Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nếu Kim Tử Long kiện nhà bảo hiểm, liệu có thắng không?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Nếu khởi kiện, nghệ sĩ Kim Tử Long sẽ thắng.

 

Tham vấn theo yêu cầu bạn đọc

Mới đây, sau buổi làm việc trực tiếp với công ty bảo hiểm, nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long cho biết ông không thể lấy lại toàn bộ số tiền đã đóng. Điều này đồng nghĩa với việc ông đã mất trắng cả trăm triệu đồng sau 3 năm đóng tiền bảo hiểm.

Nếu những trường hợp tương tự như nghệ sĩ Kim Tử Long, liệu khi ‘thỏa thuận ngoài tòa’ thất bại, liệu phía khách hàng mua bảo hiểm có thể thắng khi khởi kiện?

Câu trả lời là rất có thể.

Nghệ sĩ Kim Tử Long ‘tố’ phía bảo hiểm vô trách nhiệm

Liên quan đến ồn ào hợp đồng bảo hiểm của nghệ sĩ Kim Tử Long bị hủy do quên đóng phí theo thời hạn, ông và phía công ty bảo hiểm đã có buổi làm việc trực tiếp hồi thượng tuần tháng 5-2023.

Nghệ sĩ Kim Tử Long cho biết sau buổi làm việc trực tiếp với công ty bảo hiểm, số tiền hơn 100 triệu đồng của ông vẫn mất trắng. Nam nghệ sĩ bức xúc cho rằng nhân viên công ty giải quyết thiếu trách nhiệm và xử ép mình. Ông nói thêm: “Phía công ty bảo hiểm nói hợp đồng không còn hiệu lực nên không thể trả lại toàn bộ số tiền tôi đã đóng trước đó. Giờ đã như vậy thì tôi đành chấp nhận bị mất thôi, còn biết kiện cáo gì nữa”.

Phía công ty bảo hiểm đã gửi thông cáo báo chí vụ việc này cho biết trong buổi gặp mặt, Kim Tử Long đã nêu lên những thắc mắc liên quan đến thông tin, cập nhật thông tin liên lạc, nhắc đóng phí và quá trình tư vấn viên phục vụ hợp đồng bảo hiểm của ông. Đồng thời, nam nghệ sĩ cũng đưa ra mong muốn công ty hỗ trợ các thủ tục cần thiết nếu có thể tiếp tục tham gia hợp đồng bảo hiểm đã mất hiệu lực hoặc được hoàn lại toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng.

Thông qua buổi làm việc, phía công ty đã cùng Kim Tử Long xác nhận lại quá trình tham gia hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, năm thứ 1 đến năm thứ 3, Kim Tử Long đã đóng phí hợp đồng bảo hiểm đầy đủ theo giá trị hợp đồng đã được phát hành và được tư vấn viên đến nhắc và thu phí trực tiếp.

Năm thứ 4, tư vấn viên đã nỗ lực liên hệ để nhắc và thu phí “nhưng rất tiếc không thành công”. Phía công ty bảo hiểm phân tích thêm: “Dù không nhận được phí do khách hàng nộp nhưng hợp đồng bảo hiểm đã có giá trị hoàn lại. Vì vậy, để hợp đồng tiếp tục duy trì hiệu lực nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi bảo hiểm của khách hàng, công ty đã tự động đổi định kỳ nộp phí 3 tháng và trích từ giá trị hoàn lại theo quy định. Đến năm thứ 5, do giá trị hoàn lại của hợp đồng không đủ để tiếp tục nộp cho kỳ kế tiếp nên hợp đồng bảo hiểm của Kim Tử Long đã mất hiệu lực kể từ kỳ phí nêu trên, như quy định đã giao kết trên hợp đồng bảo hiểm”.

Nam nghệ sĩ cho biết không trách gì phía công ty mà chỉ bức xúc trước cách làm việc vô trách nhiệm của nhân viên bảo hiểm.

“Đáng lý ra khi bán được hợp đồng thì họ phải chăm sóc khách hàng sao cho đúng. Nếu họ nghỉ hay chuyển bộ phận thì phải bàn giao lại cho một người khác, người nhận được bàn giao đó cũng phải có trách nhiệm chứ. Tôi chưa từng nhận được cuộc gọi nào thông báo về việc này, rồi bị hủy hợp đồng mà không hay biết”, Kim Tử Long nói thêm.

Nếu khởi kiện, Kim Tử Long sẽ thắng

Từ các tình tiết, tình huống mà báo chí và tài khoản cá nhân mạng xã hội của nghệ sĩ Kim Tử Long nói về vụ việc bảo hiểm nhân thọ kể trên, nếu ông chọn việc khởi kiện, tin rằng ông sẽ thắng vì nội dung tương tự này đã có án lệ, và phía bảo hiểm thua kiện đó cũng là nhà bán bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng Kim Tử Long.

Xin tóm lược án lệ đó để quý bạn đọc Việt Nam Thời Báo có thêm dữ liệu cho việc chủ động xử lý những trường hợp tương tự.

Nguyên đơn bà Phạm Thị T trình bày: Chồng của bà là Trần Hữu L có đăng ký mua bảo hiểm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ P. Chồng của bà bị tai nạn chết. Theo hợp đồng bà là người thụ hưởng. Nay bà yêu cầu bị đơn trả số tiền bảo hiểm là 300 triệu đồng và tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản tính từ tháng 8-2005 đến nay là 126 triệu đồng, tổng cộng là 426 triệu đồng.

Bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ P có đại diện theo ủy quyền ông Nguyễn Quốc T trình bày: Ông L phải nộp phí bảo hiểm lần II vào ngày 24-6-2005, sau đó được gia hạn thêm hai tháng nhưng vẫn không nộp tiền. Ông L chết ngày 27-8-2005 là thời điểm hợp đồng bảo hiểm đã mất hiệu lực 03 ngày. Vì thế bị đơn không chấp nhận trả tiền theo yêu cầu của nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Vũ Thị Minh N trình bày: Bà là đại lý của bị đơn, đã bán bảo hiểm cho ông L. Bà thỏa thuận với ông L là đến kỳ thu phí bảo hiểm, bà sẽ trực tiếp thu phí tại nhà ông L. Nhưng đến kỳ hạn cuối thu tiền bà phải đi học chính trị ở tỉnh nên không thu phí được. Việc không nộp tiền được là do khách quan, nên bà yêu cầu bị đơn phải trả tiền bảo hiểm cho nguyên đơn.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 38/2008/DS-ST ngày 21-8-2008 của Toà án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

1. Không chấp nhận yêu cầu của bà Phạm Thị T đòi Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ P trả tiền bảo hiểm và tiền lãi do chậm thanh toán là 426.000.000 đồng.

2. Về án phí: Bà Phạm Thị T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 7.890.000 đồng, nhưng được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 6.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số 2185 ngày 09-6-2006 của Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh. Bà T còn phải nộp 1.890.000 đồng.

Án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 01-9-2008 bà Phạm Thị T kháng cáo. Tại phiên toà phúc thẩm, nguyên đơn không rút yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết việc kiện.

Bà T trình bày yêu cầu kháng cáo là đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của bà buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ P trả tiền bảo hiểm và tiền lãi do chậm thanh toán là 426.000.000 đồng. Với lý do vì người của công ty không đến thu tiền bảo hiểm chứ không phải bà không đóng. Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bà T đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu này của bà T.

Ông Nguyễn Quốc T đại diện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ P cùng luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp đề nghị hội đồng xét xử y án sơ thẩm.

Nhận định của tòa án phiên phúc thẩm: Xét ông L đã ký hợp đồng bảo hiểm thông qua hình thức hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ với mức bảo hiểm là 300.000.000 đồng, việc ông L chưa đóng phí đợt 2 như đã phân tích ở trên là không phải lỗi của ông L do đó yêu cầu kháng cáo của bà T buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ P phải chi trả tiền bảo hiểm khi ông L tử vong do tai nạn là có cơ sở để chấp nhận.

Xét yêu cầu của đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ P cho rằng ông L không đóng phí bảo hiểm đợt 2 hạn chót là ngày 24-8-2005 và ông L đã chết ngày 27-8-2005, như vậy hợp đồng bảo hiểm của ông L đã hết hiệu lực là không có cơ sở.

Bởi lẽ như đã phân tích ở trên, lý do ông L không đóng phí bảo hiểm là do nhân viên công ty không đến thu phí. Điều này cũng thể hiện rõ tại trang 5 quyển những thông tin khách hàng cần biết nêu rõ việc thu phí tại nhà gồm có thu phí hàng quý, hàng 6 tháng, hàng năm, hoặc cùng một địa chỉ có từ 2 hợp đồng trở lên, phù hợp với trường hợp của ông L đã mua 03 hợp đồng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ P là của ông L, bà T, bà H.

Do đó Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ P, cũng như lời đề nghị của luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ P.

Xét yêu cầu của bà T buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ P phải trả tiền lãi chậm trả từ 27-8-2005 đến ngày Tòa án xét xử là không có cơ sở. Vì tại giấy chứng nhận bảo hiểm do Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ P cấp cho ông L không thể hiện điều khoản về lãi suất, vì vậy Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu này của bà T.

Do đó Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà T, sửa án sơ thẩm buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ P phải trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng tử vong do tai nạn của ông L là 300.000.000 đồng mà người thụ hưởng là bà T.

Nội dung trên được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ số 23/2018/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm do lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm, theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06-11-2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.


Tin bài liên quan:

VNTB – Hệ lụy của hình sự hóa những ý kiến trái chiều

Do Van Tien

VNTB – Ừ, độc đảng coi vậy vẫn đỡ bực mình hơn đa đảng

Phan Thanh Hung

VNTB – Chửi ai cũng được, chừa Đảng ra

Phan Thanh Hung

1 comment

T Vy 22.05.2023 8:48 at 08:48

Thắng hay không còn tùy thuộc bên nào chạy án giỏi hơn

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo