Phương Thảo
(VNTB) – Có lẽ Đệ Nhất Phu Nhân đã quá hào hứng và quá nồng nhiệt với vai trò chủ nhà đã nắm chặt tay và kéo Đệ Nhị Phu Nhân đi khắp nơi một cách không cần thiết. Đệ Nhị Phu Nhân nếu có không thoải mái thì bà cũng không phản ứng rút tay lại vì phép lịch sự ngoại giao.
Văn hóa ngoại giao?
Những người đặc biệt chú trọng đến các quy tắc giao tiếp không lời là các nhân viên ngoại giao hay thương gia. Bởi hành động của họ không chỉ thể hiện trình độ văn hóa, ứng xử của bản thân mà còn là của cả đất nước mà họ đại diện, những thứ không thể mua được bằng hiện kim hay hiện vật. Cách cư xử này đã được học ngay ở trong trường khi còn ngồi ở học viện ngoại giao để tạo bầu không khí thoải mái cho cả hai bên trong một cuộc đối thoai hay chiêu đãi. Họ phải chú trọng từ cách thức bắt tay, cách đưa mắt nhìn, cho đến cách nâng ly champagne sao cho đúng điệu.
Tuy nhiên đôi khi có lẽ vì chỉ chú trọng đến các quy tắc ngoại giao hay ứng xử quan mà người ta quên đi mất các chi tiết nhỏ nhặt lại có thể làm người khác không thoải mái. Với người bình thường mọi chuyện chỉ là tặc lưỡi, hay nhún vai rồi bỏ qua nhưng với những chính khách hay các thành viên hoàng gia thì hình ảnh ấy sẽ được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội cùng với các mổ xẻ vạch lá tìm sâu hay ném đá cho bể đầu.
Tổng Thống Obama đã làm cho người Mỹ nổi giận vì cúi đầu quá thấp khi đến diện kiến Nhật Hoàng tháng 9 năm 2009. Tổng Thống Obama đã làm theo đúng quy tắc chào hỏi của người Nhật, tuy Tổng thống có cúi đầu quá thấp trước Nhật Hoàng và theo người Mỹ thì đó là hành động quá lố. Tuy nhiên đến cuộc gặp gỡ mới đây năm 2014 thì Tổng Thống Obama đã làm đúng chuẩn mức quy tắc với cái bắt tay vừa phải và giao tiếp bằng mắt. Đệ Nhất Phu Nhân Nhà Trắng Michelle Obama cũng vướng phải tai nạn ứng xử ngoại giao khi viếng thăm Nữ Hoàng Anh khi bà tỏ vẻ thân thiện vòng tay qua người Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Hoàng Gia có quy tắc đặc biệt là không có sự va chạm cơ thể khi giao tiếp với người khác ngoài cái bắt tay nhẹ nhàng.
Sự galant của Tổng Tống Putin dành cho Đệ Nhất Phu Nhân Trung Quốc hồi tháng 11 năm 2014 khi ông cởi áo khoác nhường cho bà ở Bắc Kinh có lẽ là việc bình thường trong văn hóa phương Tây, nhưng hành động này lại không thích hợp với văn hóa Trung Hoa. Năm trước khi ông Phạm Quang Nghị đến thăm Mỹ và có món quà tặng cho Thượng Nghị Sỹ McCain. Món quà của ông ta được xem như là một sự sỉ nhục đối với Thượng Nghị Sỹ bởi trên đó có hình ảnh của nhà tù Hỏa lò nơi giam giữ ông McCain trong cuộc chiến Việt nam. Nhà nước Việt nam sau tai nạn này dường như vẫn không chú trọng đến việc phải chú trọng đến các phép tắc ngoại giao tối thiểu nhiều cho lắm.
Ngày 20/7/2015, Đệ Nhất Phu Nhân Mai Thị Hạnh đón tiếp Đệ Nhị Phu Nhân Nhà Trắng Dr Biden trong chuyến công du của bà đến châu Á. Chuyện ăn mặc của các phụ nữ Việt nam giữ trọng trách hàng đầu và Đệ Nhất Phu Nhân lại được đưa ra mổ xẻ, mà ít người Việt nam để ý đến văn hóa ứng xử của Đệ Nhất Phu Nhân. Chỉ một cái nắm tay nhẹ nhàng và nụ cười tươi, ánh mắt ấm áp là đã đủ để người đối diện cảm nhận được sự nồng hậu của chủ nhà. Tuy nhiên có lẽ Đệ Nhất Phu Nhân đã quá hào hứng và quá nồng nhiệt với vai trò chủ nhà đã nắm chặt tay và kéo Đệ Nhị Phu Nhân đi khắp nơi một cách không cần thiết. Đệ Nhị Phu Nhân nếu có không thoải mái thì bà cũng không phản ứng rút tay lại vì phép lịch sự ngoại giao.
Vì bộ mặt của quốc gia, vì phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp, các chính khách đáng lý ra phải chú ý hơn đến các cử chỉ giao tiếp làm mẫu cho chính người dân Việt nam khi giao tiếp với người nước ngoài. Người Việt quen với suy nghĩ nắm tay hay khoác tay là thể hiện sự thân thiện với người họ yêu mến hay ít ra là lòng mến khách. Nhưng với người Âu Mỹ trưởng thành không nắm tay hay cặp tay nhau đi nếu là hai người cùng phái, nếu có thực hiện điều ấy thì sẽ được hiểu là họ có mối quan hệ đồng tính. Cái nắm tay chỉ dành cho vợ chồng, tình nhân hay cho những đứa bé chưa thể tự đi được một mình nơi đông người hay khi băng qua đường.
Học làm người lịch thiệp
Người giàu Trung quốc giờ đây bỏ tiền ra để được các chuyên gia phương Tây dạy cho cách làm người quý phái. Họ học cách thức giao tiếp không lời để không làm cho họ bẽ mặt trong các giao tiếp quốc tế và trong các cuộc làm ăn thương mại. Họ học từ cách uống trà, ăn uống, cách ngồi thẳng lưng sao cho thanh lịch, và cả cách phải tạo dáng, mỉm cười ra sao trước ống kính. Tất cả chỉ để nâng tầm đẳng cấp của lớp nhà giàu để không bị mang tiếng là trọc phú.
Ai cũng có lúc gặp tai nạn trong giao tiếp ứng xử nhưng người Việt đến bao giờ thì sẽ chú trọng đến khía cạnh này trong cuộc sống hay chỉ nghĩ đấy là phép tắc vẽ vời của bọn lắm tiền, bởi ăn mặc còn phải chạy từng bữa thì cần gì đến lịch với chả sự? Nếu được chú trọng đúng mức từ nhà ra đến ngoài ngõ hay ở học đường thì có lẽ sẽ không có những câu văng tục trên mạng xã hội một cách vô lối, sẽ không có cô ca sỹ nổi tiếng cho con tè vào túi nôn trên chiếc máy bay mới toanh có trị giá hàng triệu đô la, và cũng sẽ không có cái nắm tay không vượt quá mức cho phép như ngày hôm qua.