Anh Khoa dịch
(VNTB) – Chính trị gia đối lập Alexei Navalny tiết lộ FSB đầu độc quần lót của ông ta
Ngày 2 tháng 1 năm 2021
Ở lại nước ngoài hay mục xác trong tù.
Đó là sự lựa chọn mà Vladimir Putin đưa ra trong tuần này cho Alexei Navalny, chính trị gia đối lập hiện đang ở Đức để hồi phục sau khi bị các nhân viên an ninh Nga cố ám sát ông vào tháng 8 năm ngoái.
Mối đe dọa mới được đưa ra bởi cơ quan quản lý nhà tù liên bang của Nga, cơ quan này cáo buộc ông Navalny vi phạm thời gian quản chế được áp dụng cùng tội danh tham ô bị gán ghép vào năm 2014. Rõ ràng là một sự giả tạo: thời gian quản chế hết hạn vào ngày 30 tháng 12 nhưng vào ngày 28, Ông Navalny được lệnh phải tham gia một phiên điều trần về việc được tạm tha ở Moscow vào lúc 9 giờ sáng hôm sau, nếu không sẽ bị tuyên ba năm rưỡi tù treo.
Ngày hôm sau, nhà chức trách Nga khởi động một vụ án tham ô mới và lớn hơn đối với ông Navalny. Ông ấy vẫn không hề bối rối. Ông nói với tờ The Economist: “Putin thực sự không muốn tôi quay trở lại Nga. “Tôi đang lên kế hoạch làm điều mà tôi luôn nói rằng tôi sẽ làm: quay trở lại.”
Viễn cảnh ông Navalny trở lại trước cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2021 đã khiến Điện Kremlin lo lắng kể từ tháng 9, khi ông hôn mê sau khi gục xuống trong chuyến bay qua Siberia vào tháng 8. Ông ta đã được đưa đến Berlin, các bác sĩ ở đó xác định ông đã bị đầu độc bằng novichok, một chất độc thần kinh quân sự của Nga.
Kể từ đó ông và các đồng minh của ông bận rộn. Vào ngày 14 tháng 12, nhóm của ông Navalny, cùng với Bellingcat (một nhóm pháp y kỹ thuật số) và Insider (một nhóm điều tra người Nga), đã công bố một cuộc điều tra chung về âm mưu ám sát ông ta.
Họ công bố tên và những hoạt động của một nhóm đặc vụ của FSB, một cơ quan an ninh nhà nước, những người đã theo dõi ông Navalny từ năm 2017, khi ông nói rằng ông sẽ tranh cử tổng thống. Sử dụng danh sách hành khách, số tín hiệu phát ra từ điện thoại di động và các dữ liệu khác, phần lớn được thu thập trên mạng internet đen, cuộc điều tra cho thấy các đặc vụ FSB có liên hệ với các cơ sở vũ khí hóa học đã ở gần ông Navalny khi ông bị đầu độc.
Ông Putin buộc phải thừa nhận rằng các đặc vụ FSB đã theo dõi ông Navalny, nhưng tuyên bố họ làm vậy vì ông có quan hệ với CIA (Cục Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ). Có nhiều thứ hấp dẫn khác sẽ được công bố. Vào ngày 21 tháng 12, ông Navalny đã công bố một đoạn video quay cảnh ông gọi điện thoại cho một trong những kẻ được cho là kẻ đã cố ý sát hại ông: Konstantin Kudryavtsev, một chuyên gia vũ khí hóa học của FSB.
Ông Navalny đã sử dụng phần mềm khiến cuộc gọi dường như đến từ bên trong trụ sở FSB và đóng vai trò là trợ lý thu thập thông tin cho người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia Nga. Viên đặc vụ không may này đã dành 49 phút giải thích các hoạt động đã diễn ra sai với dự kiến như thế nào. Khi bị hỏi chi tiết, ông Kudryavtsev giải thích rằng chất độc đã được bôi vào quần lót của ông Navalny. “Trên vùng bẹn?” Ông Navalny hỏi. “Chà, lên chỗ cái gọi là cái bảo vệ dương vật,” viên đặc vụ trả lời.
Trong vòng vài giờ, video về cuộc trò chuyện của ông Navalny đã có 7 triệu lượt xem trên YouTube. Quần lót nam màu xanh đã trở thành một chủ đề video chính trị lan tràn trên Internet. Một số nhà hoạt động Nga, trong đó có Vitaly Mansky, một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng, đã xuất hiện trước trụ sở chính của FSB để biểu tình giơ những chiếc quần sịp xanh. Họ đã bị bắt giữ ngay lập tức vì sử dụng “phương tiện tuyên truyền trực quan và kích động”.
Các video của ông Navalny đã xác nhận những gì các chính phủ phương Tây nói ngay từ đầu: FSB đứng sau vụ ám sát. Nhưng quan trọng hơn là tác động chính trị bên trong nước Nga. Các video này đã làm tiêu tan hình ảnh của cơ quan bí mật hoạt động hiệu quả và không bị ảnh hưởng bởi tình trạng tham nhũng và suy thoái nghề nghiệp ở quốc gia này — một huyền thoại không có thật lần đầu tiên do cơ quan tiền nhiệm của FSB, KGB của Liên Xô xây dựng. Kirill Rogov, một nhà phân tích chính trị, đã bị Putin, một cựu đặc nhiệm KGB, lợi dụng một cách khéo léo khi lần đầu tiên ra mắt công chúng Nga như một giải pháp cho sự hỗn loạn của những năm 1990.
Việc sử dụng chất độc vô hình nhằm mục đích nâng cao hào quang bí ẩn và toàn năng của các cơ quan an ninh. Nhưng cuộc trò chuyện của ông Navalny với kẻ truy đuổi ông là một sự bẽ mặt đối với huyền thoại này. Ekaterina Schulmann, một nhà khoa học chính trị Nga, đã so sánh tính biểu tượng của vụ việc với thời điểm năm 1987 khi Mathias Rust, một phi công 18 tuổi người Đức, hạ cánh một chiếc máy bay nhỏ gần Điện Kremlin, chế nhạo hệ thống phòng không được cho là không thể xuyên thủng của Liên Xô.
Cuộc điều tra của ông Navalny có thể không thuyết phục được nhiều người Nga rằng ông Putin đã ra lệnh đầu độc ông. Trung tâm Levada, một tổ chức thăm dò ý kiến, cho biết khoảng 15% dân số tin vào lời giải thích này. Tuy nhiên, 19% chấp nhận giả thuyết lố bịch của ông Putin rằng vụ đầu độc là một âm mưu CIA. Hầu hết người Nga nghĩ rằng vụ đầu độc này đã không bao giờ xảy ra, hoặc không muốn nghĩ về vụ ám sát.
Tuy nhiên, những tiết lộ làm suy yếu tuyên bố của ông Putin tại cuộc họp báo vào tháng 12 rằng “nếu [FSB] thực sự muốn đầu độc ông ấy, họ sẽ hoàn thành công việc”. Cơ quan bị bẽ mặt này có thể vẫn sẽ cố gắng chứng minh ông Putin đúng.