Trần Thành
(VNTB) – TS. Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra những nhận định rằng Mỹ sẽ từ bỏ TPP.
Ngày 19/11 (giờ địa phương Peru), các nhà lãnh đạo của 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí thúc đẩy các nỗ lực thực thi thỏa thuận thương mại tự do này, bất chấp sự phản đối lúc tranh cử của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.
Trong một cuộc họp ở thủ đô Lima của Peru bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với hiệp định TPP. Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto để ngỏ khả năng “hiện đại hóa” Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ, song tái khẳng định cam kết ủng hộ thương mại tự do nói chung, trong đó có TPP.
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, nói: “TPP đang trải qua một giai đoạn bất ổn lớn khi không rõ Mỹ có tham gia đến cùng hay không và cơ chế TPP có thể thành công theo cách nào. Tất cả các nước đã nỗ lực rất lớn để đạt được thỏa thuận này, vì chúng ta đều rõ nó có lợi như thế nào”.
Thủ tướng New Zealand John Key tán đồng quan điểm với Tổng thống Mexico, cho rằng các thỏa thuận thương mại tự do sẽ vẫn được thúc đẩy bất chấp tình hình ở Mỹ như thế nào. Thủ tướng New Zealand John Key: “Kể cả khi nước Mỹ không muốn tham gia vào thương mại tự do, Tổng thống đắc cử Donald Trump cần phải hiểu rằng những nước khác vẫn sẽ làm được điều đó. New Zealand sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại tự do với các nước vùng Vịnh, với Ấn Độ, Anh, châu Âu và tìm cách tiếp cận tốt hơn với các thị trường trên toàn thế giới”.
TPP đã kết thúc giai đoạn đàm phán vào tháng Mười năm ngoái và để chính thức có hiệu lực, thỏa thuận này phải được phê chuẩn chậm nhất là vào tháng 2/2018 bởi ít nhất sáu nước thành viên, chiếm 85% tổng sản lượng kinh tế của nhóm 12 nước tham gia hiệp định.
Trong diễn biến có liên quan, dường như một số quốc gia khác đang chuẩn bị tiếp tục với TPP, có hoặc không có Mỹ. Theo một báo cáo của Reuters dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo nói rằng nước này, cùng với Nhật Bản, Australia, Malaysia, New Zealand và Singapore, xác định sẽ tiếp tục thỏa thuận này, độc lập với những gì Washington quyết định.
Tại Việt Nam, câu hỏi được đặt ra là triển vọng nào cho TPP sau sự kiện ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ?
Trả lời câu hỏi này, TS. Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra những nhận định rằng Mỹ sẽ từ bỏ TPP.
Thứ nhất, các nghị sĩ Dân chủ phản đối TPP chứ không phải Đảng Cộng hoà. Trong khi đó, TPP được Đảng Cộng hoà ủng hộ mà giờ họ đang chiếm đa số ghế tại Quốc hội. Ngoài ra, Tổng thống Hoa Kỳ không phải là người có quyền quyết định tất cả mọi việc. Dù Tổng thống có quyết định thì Quốc hội Mỹ cũng không cho phép bởi vì danh dự, uy tín quốc tế của Hoa Kỳ.
Thứ hai, TPP do chính Hoa Kỳ là nước khởi xướng và 12 nước đã bỏ ra 16 năm đàm phán. Do vậy, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không thể hủy bỏ TPP, mà chỉ lên giọng nhằm áp lực với các nước để ép họ phải đàm phán lại những điều khoản mà Mỹ đã nhượng bộ trước đó.
Thứ ba, cả 2 Đảng của Hoa Kỳ đều có sự ủng hộ tăng cường quan hệ với Châu Á. Tương lai của Hoa Kỳ sẽ gắn chặt với tương lai của Châu Á. Chính sách kinh tế này là chiến lược xoay trục sang Châu Á mà trọng tâm là TPP. Do đó, mục tiêu và lợi ích của Hoa Kỳ trong hình thành TPP là rất lớn và rất rõ ràng.
Việc hủy bỏ TPP có thể sẽ đẩy các đồng minh của Mỹ trong khu vực sang Trung Quốc, trong khi cản trở các công ty Mỹ phát triển tại các thị trường mới nổi ở Châu Á.
Thứ tư, chúng ta có thể nhận thấy, Hạ viện Nhật Bản thông qua ngày 10/11/2016, bất chấp triển vọng phê chuẩn TPP tại Mỹ giảm dần sau chiến thắng của ông Donald Trump.
Thứ năm, vấn đề quan điểm trong lúc vận động tranh cử của Tân tổng thống Donald Trump cho đến khi thực thi thành một chính sách trong một chính thể mới thì cần có thời gian.