Trúc Giang (VNTB) Nhà báo Phạm Chí Dũng trong lá thư gửi đến nhiều tòa soạn báo chí ở Sài Gòn hôm 10-1-2017, cho biết ông Tất Thành Cang – phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, đã rất quan tâm đến bài viết “Ông Trần Phương Bình bị bắt vì thất thoát hay do ‘đổi tiền’?” của ông Dũng viết, đăng trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 16/12/2016.
Công bằng mà nói, ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank – DAB) từng là ngân hàng Việt duy nhất nằm trong mối quan tâm của CitiBank, khi năm 2006-2007, họ đàm phán bán cổ phần cho đối tác Mỹ này. Phía CitiBank cử một đoàn chuyên gia 60 người dày dạn kinh nghiệm từ Trung Quốc và các nước khu vực sang thương lượng với Đông Á. Cuộc “hôn nhân” lẽ ra đã có thể kết thúc tốt đẹp nếu Đông Á chấp nhận giá chào mua 48.000 đồng một cổ phiếu của CitiBank, chứ không phải mức 60.000 đồng một cổ phiếu mà họ đòi hỏi.
Ngày ấy Đông Á nằm trong tốp ba ngân hàng cổ phần, ngang ngửa với ACB và Sacombank. Đông Á không chủ trương mở rộng mạng lưới, mà tập trung “đào sâu cuốc bẫm” mảng bán lẻ với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cho đến ngày bị kiểm soát đặc biệt, họ có 7 triệu khách hàng, con số mà nhiều ngân hàng cổ phần mơ ước. Họ cũng không chạy đua tín dụng, không ào ạt tung vốn ra thị trường. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014, đến cuối năm 2013, dư nợ tín dụng của Đông Á chỉ 50.897 tỷ đồng, trong khi tổng vốn huy động lên tới 77.417 tỷ đồng, tức tỷ lệ cho vay/huy động 65,7%, rất thấp.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DAB, trong nhiều năm, là dân tài chính thứ thiệt, gắn bó cả đời với ngân hàng, làm ngân hàng, chứ không phải dạng đầu cơ buôn bán. Ông và các thành viên ban giám đốc tương đối bảo thủ trong tín dụng, cho vay có thẩm định cân nhắc.
Tuy nhiên, điểm lạ là trong báo cáo tài chính, Đông Á luôn để một khoản tiền huy động được “rong chơi” tới 26.520 tỷ đồng, trong khi các tổ chức tín dụng chỉ để tầm 10-15% vốn huy động cho dự trữ bắt buộc và dự phòng thanh khoản, tức 7.000-10.000 tỷ đồng là đủ? Số tiền huy động được để không ấy bù đắp cho khoản nào đây? Xin thưa, đó là vàng!
Tháng 4-2014, DAB có vị chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Cao Sỹ Kiêm, người đã ký giấy phép cho thành lập DAB khi ông giữ chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc mời ông cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về ngồi ghế chủ tịch Hội đồng quản trị DAB của ông Trần Phương Bình thu hút sự chú ý của giới báo chí vì trước đó, ông Trần Xuân Giá, cựu bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được mời về ngồi ghế chủ tịch Hội đồng quản trị ACB. “Ông Trần Xuân Giá là một trường hợp mà tôi cho rằng không chỉ tôi, mà nhiều người đều cảm thấy rất tiếc. Đó là một người rất giỏi về vĩ mô. Sai lầm của ông Giá có lẽ là ở việc quản lý những vấn đề vi mô, dẫn đến việc xảy ra những chuyện mà ông Giá đã không thể kiểm soát được”. Ông Cao Sỹ Kiêm đã trả lời báo chí như vậy.
Trước câu hỏi của báo chí, việc rất nhiều lãnh đạo ngân hàng ngã ngựa trong mấy năm vừa qua, ngoài lỗi của cá nhân những người này, theo ông còn có nguyên nhân nào khác? Chủ tịch DAB Cao Sỹ Kiêm gián tiếp nhìn nhận ở đây có phần nguyên do từ những người làm chính sách: “Nguyên nhân rất quan trọng mà tôi nhấn mạnh chính là công tác kiểm tra, kiểm soát của hệ thống còn kém. Ngoài ra, việc luôn đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách cũng là yêu cầu bắt buộc. Bởi có những thứ hôm nay có thể đúng nhưng ngày mai lại thành sai hoặc ngược lại. Nên những người làm chính sách nếu nhanh nhạy, đủ trình độ, sẽ phải thay đổi cho kịp để phù hợp với yêu cầu mới”. Nghi vấn DAB đã “trượt chân” vì kinh doanh vàng, và không loại trừ khả năng kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài. Hệ lụy này có từ sau khi chính sách siết chặt thị trường vàng của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
DAB từng là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu trong chiến dịch kinh doanh vàng ngày ấy. Nhờ sự hậu thuẫn của cổ đông lớn là Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) (sở hữu 7,7% vốn điều lệ) do bà Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Bình) làm Chủ tịch, DAB đã lọt vào top 5 ngân hàng được tham gia kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài. Ngoài ra, DAB còn làm ra máy ATM có chức năng bán vàng tự động.
Chính vì được phép kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài mà DAB đã phải nếm mùi cay đắng khi giá vàng quốc tế quay đầu lao dốc. Từ cuối năm 2012, trong khi giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.656,3 USD/oz, thì trong nước kim loại này được bán với giá chênh thêm 5 triệu đồng/lượng. Cuối năm 2013, giá vàng đã giảm một mạch gần 12 triệu đồng/lượng, về mức 34,25-34,75 triệu đồng/lượng. Như vậy, những ngân hàng đầu tư kinh doanh vàng từ đầu năm 2013 thì đến cuối năm đã lỗ gần 25%.
Đầu tư lớn nhưng không hiệu quả cho kinh doanh vàng, hoạt động của DAB cũng đi xuống. Báo cáo tài chính năm 2011, 2012, 2013 cho thấy hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt là vàng tài khoản chi nhiều nhưng lợi nhuận chẳng được bao nhiêu. Năm 2011, DAB chi 396,3 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh vàng nhưng bị thua lỗ 27,8 tỷ đồng.
Năm 2012, DAB chi tới 600 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh vàng, trong đó, chi phí về kinh doanh ngoại tệ giao ngày là 124,8 tỷ đồng nhưng thu chỉ được 65,9 tỷ đồng. Còn kinh doanh vàng, chi phí lên tới 458,6 tỷ đồng nhưng thu chỉ được 385 tỷ đồng. Kết quả, năm này hoạt động kinh doanh vàng của DAB đã bị lỗ tới 137 tỷ đồng.
Trong các đại gia ngân hàng vướng vòng lao lý, xem ra ông Trần Phương Bình vẫn là câu chuyện nói như lời của cựu Thống đốc Cao Sỹ Kiêm, “có phần lỗi từ những nhà làm chính sách”.