Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhà nước theo cách hiểu ‘bình dân học vụ’

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Chớ vội tin vào diễn ngôn “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân”…

 

Trên fanpage Việt Nam Thời Báo có bài viết kêu gọi “mỗi người dân cần ý thức một cách sâu sắc rằng, mình mới là ông chủ, còn “cán bộ” và “lãnh đạo” chỉ là người làm thuê, được mình trả công và phải thực hiện công việc được giao một cách nghiêm túc”.

Cá nhân người viết cho rằng bài viết này dường như muốn minh họa cho các diễn ngôn lúc sinh thời ở lãnh tụ tối cao của Đảng.

Đó là lãnh tụ nói (!?)

Báo chí và tài liệu của tuyên giáo đưa ra các câu chuyện như sau:

Nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tuyên Quang, một căn cứ địa của cách mạng, tháng 3-1961, Bác nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào – đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân” (1).

Nói chuyện khi về thăm khu mỏ Hồng Quảng (Quảng Ninh), cũng là địa danh nổi tiếng về truyền thống cách mạng, ngày 4-5-1967, Bác nói: “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đày tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính. Muốn thế thì phải gần gũi nhân dân, khuyến khích nhân dân, lãnh đạo nhân dân” (2).

“Chế độ ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to, việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân. Vì vậy, nhân dân lại có nhiệm vụ giúp đỡ Chính phủ và làm đúng chính sách của Chính phủ, để Chính phủ làm tròn phận sự mà nhân dân đã giao phó cho” (3).

“Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” (4).

Kể sao xiết những bản án về ‘quyền được nói’ của người dân

Với một vài dẫn chứng cụ thể ở trên, nếu người dân nào ngây thơ để răm rắp tin vào các quyền kể trên, qua đó họ thẳng thừng bày tỏ chuyện muốn “đuổi Chính phủ”, chắc chắn những người ấy dứt khoát phải đối mặt với nhóm tội danh ở Chương XIII, “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” của Bộ luật hình sự hiện hành, với phổ biến nhất là điều luật số 117 rất quen thuộc.

Vậy thì nên hiểu cái Nhà nước mà bài viết đã tin tưởng cho kêu gọi người dân thực hiện quyền làm chủ là gì?

Từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 sau khi thống nhất đất nước, lãnh đạo Đảng tiếp tục xây dựng cấu trúc nhà nước theo mô hình Xô-Viết, với niềm tin rằng khi nhân dân lao động đã giành được chính quyền thì mọi quyền lực nhà nước đã thuộc về tay nhân dân. Niềm tin đó cùng với truyền thống nhà nước tập quyền trong lịch sử là 2 trong số những nguyên nhân chính khiến vấn đề kiểm soát quyền lực chưa được chú ý.

Trong 2 thập kỷ đầu của quá trình đổi mới, kiểm soát quyền lực cũng chưa phải là mối quan tâm tại các kỳ Đại hội Đảng. Phải đến Đại hội Đảng lần thứ 11 vào năm 2011, lần đầu tiên khái niệm “kiểm soát quyền lực” mới xuất hiện trong các văn kiện đại hội. Tại Đại hội 13, kiểm soát quyền lực đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Và thách thức của mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chính là nguy cơ lạm quyền luôn hiện hữu, bởi không tồn tại một chủ thể thứ hai có đủ sự khách quan và sức mạnh để có thể giám sát cái cấu trúc quyền lực thống nhất đó.

Xem ra thì việc kêu gọi người dân cần thể hiện quyền làm chủ đối với Nhà nước như  bài viết trên fanpage Việt Nam Thời Báo, là một ảo vọng về thực thi dân chủ, khi mà cấu trúc quyền lực của Nhà nước cộng sản vẫn thiếu một chủ thể thứ hai đủ sức mạnh giám sát.

[ads_color_box color_background=”#f7f2f2″ color_text=”#444″]

Nhà nước và người dân

[Có rất nhiều người vẫn chưa hiểu nhà nước là gì, và có quan hệ thế nào với người dân. Bài viết này chỉ dành cho đối tượng bạn đọc ấy, nên viết một cách đơn giản và nôm na. Những vị đã biết thì xin bỏ qua để khỏi mất thời gian].

Hãy hình dung: có một nhóm người sinh sống trên một mảnh đất, ngoài cuộc sống riêng thì họ có những việc chung phát sinh, như vệ sinh môi trường, đường sá đi lại, trộm cắp trong làng, kẻ thù bên ngoài, v.v.. Đây là những việc “cha chung” nhưng phải có người “khóc”, không thể bỏ mặc được, vì nó ảnh hưởng tới sự tồn vong của cả cộng đồng.

Thế là tất cả dân làng họp nhau lại, bầu ra một cái ban chuyên lo những việc chung ấy. Ban này được dân làng giao nhiệm vụ soạn thảo ra các quy định tốt nhất và hợp lý nhất buộc tất cả phải tuân thủ, ai vi phạm thì sẽ bị xử phạt, ngay cả các thành viên trong cái Ban ấy cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trước khi đưa ra áp dụng, thì các quy định này phải được dân làng đồng ý thông qua, nếu chưa thì tiếp tục bàn thảo, cho đến khi nào đa số người dân thấy “ngon lành” rồi thì mới quyết định sử dụng.

Đây chính là một hình dung về nhà nước và sự ra đời của nhà nước (dân chủ).

Như thế, nhà nước thực chất là một bộ máy do dân thiết kế ra. Ở đó, những người điều hành công việc chung là người làm thuê cho dân, được dân trao cho một số quyền nhất định để điều hành công việc và được dân trả công. Ai làm không tốt công việc được thuê khoán ấy thì dân sẽ không thuê nữa và tìm người khác thay vào. Nói bằng ngôn ngữ chữ nghĩa thì mối quan hệ giữa nhà nước và dân là một bản hợp đồng có điều kiện, mà ở đó dân là ông chủ còn thành viên nhà nước là người được dân ký kết hợp đồng lao động.

Rõ ràng, từ bản chất của mối quan hệ này, “cán bộ” không phải là cha mẹ dân, càng không phải là ông chủ của dân, mà phải hiểu là ngược lại. Quyền lực là của dân, tiền bạc cũng của dân, bộ máy nhà nước ấy cũng là của dân. Nếu đến một lúc dân thấy cách thiết kế bộ máy điều hành như vậy không còn phù hợp nữa, thì họ sẽ thay đổi, thậm chí bỏ đi và dùng một mô hình khác tốt hơn.

Trên đây là nôm na về nhà nước dân chủ. Quay ngược về quá khứ, đã từng có những mô hình nhà nước không có bản chất mối quan hệ giữa 2 bên như vừa trình bày. Ví dụ, có một cá nhân nào đó tự tập hợp một nhóm người, dùng bạo lực áp đảo cả làng rồi tự lập ra các ban bệ, thiết lập các quy định (pháp luật) và bắt tất cả người dân phải tuân theo mà không ai có quyền đòi hỏi hay thay đổi. Nhà nước loại này là mô hình quân chủ. Cái ông đứng đầu nhà nước ấy gọi là vua, tức là hiện thân của nhà nước; tất cả quan lại là người giúp việc cho ông ta, chứ không phải giúp việc cho dân. Nó không phải do dân lập ra và dân không có quyền hành gì cả. Nó cai trị dân bằng ý chí cá nhân, “luật là tao, tao là luật”; nếu người dân nào không tuân theo thì nó sẽ dùng lực lượng bạo lực của mình để trấn áp, bỏ tù hoặc giết chết. Lúc này, ngược lại với nhà nước dân chủ, người dân chỉ là người làm thuê, là bề tôi, là nô lệ – gọi chung là thần dân, cho đứng thì được đứng, bắt ngồi thì phải ngồi. Trong mô hình nhà nước này, nếu gặp được một ông vua tốt bụng và có trí tuệ thì dân được nhờ chút đỉnh, bằng không thì lãnh đủ, cuộc sống tối tăm lầm than không bút mực nào tả xiết.

So sánh để thấy, nhà nước dân chủ tốt hơn, đảm bảo hơn, ổn định hơn và nhân văn hơn hẳn.

Nay, thời kỳ quân chủ đã đi qua, mỗi người dân cần ý thức một cách sâu sắc rằng, mình mới là ông chủ, còn “cán bộ” và “lãnh đạo” chỉ là người làm thuê, được mình trả công và phải thực hiện công việc được giao một cách nghiêm túc. Chớ hiểu rằng, cán bộ là vua quan còn mình chỉ là hạng tôi tớ. Ký hợp đồng, giao việc, và giám sát làm việc; nếu thấy ai trong bộ máy làm không đúng, không tốt thì nhắc nhở, vi phạm nặng thì đuổi đi. Người dân nào luôn luôn sống trong tâm thế và tư thế ấy thì gọi là công dân, còn ngược lại thì là thần dân, là nô lệ.

Nhiều người sẽ phản đối rằng, đây chỉ là lý thuyết, đừng có nằm mơ! Đúng, nhưng nếu không có suy nghĩ, tinh thần và ý thức của cái lý thuyết này trong đời sống cá nhân của mỗi người dân thì cũng sẽ không bao giờ có được thực tế như mong muốn. Có câu, dân nào thì chính quyền ấy. Muốn có một chính quyền tiến bộ, thì người dân phải tiến bộ trong suy nghĩ trước đã. Có thể quên đi tất cả, nhưng dứt khoát không bao giờ được quên rằng mình là một người công dân.

Thái Hạo

[/ads_color_box]

______________

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, trang 323.

(2) Sđd, tập 8, trang 513.

(3), (4) Sđd tập 7, trang 579-597, trang 282.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thiếu năng lực quản trị vẫn làm đảng viên quan chức

Do Van Tien

VNTB – Việt Nam đang có nhiều bộ lạc…

Phan Thanh Hung

VNTB – Ủy quyền lập pháp: vài bàn luận về thể chế chính trị hiện nay

Phan Thanh Hung

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 25.04.2023 9:52 at 09:52

“Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”

Điều này Ta đã làm với các chính phủ phi-Cộng Sản, phi-Dân Chủ khác, như chính phủ Trần Trọng Kim & chính quyền Mỹ-Ngụy

Còn chính phủ này là Cộng Sản, và vì vậy, Dân Chủ, là chính quyền của Ta . Chính quyền của Ta phải có luật để bảo vệ chính quyền của Ta .

Chính quyền của Ta cũng đang từng bước loại bỏ những cán bộ hư hỏng, những ai hổng còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng . Chu Hảo, Trương Minh Tuấn … Hoặc nhẹ hơn thì cho về làm người tử tế như bác Đamn, ông Phúc . Đám thái tử Đảng cũng đã được đưa vào tạm giữ rùi

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo