là tập trung ủng hộ những người có khả năng đi vào sinh hoạt gọi là chính mạch của chính trường Mỹ. Họ tin rằng nếu người Việt có chân trong các cơ quan dân cử của tiểu bang, liên bang hay các chức vụ trong cơ quan công quyền Mỹ, vừa bảo vệ quyền lợi và nâng cao vị thế của người Việt trên đất Mỹ vừa có thể đề xuất hay ủng hộ các chính sách của Mỹ liên quan đến Việt Nam có lợi cho cuộc vận động dân chủ hóa đất nước. Vì thế những cuộc vận động gây quỹ và ủng hộ trong các cuộc bầu cử có ứng cử viên người Việt dần dần được nhiều người tham gia tích cực.

Cũng có các xu hướng nhìn bề ngoài có vẻ như ngược lại với các xu hướng trên đây, mang tính cách cá nhân, ban đầu chỉ là số lượng rất nhỏ nhưng ngày càng phát triển.

Đầu tiên là công tác từ thiện. Một số người thấy mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ đồng bào trong nước đang gặp khó khăn, nhất là khi tình hình đời sống của họ đã ổn định và thấy một thành phần người dân trong nước quá khốn khổ. Họ tìm cách giúp đỡ cho các chùa, nhà thờ, những người bị bão lụt, những người tàn tật, bệnh hoạn, các cơ sở từ thiện… Họ làm việc này một cách âm thầm, ban đầu còn phải thông qua một vài tổ chức tôn giáo, từ thiện trong nước, sau này chỉ thông qua bà con bạn bè hoặc về nước trực tiếp đến gặp những người cần được giúp đỡ. Cũng có người, hay nhóm, công khai tổ chức các cuộc quyên góp thông qua các tiệc gây quỹ, đêm văn nghệ… và việc này cũng bị một số người trong cộng đồng gây khó khăn, tố cáo là thân cộng. Ban đầu đối với họ đây cũng là thử thách lớn nhưng rồi họ đã vượt qua được để tiếp tục công việc.

Có người khẳng định quê hương là của người Việt Nam, chế độ nào cũng tạm thời, sẽ qua đi nên dù chế độ trong nước thế nào, họ vẫn về nước thăm quê hương. Ngay cả những người không còn bà con trong nước, họ vẫn về để đi du lịch, tìm lại những chốn cũ có nhiều kỷ niệm hay đến những nơi mà trước đây họ chưa có dịp đi qua. Họ cũng khuyến khích và đưa con cái về nước, tạo lập mối liên hệ tình cảm để thế hệ sau không mất gốc. Những người này khác với những người chỉ về nước để hưởng thụ, ăn chơi và tỏ ra ta đây là “Việt kiều”, khi chính sách của nhà cầm quyền đổi chiều, không lên án nhưng lại tìm cách chiêu dụ người Việt ở hải ngoại được gọi là “khúc ruột ngàn gặm”. Cũng có người vì lý do riêng không về nước được nhưng họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, dù nhỏ nhất, như giúp đỡ một người quen, ở trong nước, hay chính trên đất Mỹ, giải quyết một khó khăn nào đó về tài chính hay giúp nâng cao nhận thức về tình hình.

Thái độ và hành động tích cực nhất trong xu hướng này là ngấm ngầm hay công khai hợp tác với nhà cầm quyền trong nước, thông qua các hoạt động kinh tế hay hợp tác về khoa học, giáo dục. Đây là những người vì muốn làm ăn kinh tế, hoặc có cảm tình với cộng sản từ trước qua cuộc chiến tranh, hoặc cho rằng chỉ có thể chuyển hóa nhà cầm quyền bằng phương thức tiếp cận, hợp tác chứ không thể chống đối từ xa. Trong số này cũng có sự khác biệt về sắc thái. Có người hợp tác gần như vô điều kiện, chỉ vụ lợi nhưng cũng có người có ý hướng chuyển hóa thực, dù chỉ làm được trong phạm vi nhỏ hẹp, thông qua các quan hệ cá nhân. Đây là xu hướng bị đa số cộng đồng chống đối nhưng không ngăn cản được.

Trên đây là khái quát những xu thế chính trị của người Việt tị nạn ở Mỹ mà tôi nhận biết hoặc do chính họ nói ra qua các cuộc tiếp xúc cá nhân hay từng nhóm nhỏ ở nhiều địa phương khác nhau, từ miền Tây sang miền Đông, từ các nơi đông người Việt như Nam-Bắc Cali, Texas, Washington D.C. hay các nơi ít người Việt hơn  như Seattle (bang Washington), Carolina, Minnesota, Pennsylvania. Trong bối cảnh đó, nổi lên mấy vấn đề lớn là sự chia rẽ trong cộng đồng, hòa giải hay không hòa giải với người cộng sản, sự kế thừa nơi lớp trẻ và sự yếu kém về kinh tế.

Sự chia rẽ trong cộng đồng là điều có thực, không những thế còn lên đến đỉnh điểm làm nhiều người chán ngán. Do bất đồng về nhận thức, phương pháp và đôi khi cũng vì quyền lợi, người ta tố cáo nhau là thân cộng, tay sai cộng sản, còn được gọi là “chụp nón cối”. Không chỉ đối với những đảng viên cộng sản phản tỉnh từ trong nước ra (như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên…) mà đối với những người ở tù cộng sản lâu năm (như Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Chí Thiện, Phan Nhật Nam…, riêng Nguyễn Chí Thiện bị coi là người giả do cộng sản đánh ra, còn người thật đã bị giết) và những người đã ở Mỹ nhiều năm hoạt động chống cộng như các người chủ chốt ở báo Người Việt, báo Việt Weekly, hay cả nghị viên như Madison Nguyễn đều đã từng bị tố cáo là thân cộng, tay sai, cò mồi cho cộng sản, thậm chí có người còn viết cả cuốn sách nêu đích danh “những tên đặc công đỏ”. Những người tố cáo này đều sử dụng báo chí, truyền thông, với những ngôn từ đôi khi rất đao búa. Những người tử tế ban đầu còn thanh minh, lên tiếng, tranh luận nhưng rồi đâm ra chán ngán, rút về im lặng, để cho những kẻ ồn ào tha hồ độc chiếm diễn đàn.

Một số tổ chức thấy cần thiết phải hợp nhất để tăng thêm sức mạnh đã đề nghị các hình thức liên minh, liên kết, hợp nhất nhưng không thực hiện được. Những đảng phái, tổ chức hình thành lâu năm muốn giữ bản sắc, truyền thống của mình, không muốn hòa tan trong tổ chức mới. Phần khác những người đứng đầu các tổ chức đều cho mình xứng đáng là lãnh tụ, không ai chịu phục, nhường ai, nên tất cả các cố gắng hợp nhất đều không thành công. Một số tổ chức nhỏ, mới thành lập, muốn họp nhau “xóa bài làm lại” nhưng lực lượng lại không đáng kể. Đây là tình hình gây thất vọng lớn đối với những người có tâm huyết. Tuy nhiên cũng có người nhận định trái ngược lại, cho rằng không cần thống nhất, hợp nhất, chỉ cần có mục tiêu chung và mỗi tổ chức sẽ có cách làm có hiệu quả riêng góp phần vào cái chung.

Sự khác biệt trong cộng đồng còn nằm ở tâm lý hận thù hay không hận thù, hòa giải hay không hòa giải với người cộng sản. Tuy rằng tâm lý chung của cộng đồng là ghét, sợ cộng sản nhưng sắc thái khác nhau tùy hoàn cảnh. Nhiều cựu quân nhân cho rằng khi còn chiến tranh họ không căm thù cộng sản hay không căm thù như hiện nay mà chỉ coi những người lính cộng sản là kẻ địch trên chiến trường, ai không giết sẽ bị giết. Sự căm thù chỉ trở nên sâu sắc sau khi bại trận và họ bị đối xử tàn tệ, đặc biệt trong các “trại cải tạo”. Sau này đa số đều cho rằng không thể hòa giải với người cộng sản vì cộng sản luôn lừa bịp trong vấn đề này nhưng cũng có người cho rằng họ sẵn sàng bỏ qua quá khứ nếu những người cộng sản biết nhận ra những sai lầm, có lời xin lỗi và thực tâm thực hiện hòa giải. Điều này những người cộng sản đã không đáp ứng nên nó chỉ là một giả thiết hay ước vọng chưa thành hiện thực.

Do hoàn cảnh kinh tế, khả năng hội nhập khác nhau giữa những người di tản sang Mỹ ngay từ năm 1975 và những người vượt biên, đi theo diện H.O. sau này, khó khăn hơn, nên tâm lý cũng khác nhau. Tuy những người trước vẫn giúp đỡ những người sau trong thời gian đầu, nhưng hoàn cảnh sống quá khác biệt, lại thêm tâm lý và cách đối xử vẫn còn mang tính cách cấp trên-cấp dưới của một số người trước đây có chức vụ, cấp bậc cao hơn, nay không còn phù hợp, làm cho sự gắn kết giữa một số bộ phận cộng đồng không được chặt chẽ, đôi khi còn có sự chia rẽ nghiêm trọng.

Vấn đề đáng quan ngại chung cho mọi gia đình Việt Nam ở Mỹ là những nỗi lo lắng cho thế hệ thứ hai. Trước tiên là vấn đề ngôn ngữ. Vì các cháu học ở trường Mỹ, thời gian giao tiếp với bạn bè nhiều hơn với gia đình, thường xuyên nói tiếng Mỹ, nên dần dần không nói được tiếng Việt, đa số nghe được chứ không nói được hay không thành thạo tiếng mẹ đẻ. Trong nhiều gia đình, bố mẹ nói với con bằng tiếng Việt nhưng con chỉ trả lời bằng tiếng Mỹ, còn giữa bọn trẻ với nhau, đương nhiên chúng đều không nói tiếng Việt vì diễn đạt quá khó khăn. Cách nghĩ, cách sống theo kiểu Mỹ, trong đó vấn đề tôn trọng tự do cá nhân được đặt nặng và sự tự lập sớm đã tạo ra một khoảng cách rất lớn giữa bố mẹ và con cái, đào sâu sự cách biệt vốn có giữa hai thế hệ. Nhiều bố mẹ cho rằng con cái không hư hỏng, không dính ma túy đã là may mắn lớn, còn lại con cái muốn làm gì thì làm. Chuyện học hành, bè bạn, yêu đương, kết hôn, sinh con…, những vấn đề hết sức quan trọng của các bậc cha mẹ người Việt đối với con cháu, có vẻ như thoát khỏi tầm tay khi họ sống ở Mỹ. Trong hoàn cảnh đó, những ai muốn con cái nối chí cha mẹ tiếp tục con đường chống cộng quả thật vô cùng khó khăn khi lớp trẻ đã hội nhập sâu vào xã hội Mỹ có những quan tâm hoàn toàn khác. Tuy vậy cũng vẫn có những bạn trẻ quan tâm đến tình hình trong nước và vẫn muốn làm điều gì đó để giúp Việt Nam.

Trong buổi trao đổi với Hội Sinh Viên Việt Nam ở đại học UC Berkeley về đề tài “Sinh viên Việt Nam ở hải ngoại có muốn và có thể làm gì giúp quê hương Việt Nam?”, nhiều ý kiến và câu hỏi của các bạn trẻ rất đáng chú ý: Tại sao nhà nước Việt Nam lại gây khó khăn cho nnhững người ở nước ngoài về làm từ thiện? Làm thế nào để hiểu người trong nước thực sự cần gì trước khi giúp đỡ? Không thông thạo tiếng mẹ đẻ là một trở ngại rất lớn cho việc hội nhập với chính quê hương mình. Nên giúp cần câu cá thay vì giúp cá. Giúp nhận thức về tự do dân chủ hay giúp tiền bạc? Nếu người trong nước không tự đứng lên đòi tự do dân chủ thì người ở hải ngoại không có lý do gì để làm thay. Nếu người ở hải ngoại không giúp đỡ, để nhân dân thực sự khốn cùng , họ có vùng lên lật đổ chế độ không? … Những ý kiến trao đổi sôi nổi về các vấn đề đó chứng tỏ sự trưởng thành và lành mạnh trong tư duy, đồng thời cũng nói lên tình cảm đối với dân tộc, đất nước của một bộ phận người trẻ ở hải ngoại.

 

Tòa soạn báo Người Việt

 

Một vấn đề gây ngạc nhiên là sự yếu kém về tài chính của những người Việt hoạt động chính trị trên đất Mỹ. Cứ nhìn con số hàng 5-7 tỷ đô la người Việt hàng năm gởi về nước cho thân nhân thì thấy đó là một tiềm năng rất lớn. Nhưng đó là tiền để giúp gia đình của từng cá nhân cộng lại. Còn khi cần huy động để làm một công việc chính trị gì đó trên đất Mỹ không phải dễ dàng (Có lẽ thời kỳ mà việc vận động ủng hộ được hàng triệu đô la đã qua). Những người tích cực hoạt động chính trị hiện nay phần lớn không khá giả, hoặc phải làm việc để nuôi gia đình, hoặc đã về hưu. Vì thế khi cần huy động tiền bạc rất khó khăn hoặc được rất ít ỏi. Điều này là hạn chế rất lớn. Ngay việc làm một tờ báo đứng đắn hay duy trì một trang web cũng không phải là điều dễ dàng, có lúc phải buông bỏ trận địa vì thiếu tài chính và người làm. Hầu hết các tờ báo của người Việt ở Mỹ chỉ do một vài người làm, chồng chủ bút vợ chủ nhiệm là chuyện không hiếm. Tòa soạn thường là nhà riêng hoặc một văn phòng nhỏ đi thuê, có khi chỉ là một gara, nhà chứa hàng. Tòa soạn bề thế nhất là của báo Người Việt ở Orange County với hàng chục phòng, có hội trường riêng và vài chục nhân viên. Trong khi đó, những hoạt động do chính quyền trong nước đưa ra thực hiện trên đất Mỹ, công khai hay ngấm ngầm đều được tài trợ rất lớn. Đây cũng là vấn đề bắt đầu gây lo ngại cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Bức tranh toàn cảnh về chính trị của người Việt ở Mỹ quả thật phức tạp. Nó quan trọng và hầu như chiếm hết tâm trí của thế hệ thứ nhất, những người mang đầy ký ức không vui về hoàn cảnh đất nước mình. Thế hệ thứ hai sẽ khác cha anh  mình rất nhiều. Như đã có người lo ngại, những gì gọi là vốn quý của người Việt trên đất Mỹ như tài năng, trí tuệ, mối quan hệ quốc tế sẽ không còn là của dân tộc Việt nữa mà sẽ trở thành tài sản của đất nước Mỹ. Vấn nạn này không phải chỉ là điều âu lo của người Việt hải ngoại mà đúng ra cũng phải chính là của chính quyền trong nước. Đối với nhà cầm quyền, chỉ có sự thay đổi chế độ với những chính sách thực tâm vì đất nước, tạo sự hòa giải và cơ hội cho người Việt hải ngoại mới có thể mang lại một cơ may cho dân tộc trong vấn đề này. Với thế hệ thứ hai của người Việt trên đất Mỹ, họ không có gì cần phải hòa giải với nhà cầm quyền trong nước và nhà cầm quyền cũng không thể thu phục được họ nếu đất nước không trở thành một quốc gia có tự do dân chủ mà họ có thể hãnh diện khi nghĩ về nguồn cội của mình.

Món ăn Việt trên đất Mỹ 

Ngày đầu tiên đặt chân xuống sân bay San Francisco, gần giờ trưa, các bạn đưa chúng tôi đến ăn ở một nhà hàng trước khu Grand Century, San Jose, một trung tâm thương mại của người Việt mới xây dựng. Chúng tôi cũng được dẫn đảo qua một vòng cho biết. Bên trong có nhiều cửa hàng bán đủ mọi thứ từ quần áo, mỹ phẩm, nữ trang, tạp hóa, sách báo…, nhiều nhất là các cửa hàng ăn, phần lớn lấy tên theo các tiệm ăn nổi tiếng của Sài Gòn ngày xưa. Phía trước quán café Paloma có chỗ ngồi ngoài trời, thiên hạ tha hồ hút thuốc lá, vứt tàn bừa bãi. Đoạn đường trước khu này cách đây không lâu đã làm dấy lên sự tranh cãi dữ dội trong cộng đồng về chuyện đặt tên Little Saigon hay tên khác, liên quan đến cô nghị viên Madison Nguyễn.

Bữa ăn đầu tiên này các bạn lại cho ăn món… Tàu. Có lẽ vì khá đông người, có nam có nữ, có già có trẻ, “bá nhân bá bao tử”. Cái gọi là “điểm xấm” của Tàu này gồm hàng trăm món, linh tinh lục cục. Nhiều người phục vụ lần lượt đẩy đến các xe nhỏ, mỗi xe hàng chục món, tha hồ chọn. Chúng tôi không hợp khẩu vị với các món Tàu vì quá nhiều dầu mỡ, ăn rất ngán, lại đang mệt sau chuyến bay gần 20 giờ, nên chỉ ăn được chút chút, cốt là làm quen, cùng vui trò chuyện với các bạn trong lần đầu gặp mặt. Vài người uống bia, nhưng mỗi người một chai thôi. Ăn xong khi thanh toán tiền, ai cũng rút ví góp vào “theo kiểu Mỹ” (?). Chuyện này thật khác với trong nước. Khi nhậu người ta tha hồ cụng ly “dô dô” và gọi bia, hết két này sang két khác. Thanh toán thì “khổ chủ” mời phải trả, nên một bữa nhậu hơi đông 5-7 người, phải chi 5-7 trăm ngàn hay bạc triệu là chuyện thường, thật vô cùng lãng phí.

Cái “văn hóa ăn uống” ở Mỹ này đúng là điểm son. Sau này được mời dự nhiều cuộc ăn uống, ngay khi ở nhà, chúng tôi thấy mọi người đều uống rất chừng mực, thường là uống bia hay rượu vang, ít uống rượu mạnh. Nếu ai uống nhiều phải có vợ đi theo để … lái xe về, vì có hơi bia rượu mà cầm lái thì dễ mất bằng lái, vào tù như chơi. Còn không thì phải ngủ lại hay nhờ bạn khác không uống rượu đưa về. Dân Việt Nam vốn “bạt mạng” trong chuyện này nhưng qua Mỹ cũng phải “nhập gia tùy tục” và dần trở thành một nếp văn hóa sống. Thỉnh thoảng cũng có người xé rào, nhưng phải lo lái xe chạy về nhà trước khi rượu ngấm hay lúc đêm khuya vắng vẻ, ít xe xộ.

Anh chàng nhà báo thường tự xưng là “thượng dân”, thấy chúng tôi ở Đà Lạt qua, dù sao cũng là miền núi, nên nhận đại là họ hàng “đồng bào thiểu số”. Mấy lần mời đi ăn, cùng với các bạn khác, đều hẹn đến quán Cao Nguyên, hình như ở vùng Evergreen của San Jose. Gởi mail mời đi “nhậu” mà bao giờ cũng thông báo trước thực đơn gồm các món gì. Đúng là người “sắc tộc” nên thật thà, có sao nói vậy. Nhưng cái tiệm Cao Nguyên này, tuy có cái bục cao cao giữa nhà, thực  đơn cũng tương tự như các tiệm khác của người bình nguyên. Cũng gà chiên bơ, gỏi tôm, sườn xào chua ngọt, các loại cá, lẩu hải sản… gì gì nữa tôi quên rồi. Hình như có món đặc biệt là heo giả cầy.

Các bạn hay cho chúng tôi ăn món Việt Nam, thường nhất là phở và bún bò, được coi như “quốc hồn quốc túy”. Trước khi nói đến chất lượng, điều ấn tượng nhất là chuyện “tô lớn, tô nhỏ”. Mới đầu chỉ với một tô nhỏ, tôi không thể nào ăn hết một nửa. Đến tô lớn, có nơi to bằng cái thau (như chỗ Phở Xe Lửa), e rằng tôi phải bơi trong đó. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị, yêu cầu là hai người chúng tôi chỉ gọi, ăn chung một tô nhỏ thôi. Các bạn nhất định không chịu, nói làm thế “Mỹ nó cười cho”. Có người còn “bất kể nguyện vọng” của chúng tôi, cứ kêu cho mỗi người một tô lớn, đành cố hết sức, nhưng phải bỏ lại rất nhiều. Ấy thế mà nhiều người ở lâu bên đó đã quen, “làm” một tô lớn có khi vẫn còn chưa đủ.

Thành phần các món trong phở, bún bò đều đủ các thứ, không khác gì Việt Nam. Thịt bò đương nhiên là nhiều và mềm, cũng có đủ tái, nạm, gầu, gân…Giò heo thì cỡ đại (heo Mỹ mà), có cả tiết. Rau ăn ghém và gia vị không thiếu gì: Xà lách, rau thơm, rau húng, bắp chuối, chanh, ớt trái, ớt sa tế, nước mắm, hành, tỏi…Nói chung không khác gì ở Việt Nam. Chỉ có bánh phở và bún hình như không phải là kiểu “tươi” mới lấy trong lò ra như ở trong nước mà là phở, bún khô đem nhúng nước sôi. Cộng với các thứ nguyên liệu chính đều là sản phẩm của Mỹ, nên nói chung là “có mùi Mỹ”, ăn cũng ngon nhưng không giống lắm hương vị phở, bún bò ở quê nhà.

Cho đến nay, phở đã trở thành một món ăn “thương hiệu Việt” được người Mỹ ưa chuộng. Các khu phố người Việt đều có nhiều tiệm phở, ngay các khu phố người Mỹ cũng có nơi có. Một số tiệm có chi nhánh ở nhiều tiểu bang với hàng chục cửa hàng. Chúng tôi đã thấy vài tiệm phở toàn là khách ăn người Mỹ và đến giờ trưa, khách đến đông phải xếp hàng chờ lấy chỗ. Một ông chủ tiệm phở nói với tôi tiệm của ông được cơ quan phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm định, đánh giá tốt, đầy đủ chất bổ dưỡng, không có thành phần gì có hại cho sức khỏe, nên khách Mỹ rất tín nhiệm. Phần khác, món phở Việt Nam đối với người Mỹ ăn lạ miệng, nóng, nhiều rau, lại giá rẻ nên trong thời buổi kinh tế suy thoái dân Mỹ “khoái” là phải.

Một tiệm phở ở Virginia

Một số tiệm chuyên bán các món bánh Huế như bánh khoái, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít. Lá chuối gói bánh nậm, bộc lọc hình như được nhập từ Mễ (?). Những thứ rất tầm thường, dễ kiếm trong nước nhưng ở Mỹ đôi khi khó tìm. Hiện nay một số tiệm chuyên sản xuất loại bánh này để bán cho khách mang về nhà. Nhà nào muốn ăn chỉ việc ra mua về bỏ vào lò vi ba hâm lại là xong. Bánh chưng, bánh tét, bánh giò cũng được làm như thế và bán thường xuyên trong các tiệm bán thức ăn của người Việt. Lại còn các loại xôi như xôi vò, xôi gấc, xôi đậu và khoai mì, khoai lang luộc đều được nấu sẵn, cho vào hộp ni lông sạch sẽ, rất tiện cho các buổi đi chơi xa.

Đó là các món ăn chơi dễ làm. Một số món phức tạp như cơm hến Huế, bánh đúc Bắc, các gia đình có người sành vẫn làm được. Chúng tôi đã được hai gia đình người Huế và người Bắc chính gốc đãi ăn hai món “đặc sản” này. Tưởng là tầm thường, ai ngờ làm quá công phu, nhìn thấy sốt ruột và ái ngại cho chủ nhà quá. Hai vợ chồng làm quần quật suốt một buổi sáng mới ra được “thành phẩm” để đãi khách vì có quá nhiều “công đoạn”. Có người vừa làm vừa tra cứu sách vì thỉnh thoảng mới làm nên họ cũng quên. Có thể đây cũng là cách để họ hoài nhớ quê hương.

Các bạn đã đưa chúng tôi đến nhiều quán ăn Việt ở các khu Việt Nam như Bolsa, Brookhurst ở Little Saigon, Nam Cali; Story  ở San Jose; Saigon Plaza ở Houston, Texas; Eden ở Virginia… Trừ một số ít nhà hàng rộng đến gần cả ngàn mét vuông, có thể tổ chức đám cưới hay phục vụ cùng lúc hàng trăm thực khách, các tiệm ăn này không lớn và sang trọng nhưng đều sạch sẽ, lịch sự. Các người phục vụ thường là người Việt, đôi khi cũng có người Mễ. Một chi tiết nhỏ cũng hơi đặc biệt là các hiệu ăn Việt Nam đều có tăm xỉa răng nhưng không để ở bàn mà để ở quầy, ai cần tự động lên lấy. Chắc chỉ có dân Việt có thói quen xỉa răng nhiều hơn các dân tộc khác.

 

Một tiệm bánh cuốn ở Sacramento.

 

Một món kể cũng đặc biệt Việt Nam là món bánh mì thịt. Vỏ bánh mì giòn, bên trong có phết bơ, pa tê, thịt… hay xíu mại, tưới nước xốt, thêm nhiều đồ chua và lá ngò tươi, đối với nhiều người có lẽ ăn ngon hơn hamburger của Mỹ. Bánh mì Lee của một người Việt đã trở thành thương hiệu nổi tiếng và được sử dụng phục vụ cho khách trên chuyến xe đò Hoàng chạy Nam – Bắc Cali.

Dù ở Mỹ lâu năm, nhiều gia đình vẫn ăn cơm theo kiểu Việt Nam, chỉ trừ khi có lễ lạc hay mời bạn bè, người ta mới làm các món ăn theo kiểu Mỹ, đặc biệt là món nướng barbecue mà nhà nào cũng có lò nướng để sẵn ngoài sân. Ăn cơm gia đình, như ở nhà anh bạn chúng tôi đang ở, có đủ mọi món bình thường của người Việt. Món canh có canh bí đỏ, bí đao, bầu, mướp ngọt, mướp đắng, tần ô, các loại cá… Món mặn có thịt, cá kho (cá bống, cá cơm kho tộ, kho tiêu)… Rau luộc không thiếu rau dền, rau muống, rau lang… (Riêng rau muống, tôi nghe có người kể chuyện, ban đầu một số người Việt thấy trồng rau muống bán được tiền, nhiều người thi nhau trồng ở các ao hồ công cộng, sau đó bị dân Mỹ kiện, phải thu hẹp vào các mảnh đất riêng). Các loại gia vị như nước mắm, xì dầu, tiêu, tương ớt hay các loại mắm như mắm tôm, mắm ruốc, mắm cái; các thứ ăn ghém như giá, dưa giá, cà pháo, đồ chua ngâm giấm đều có cả ( làm giá sống cũng là một công việc làm ăn của người Việt ở Mỹ và nhiều nước khác). Tuy nhiên có lẽ những người lớn tuổi thích ăn món Việt, còn bọn trẻ lại khoái đồ Mỹ. Nơi nhà anh bạn chúng tôi ở, cậu con trai không ăn chung với gia đình mà lúc đói tự làm món Mỹ có sẵn trong tủ lạnh.

 

Cảnh chủ nhà nướng BBQ đãi khách trong vườn ở Houston, Texas.

 

Ngoài những trái cây của Mỹ như nho, táo, cam, mơ, đào…, các loại trái cây dân Việt thường ăn như chuối, xoài, ổi, nhãn… ở Mỹ đều có nhưng là sản phẩm của các nước khác. Chuối, xoài rất nhiều, phần lớn nhập từ Mễ. Trái cây bày bán ở siêu thụ trông rất bắt mắt, độ lớn và độ chín đều tăm tắp, mới trông giống như đồ giả bằng nhựa nhưng hương vị ăn vào không đậm đà như trái cây Việt Nam. Ổi, mít giá đắt kinh khủng. Ăn được một trái mít ở Mỹ quả là kỳ công nhưng chị bạn chủ nhà của tôi vẫn thỉnh thoảng mua về đãi khách. Có một số chị nói chỉ thích về Việt Nam vào mùa hè để ăn trái cây cho thỏa thích. Đó cũng là một khía cạnh của lòng hoài hương.

Một anh bạn ở Sacramento dẫn tôi đi khoe vườn trồng các thứ cây gia vị lấy giống từ Việt Nam. Vườn nhỏ thôi nhưng hầu như không thiếu thứ gì: rau răm, rau thơm, húng, tía tô, dắp cá, ớt… trồng từng khoảnh riêng được chăm bón cẩn thận và là niềm tự hào của anh. Khách nào thích anh thường hái tặng vì hương vị rất đậm đà, khác hẳn các loại rau này bán ở siêu thị, không biết xuất xứ từ đâu, lá lớn, xanh mướt nhưng không nồng nàn bằng. Nhiều người trồng cây ăn trái ở nhà cho ….vui. Chanh rụng đầy không hái hay để già thành to lớn, sần sùi như quả bười, hồng (trái) sóc ăn nhiều hơn người. Có lần chúng tôi đi dạo trong một công viên nhỏ ở Milpitas gần San Jose, sát với hàng rào nhà ở, một ông cụ người Việt mới hái một trái bí to trong vườn, thấy chúng tôi, gọi lại biếu. Cụ có vẻ rất sung sướng vì đã tặng cho đồng hương một sản phẩm từ bàn tay chăm bón của mình.

Nói đến món ăn, có lẽ cũng nên nhắc đến món uống. Thứ món uống phổ thông nhất của người Việt là trà, café. Trà có nhiều nhưng phần lớn là trà tàu, các thương hiệu trà Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh trên đất Mỹ. Với café, sự khác biệt ngoài hương vị là cách pha chế. Thương hiệu Starbucks nổi tiếng nhất nước Mỹ, pha chế bằng máy, ở đâu cũng có nhưng chúng tôi không thể thưởng thức được. Một ly café lớn tôi uống cả ngày không hết, vừa nhiều vừa nhạt. Starbucks có rất nhiều loại café, kể cả các loại  trộn kem, thích hợp cho phụ nữ. Có loại espresso chế ra một chút xíu, đậm đặc như keo, nhấp môi vào là tim nhảy thình thịch, uống cũng không thú. Người Việt đã quen lối pha café phin kiểu tây nhỏ giọt. Các quán café và quán ăn của người Việt thường có café đen, sữa, nóng hay đá pha theo kiểu Việt Nam, có nơi rất ngon. Một lần người quen dẫn chúng tôi đến quán M và Tôi ở San Jose, thấy dân báo chí và những kẻ vô công rồi nghề tha hồ ngồi nhâm nhi café , phì phèo thuốc lá tán dóc hay xem tivi cá cược bóng đá giữa mấy cô tiếp viên mặc quần áo “hơi nghèo” lượn lờ.  Nhân tiện cũng nói luôn có lần chúng tôi được dẫn vào quán café Quyên trên đường Story, San Jose, mấy cô tiếp viên “quá nghèo”, chỉ mặc bikini hai mảnh nhỏ xíu. Còn quán Em Quyên gần đó, các cô chỉ “cận nghèo”, có quần áo nhưng hơi thiếu vải. Đừng nói là người Việt ở Mỹ “không nghèo” nhé, dù các cô này chân dài và rất xinh.

Ngoài các món ăn Việt, thỉnh thoảng các bạn cũng đưa chúng tôi đi ăn món ăn các nước khác cho biết. Nhà hàng Mỹ ở Union City, Cali hay tiệm Real Steak ở Virginia. Món ăn Pháp ở tiệm La Madeleine – Country French Cafe với cách bài trí theo kiểu nhà nông thôn với kềm búa, cưa, bánh xe bò treo trên tường ở Virginia. Món ăn Ý ở  nhà hàng Olive Garden (Italian Restaurant) South Carolina và một nhà hàng ở Virginia. Món ăn Tàu trong các khu phố Tàu ở Seattle, San Jose, New York (khu phố Tàu ở New York có một công viên bẩn kinh khủng, đứng trấn giữ bởi tượng của một ông quan Tàu, nhà vệ sinh công cộng bốc mùi hôi, chuột cống chạy tứ tung và ăn mày nằm la liệt). Món ăn Nhật ở Las Vegas. Món ăn Mễ ở các trạm nghỉ chân có cây xăng trên đường từ Wesminster đi Las Vegas. Món ăn Thái gần với Việt Nam, dễ ăn nhất và tiệm của họ rất lịch sự, như Krungthai, Authentic Thai Cuisine, trình bày trang nhã với các phù điêu, tranh tượng đặc trưng của xứ sở. Ngày cuối trước khi rời Mỹ, mấy bạn mời chúng tôi đi ăn món Hi Lạp, chả hiểu là món gì. Cũng may là các nhà hàng này đều có thực đơn in hình các món ăn, nếu nhìn vào thấy không “kinh khủng” lắm thì chỉ đại là được. Các bạn còn đưa đi ăn buffet của Mỹ, Nhật, Tàu nhưng đối với chúng tôi quả thật phí tiền vì ăn không nổi, nhất là với các món hải sản cua tôm càng que rất lớn, lấy từ trong tủ lạnh ra lạnh ngắt như ma, bì sao được với tôm hấp bia, cua rang me, cua rang muối bốc khói ngay ở các quán bình dân như quán Tư Ốc đường Ung Văn Khiêm, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn.

Sau sáu tháng ở Mỹ, hình như chúng tôi chỉ lên cân được vài pound, nhìn qua vẫn ốm yếu như xưa. Có bạn “tức giận” bảo: “Sao ông bà không chịu ăn nhiều cho mập lên. Đi Mỹ về mà như thế người ta sẽ cho “đế quốc Mỹ” không nuôi nổi ông bà hay sao?” Đành phụ lòng các bạn thôi. Chúng tôi vốn thuộc tạng người gầy, lại khá cao. “Triết lý ăn uống” của chúng tôi là không bao giờ ăn no, chỉ ăn vào một nửa đến hai phần ba bao tử thôi. Gần một đời người ăn uống “thuần Việt” nên khó tiếp nhận những khẩu vị mới. Mặt khác biết đâu cũng vì vậy mà chúng tôi có thể chứng tỏ không bị “bơ sữa của đế quốc Mỹ” mua chuộc?!

Kỳ sau: Mỹ du ký: tính cách và lối sống Mỹ


Tin bài liên quan:

Vũ khí sát thương và bản lĩnh chính thể

Phan Thanh Hung

VNTB – Uniqlo mệt mỏi chống trộm có tổ chức xuyên biên giới

Do Van Tien

VNTB – Vài suy nghĩ về nền dân chủ ở Mỹ: nhận thức về tự do (Bài 2)*

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo