VNTB – Huỳnh Ngọc Sĩ – những lần mặc cả và nhận tiền (kỳ cuối)

VNTB – Huỳnh Ngọc Sĩ – những lần mặc cả và nhận tiền (kỳ cuối)

Hoài Nguyễn

(VNTB) – “Phí bôi trơn” gần như là một “thủ tục truyền thống”

 

Chuyện “phí bôi trơn” gần như là một “thủ tục mang tính truyền thống”, khi mà thỏa thuận làm ăn nào ở xứ Việt cũng phải thêm khoản trích “hoa hồng”, và “tiền trà nước” cho các yêu cầu hành chính khác.

Vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ, một cựu quan chức trong lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM thời kinh tế mở cửa là đơn cử.

Bài viết này được ghi nhận từ hồ sơ của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Kỳ 3: Phối hợp điều tra xử lý vụ án của các cơ quan chức năng Nhật Bản và Việt Nam

Việc PCI đưa tiền hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ đã bị các cơ quan Tư pháp Nhật Bản phát hiện và tiến hành điều tra.

Ngày 21-8-2008 Đại sứ Nhật Bản có công hàm gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị thực hiện ủy thác điều tra theo đề nghị của cơ quan Tư pháp Nhật Bản về việc các nhân viên PCI đưa tiền hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ;

Ngày 25-8-2008 Bộ Ngoại giao có văn bản chuyển yêu cầu của phía Nhật Bản cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

Ngày 08-9-2008 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản gửi Bộ Công an yêu cầu điều tra xác minh theo ủy thác của Cơ quan tư pháp Nhật Bản về lời khai của bốn nhân viên Công ty PCI đã đưa tiền hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ để được nhận và thực hiện Dự án;

Ngày 11-11-2008, báo chí Nhật Bản đồng loạt đưa tin Tòa án TOKYO xét xử vụ bốn bị cáo thuộc Công ty PCI đã đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ 2,6 triệu USD về tội “cạnh tranh không công bằng”;

Ngày 20-11-2008, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, sau khi thẩm tra nắm tình hình ban đầu, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ xác định có tội phạm tham nhũng xảy ra tại “Dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TP.HCM”, và kiến nghị cho khởi tố vụ án để điều tra xử lý;

Tháng 11-2008, bên lề Hội nghị APEC tiếp xúc với Thủ tướng Nhật Taro Aso, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết cam kết “Việt Nam sẽ xử lý nghiêm vụ PCI”.

Ngày 04-12-2008, Nhật Bản tuyên bố  tạm dừng cung cấp vốn ODA cho Việt Nam;

Ngày 09-12-2008, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc khởi tố vụ án để điều tra xử lý;

Ngày 11-02-2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam bị can Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả – Phó giám đốc Dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với hành vi cho thuê nhà lấy tiền chia nhau (vì tài liệu lúc này chưa đủ để khởi tố Huỳnh Ngọc Sĩ về tội Nhận hối lộ).

Kết quả điều tra xác định từ tháng 8-2001 đến tháng 11-2002 Huỳnh Ngọc Sĩ, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TP.HCM, đã cho PCI thuê trụ sở làm việc để lấy 1,2 tỷ đồng chia nhau.

Ngày 25-9-2009, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn…” tuyên phạt Huỳnh Ngọc Sĩ 3 năm tù, Lê Quả 2 năm tù. Ngày 17-3-2010, Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm vụ án nâng mức phạt: Huỳnh Ngọc Sĩ 6 năm tù, Lê Quả 5 năm tù.

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam khởi tố vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ, ngày 23-02-2009 lúc 17 giờ 30 phút tại TOKYO,  hội đàm với đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố nối lại ODA cho Việt Nam;

Ngày 04-5-2009 Nhật Bản chuyển cho Việt Nam trên 3.000 trang tài liệu liên quan đến việc các nhân viên PCI đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ. Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đề xuất Chính phủ đồng ý chi toàn bộ số tiền để dịch tài liệu. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ký hợp đồng dịch thuật với Công ty dịch thuật chuyên nghiệp CNN và Công ty INTRACO để dịch công chứng.

Trả lời văn bản của Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Tư pháp khẳng định: tài liệu do Bộ Tư pháp Nhật Bản chuyển cho Cơ quan điều tra Bộ Công an là phù hợp với Luật tương trợ tư pháp, Luật tố tụng hình sự Việt Nam, được coi là nguồn chứng cứ để xác định, đánh giá, làm sáng tỏ vụ án.

Ngày 04-12-2009, Bộ Công an có báo cáo Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo về kết quả điều tra và nghiên cứu hồ sơ, tài liệu (do Nhật Bản cung cấp) và đề xuất khởi tố Huỳnh Ngọc Sĩ về tội Nhận hối lộ.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo đã thành lập Tổ Công tác (gồm chuyên viên của Văn phòng Ban Chỉ đạo và Tòa án nhân dân tối cao) nghiên cứu nội dung vụ án và có báo cáo trong đó xác định đã đủ căn cứ để khởi tố Huỳnh Ngọc Sĩ về tội Nhận hối lộ, được Phó Thủ tướng – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đồng ý.

Ngày 22-12-2009, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đồng ý với đề nghị của Bộ Công an về việc khởi tố bị can Huỳnh Ngọc Sĩ về tội Nhận hối lộ.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, ngày 22-01-2010 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với Huỳnh Ngọc Sĩ về tội Nhận hối lộ.

Ngày 18-10-2010, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt ông Huỳnh Ngọc Sĩ tù chung thân với tội danh “Nhận hối lộ”. Ngày 1-9-2011, Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM đã tuyên giảm hình phạt từ chung thân xuống còn 20 năm; có nghĩa nếu không được đặc xá thì ông Huỳnh Ngọc Sĩ cũng đã thi hành án xong từ tháng 9 năm ngoái.

Cho đến nay, tài sản của ông Huỳnh Ngọc Sĩ vẫn đang là một bí mật với người dân, dù theo quy định thì ông Sĩ thuộc vào hàng cán bộ phải kê khai tài sản.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)